Thu phí cách ly người nhập cảnh
Thông báo 313 của Văn phòng Chính phủ ban hành về Kết luận của Thủ tướng tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 hôm 29-8-2020 nêu rõ, Thủ tướng đồng ý mở rộng cách ly tại cơ sở lưu trú có thu phí, có giám sát. Các Bộ Tài chính và Y tế hướng dẫn để từ 1-9-2020, thu phí tất cả trường hợp nhập cảnh vào Việt Nam ở tất cả nơi cách ly.
Chi phí khám chữa bệnh cho những người mắc Covid-19 tiếp tục do ngân sách Nhà nước chi trả.
Thời gian nghỉ hè của giáo viên mầm non, phổ thông là 8 tuần
Tại Nghị định 84 cũng có hiệu lực từ ngày 1-9-2020, Chính phủ đã có hướng dẫn mới về thời gian nghỉ hè của giáo viên các cấp.
Cụ thể, giáo viên mầm non, giáo viên các cấp phổ thông, trường chuyên biệt được nghỉ hè 8 tuần bao gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Giáo viên trường trung cấp và giảng viên cao đẳng được nghỉ hè 6 tuần gồm cả nghỉ phép hằng năm.
Riêng trường hợp đột xuất, khẩn cấp để phòng, chống thiên tai, dịch bệnh hoặc cấp bách, thời gian nghỉ hè của các đối tượng trên sẽ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quyết định theo thẩm quyền.
Bảo vệ vị trí công tác cán bộ, công chức là người tố cáo
Theo Thông tư 03 của Bộ Nội vụ có hiệu lực từ ngày 5-9-2020, cán bộ, công chức, viên chức là người tố cáo sẽ được bảo vệ vị trí công tác.
Cụ thể, sẽ không xử lý kỷ luật người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp người đó có hành vi vi phạm không liên quan đến lĩnh vực tố cáo.
Đồng thời, không thực hiện điều động, luân chuyển, biệt phái, chuyển đổi vị trí việc làm, phân công công việc khác với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian được bảo vệ trừ trường hợp:
- Được sự đồng ý của người đó
- Thực hiện định kỳ chuyển đổi vị trí công tác;
- Theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Bỏ tên trạm thu giá đường bộ
Có hiệu lực từ ngày 15-9-2020, Thông tư 15 của Bộ Giao thông Vận tải đặt tên cho nơi thu phí phương tiện tham gia giao thông đường bộ là trạm thu phí đường bộ, thay vì trạm thu giá theo quy định từ ba năm trước.
Tên gọi trạm thu phí đường bộ được quy định từ năm 2010 trong Thông tư 05 của Bộ Giao thông Vận tải, tuy nhiên năm 2016, Bộ này ban hành thông thư 49 để thay thế, trong đó đổi tên gọi thành trạm thu giá. Đến đầu năm 2018, Bộ Giao thông Vận tải bắt đầu lắp đặt biển tên "trạm thu giá" ở các trạm thu phí đường bộ. Việc thay đổi này đã khiến tài xế, chuyên gia phản đối.
Cũng theo Thông tư này, trước khi thành lập trạm thu phí phải công khai vị trí đặt trạm. Trong suốt quá trình thu, đơn vị thu phải công khai các thông tin trên biển báo điện tử...
Hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp không quá 800.000 đồng/người/lần
Có hiệu lực từ ngày 15-9-2020, nghị định 88/2020 tăng mức hỗ trợ kinh phí khám bệnh nghề nghiệp lên tối đa 800.000 đồng thay vì 500.000 đồng như hiện nay. Với quy định này, mỗi người lao động được hỗ trợ tối đa hai lần, và mỗi năm được hỗ trợ một lần.
Về kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp, Chính phủ lần đầu quy định rõ số tiền hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh sau khi được bảo hiểm y tế chi trả, nhưng không vượt quá 15 triệu đồng; hiện nay quy định không vượt quá 10 lần mức lương cơ sở.
Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động trong trường hợp này là 2 lần và trong một năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.
Đăng ký khai sinh muộn cho con không còn bị phạt
Đây cũng là một nội dung đáng chú ý khác tại Nghị định 82.
Theo đó, trước đây, bố, mẹ đăng ký khai sinh cho con không đúng thời hạn quy định (tức là trong vòng 60 ngày kể từ ngày trẻ được sinh ra) sẽ bị phạt cảnh cáo.
Tuy nhiên, theo Nghị định 82 có hiệu lực vào đầu tháng 9 thì quy định này đã bị bãi bỏ.
Ngoài ra, Nghị định 82 cũng tăng mạnh mức phạt đối với các vi phạm về đăng ký khai sinh như:
- Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ đã được cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh: phạt từ 1 - 3 triệu đồng;
- Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh; sử dụng giấy tờ của người khác để đăng ký khai sinh: phạt từ 3 - 5 triệu đồng.
Tăng mức phạt với trường hợp ngoại tình
Có hiệu lực từ ngày 1-9-2020, nghị định 82/2020 quy định mức phạt với người đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác từ 3-5 triệu đồng, thay vì 1-3 triệu đồng như hiện nay.
Mức phạt tương tự cũng áp dụng với người đang có vợ hoặc có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ.
Nghị định cũng quy định hành vi cưỡng ép kết hôn hoặc lừa dối kết hôn; lợi dụng việc ly hôn để trốn tránh nghĩa vụ tài sản, vi phạm chính sách về dân số sẽ bị phạt 10 - 20 triệu đồng.
Ngoài ra, Chính phủ bỏ quy định phạt cảnh cáo với trường hợp khai sinh muộn cho con sau 7 năm áp dụng.
Phạt đến 30 triệu nếu yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo
Cũng tại Nghị định 82 của Chính phủ quy định phạt tiền với các cá nhân có hành vi vi phạm quy định về công chứng hợp đồng, giao dịch.
Theo đó, mức phạt 20-30 triệu đồng sẽ áp dụng đối với cá nhân có một trong các hành vi vi phạm sau:
- Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch
- Giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng.
- Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo.
- Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch.
- Cản trở hoạt động công chứng.
Đồng thời, buộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, nghĩa vụ liên quan về hành vi vi phạm trên (trừ hành vi cản trở hoạt động công chứng).
P. Nghi (tổng hợp)