Chính quyền Tổng thống Trump tái khẳng định hạn chế chip AI đối với Israel

13/02/2025 - 21:11

Ngày 12-2, chính quyền Tổng thống Donald Trump tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế xuất khẩu chip AI đối với Israel, trong bối cảnh nước này bị xếp vào nhóm trung gian cùng với một số quốc gia Trung Đông và châu Á.

Ngày 1-2-2025, một nguồn thạo tin cho biết Bộ Thương mại Mỹ đang điều tra việc DeepSeek - công ty Trung Quốc có mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) hiệu suất cao đang tạo “địa chấn” trong thế giới công nghệ - có sử dụng các vi mạch (chip) của Mỹ thuộc diện không được phép vận chuyển đến Trung Quốc hay không. Trong ảnh: Biểu tượng của Tập đoàn chip Nvidia và DeepSeek, ngày 27-1-2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Ngày 1-2-2025, một nguồn thạo tin cho biết Bộ Thương mại Mỹ đang điều tra việc DeepSeek - công ty Trung Quốc có mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) hiệu suất cao đang tạo “địa chấn” trong thế giới công nghệ - có sử dụng các vi mạch (chip) của Mỹ thuộc diện không được phép vận chuyển đến Trung Quốc hay không. Trong ảnh: Biểu tượng của Tập đoàn chip Nvidia và DeepSeek, ngày 27-1-2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Các nguồn tin cho biết Washington yêu cầu Israel thông qua các quy định nhằm ngăn chặn nguy cơ rò rỉ công nghệ sang Trung Quốc, đồng thời có thể xem xét việc gỡ bỏ một số hạn chế như một phần của thỏa thuận đa phương tại Trung Đông.

Trong một tuyên bố sau cuộc gặp với các quan chức cấp cao Mỹ, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết chính quyền Washington có kế hoạch loại Israel khỏi danh sách các quốc gia bị hạn chế nhập khẩu chip đồ họa tiên tiến. Tuy nhiên, vấn đề này không được đưa ra trong cuộc gặp giữa ông Netanyahu và Tổng thống Donald Trump mà thay vào đó được thảo luận tại Bộ Thương mại Mỹ trong khuôn khổ các chính sách an ninh quốc gia. Việc vấn đề được xử lý ở cấp Bộ - thay vì thông qua sự tham gia trực tiếp của ông Trump - cho thấy chính sách này vẫn mang tính chiến lược đối với Washington.

Trước đó, chính quyền Mỹ đã ban hành quy định kiểm soát xuất khẩu bộ xử lý AI từ thời Tổng thống Joe Biden, mở rộng danh sách các quốc gia bị hạn chế lên tới 170 nước. Theo quy định này, Israel cùng với Saudi Arabia, Singapore và UAE bị giới hạn nhập khẩu tối đa 50.000 bộ xử lý đồ họa đến năm 2027. Trong khi đó, 18 quốc gia khác bao gồm: Anh, Australia, Nhật Bản, Pháp và Tây Ban Nha, được miễn mọi hạn chế nhập khẩu.

Dù nhiều công ty và tổ chức tại Israel được miễn yêu cầu giấy phép nhập khẩu nếu không vượt quá ngưỡng 1.700 bộ xử lý nhưng các biện pháp kiểm soát vẫn ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các tập đoàn công nghệ lớn như Nvidia, Amazon, Microsoft và Google. Ngoài ra, theo quy định mới các công ty công nghệ lớn của Mỹ phải giữ lại ít nhất một nửa số chip AI trong nước và không được triển khai quá 7% tổng số chip ở một quốc gia duy nhất bên ngoài lãnh thổ Mỹ.

Bên cạnh tác động đối với ngành công nghệ, chính sách mới còn gây lo ngại trong giới chức quốc phòng Israel. Đại tá Elad Dvir - lãnh đạo bộ phận AI của Bộ Quốc phòng Israel, thừa nhận rằng cơ quan này đang gấp rút chuẩn bị ứng phó với các quy định sắp có hiệu lực. Ông cũng cảnh báo rằng các hạn chế xuất khẩu chip có thể làm suy yếu nền công nghiệp quốc phòng của Israel, đồng thời đặt ra nguy cơ nước này mất đi sự độc lập về công nghệ quân sự.

Trong bối cảnh đó, Israel có kế hoạch ký kết một thỏa thuận chung với Mỹ nhằm kiểm soát chặt chẽ công nghệ AI và máy tính lượng tử, với mục tiêu giảm thiểu rủi ro rò rỉ công nghệ sang Trung Quốc. Thỏa thuận này được khởi động từ năm 2021 dưới thời cựu Thủ tướng Yair Lapid và cựu Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Orit Farkash-Cohen nhưng chưa được chính thức thông qua. Khi chính quyền Israel thay đổi, vấn đề này không còn là ưu tiên hàng đầu, dẫn đến việc nước này bị xếp vào nhóm trung gian trong danh sách hạn chế xuất khẩu của Mỹ.

Hiện tại, Bộ Tài chính Israel đang tiến hành các cuộc đàm phán để tìm kiếm giải pháp nhằm nới lỏng các biện pháp kiểm soát, song chưa có dấu hiệu cho thấy chính quyền Mỹ sẽ sớm điều chỉnh chính sách đối với Israel. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã lên tiếng phản đối chính sách này và cho rằng việc đưa một số nước EU vào danh sách hạn chế là không hợp lý. Một số quốc gia như Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hy Lạp, Hungary và Thụy Sĩ cũng nằm trong nhóm chịu kiểm soát tương tự Israel. Theo Washington, điểm chung giữa các nước này là thiếu các quy định chặt chẽ để ngăn chặn công nghệ rơi vào tay các đối thủ cạnh tranh của Mỹ như Trung Quốc và Nga.

Việc Israel bị xếp vào nhóm các quốc gia bị hạn chế xuất khẩu chip không chỉ ảnh hưởng đến ngành công nghệ mà còn tác động đến vị thế chiến lược của nước này trong quan hệ với Mỹ. Mặc dù chính quyền Thủ tướng Netanyahu vẫn hy vọng đạt được thỏa thuận nhằm nới lỏng các biện pháp kiểm soát, tuy nhiên cho đến nay chưa có dấu hiệu nào cho thấy Washington sẵn sàng thay đổi lập trường.

Nguồn: TTXVN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN