Chính sách hỗ trợ cho người dân chăm sóc, khôi phục vườn dừa bị ảnh hưởng sau hạn mặn

21/03/2021 - 18:47

BDK.VN - Đợt hạn mặn mùa khô năm 2019-2020 diễn biến phức tạp, gay gắt, kéo dài, đã gây ra những tác động, thiệt hại rất lớn trên mọi mặt đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất sau hạn mặn, UBND tỉnh đã phê duyệt kinh phí hỗ trợ để khôi phục sản xuất nông nghiệp vùng bị thiệt hại do hạn mặn (theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ) là 38,469 tỷ đồng, với các đối tượng hỗ trợ, gồm: cây lúa vụ Thu Đông 2019, rau màu, cây ăn trái lâu năm (chủ yếu là sầu riêng, chôm chôm, bưởi da xanh).

Riêng đối với cây dừa là cây phổ biến và gắn liền với cuộc sống, thu nhập của người dân Bến Tre, do đặc điểm sinh học nên trong đợt hạn mặn vừa qua, cây dừa tuy không bị chết nhưng bị giảm năng suất, chất lượng, ảnh hưởng đến sinh trưởng

Theo số liệu điều ta cho thấy, hầu hết 72.000 ha dừa hiện có bị giảm năng suất, chất lượng, đa phần giảm từ 30 - 70%, đặc biệt là dừa uống nước. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ thì cây dừa không đảm bảo điều kiện để được hỗ trợ khôi phục sản xuất. Do dừa bị giảm năng suất, chất lượng nên thu nhập của người trồng dừa bị giảm bình quân 50 - 60%, thậm chí có lúc dừa không bán được vì không đạt tiêu chuẩn. Cùng với tác động của dịch Covid-19, người trồng dừa gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc chăm sóc, phục hồi vườn dừa sau hạn mặn rất hạn chế.

Để giúp người trồng dừa có điều kiện mua phân bón, quan tâm chăm sóc vườn dừa, sớm khôi phục và tái sản xuất sau hạn mặn, tránh những ảnh hưởng xấu ở những năm tiếp theo là việc làm hết sức cần thiết, tại Kỳ họp thứ 20 HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho người dân chăm sóc, khôi phục vườn dừa bị ảnh hưởng sau hạn mặn nhằm giúp người dân có điều kiện, quan tâm chăm sóc, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai. Thúc đẩy và giữ vững vùng nguyên liệu dừa lớn nhất cả nước, đồng thời góp phần cải thiện là nguồn thu nhập chính của người dân Bến Tre.

Chính sách này hỗ trợ để người dân chăm sóc, khôi phục vườn dừa bị ảnh hưởng sau hạn mặn trên địa bàn tỉnh, gồm đối tượng là tất cả hộ dân trồng dừa và toàn bộ diện tích trồng dừa bị ảnh hưởng do hạn mặn trên địa bàn tỉnh. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính sách hỗ trợ hộ dân chăm sóc, khôi phục vườn dừa sau hạn mặn.

Việc hỗ trợ phải bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch. Hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng trực tiếp canh tác dừa bị ảnh hưởng do hạn mặn. Điều kiện hỗ trợ, đối với vườn dừa chuyên canh: hỗ trợ 100% diện tích. Đối với vườn dừa trồng xen (cây dừa là cây trồng chính): dừa công nghiệp: tối thiểu 160 cây/ha; dừa uống nước: tối thiểu 200 cây/ha. Diện tích dừa được hỗ trợ: không bao gồm diện tích dừa có trồng xen cây ăn trái đã được hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/ND-CP ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Mức hỗ trợ: 1.000.000 đồng/ha.

Hình thức hỗ trợ: Hỗ trợ bằng tiền mặt, từ nguồn ngân sách Nhà nước.

Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN