BDK.VN - Nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh trình bày Tờ trình trước Quốc hội.
Theo Chương trình Kỳ họp, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trần Hồng Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra.
Theo Tờ trình của Chính phủ, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo điều kiện cho các quốc gia khai thác nguồn lực bên ngoài; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững đang là ưu tiên hàng đầu được nhiều quốc gia lựa chọn; đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức các quốc gia đang phát triển. Để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh như hiện nay, đòi hỏi hệ thống giao thông vận tải phải đi trước một bước; đối với các đô thị, trọng tâm là hệ thống giao thông công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị. Hiện nay, trên thế giới đã có hơn 200 thành phố xây dựng hệ thống đường sắt đô thị và thực tiễn cho thấy, các thành phố lớn trên thế giới đều ưu tiên phát triển đường sắt đô thị để đáp ứng nhu cầu vận tải đô thị vì đây là giải pháp căn cơ để giải bài toán ùn tắc, ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông đô thị và các thành phố có dân số khoảng 5 triệu người, thu nhập bình quân đầu người khoảng 6.000 USD/người/năm được khuyến nghị cần đầu tư hệ thống đường sắt đô thị.
Với quy mô dân số năm 2023 khoảng 8,5 triệu người tại Hà Nội, khoảng 9,5 triệu người tại TP. Hồ Chí Minhvà thu nhập bình quân đầu người năm 2023 tại Hà Nội khoảng 5.900 USD/người/năm, tại TP. Hồ Chí Minh khoảng 6.700 USD/người/năm, việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư, đưa vào vận hành, khai thác đồng bộ, đồng loạt hệ thống đường sắt đô thị ở thời điểm hiện tại là phù họp. Hai thành phố đã xác định mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải công cộng, góp phần tái cơ cấu các phương thức vận tải đô thị bền vững, hài hòa, hợp lý; trong đó, đến năm 2035, phấn đấu cơ bản hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị.
Đường sắt đô thị tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bắt đầu xây dựng từ năm 2007, tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, không đáp ứng được nhu cầu vận tải. Đánh giá cho thấy, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện. Trong khi đó, TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai đô thị lớn, đầu tàu kinh tế và tạo sức lan toả cho cả nước; kinh tế của hai thành phố đều liên tục tăng trưởng nên nguồn lực đầu tư đồng bộ, nhanh chóng các tuyến đường sắt đô thị không còn quá khó khăn.
Đường sắt đô thị là trục “xương sống” của hệ thống vận tải công cộng của các thành phố, đầu tư phát triển đường sắt đô thị là tất yếu khách quan, giải pháp quan trọng, căn cơ để phát triển đô thị hiện đại, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thời gian qua, việc đầu tư hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại hai Thành phố không đáp ứng yêu cầu do còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, trong đó có nguyên nhân chủ quan và khách quan nhưng đặc biệt là các khó khăn về thể chế cần phải sớm tháo gỡ để huy động nguồn lực, đẩy nhanh tiến trình đầu tư, phát triển nhân lực, công nghiệp.
Do vai trò quan trọng của hệ thống đường sắt đô thị đối với phát triển giao thông công cộng, phát triển đô thị, giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của hai Thành phố (hai cực tăng trưởng đầu tàu kinh tế của cả nước) nên việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại hai thành phố là rất cấp bách để giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế nhằm góp phần thực hiện mục tiêu đầu tư hoàn thành mạng lưới đường sắt đô thị tại hai Thành phố là rất cần thiết, cấp bách.
Đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp của Quốc hội.
Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nhằm: Huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa trình tự, thủ tục, thời gian chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện, đào tạo nguồn nhân lực để triển khai đầu tư hệ thống đường sắt đô thị; khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho hai Thành phố trong việc triển khai đầu tư phù hợp với tình hình thực tế, đặc điểm và yêu cầu phát triển, phát huy tính chủ động, tích cực của hai Thành phố bảo đảm hiệu quả đầu tư.
Việc xây dựng Nghị quyết đảm bảo các quan điểm sau đây: Phù hợp với Hiến pháp năm 2013, không trái với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; phù hợp với các chiến lược, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bộ Chính trị; Đơn giản hóa trình tự, thủ tục, trên quan điểm Trung ương xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, đảm bảo kiểm soát về mặt vĩ mô, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rút ngắn trình tự, thủ tục để “các địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; Huy động tối đa nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để hai Thành phố thực hiện thành công mục tiêu phát triển hệ thống đường sắt đô thị bảo đảm hiện đại, bền vững.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội được bố cục thành 11 Điều, quy định 06 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt về: (i) huy động nguồn vốn; (ii) về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; (iii) phát triển đô thị theo mô hình TOD; (iv) phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; (v) chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; (vi) các quy định áp dụng riêng cho TP. Hồ Chí Minh.
Về dự thảo Nghị quyết này, Chương trình Kỳ họp bố trí để Quốc hội thảo luận tại Tổ, sau đó thảo luận tại Hội trường và tiến hành biểu quyết thông qua tại Kỳ họp lần này.