Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại hội nghị.
* Phóng viên: Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như thế nào về vị trí của ngành tài chính hiện nay trong quá trình chuyển đổi số (CĐS) quốc gia?
- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Trong những năm qua, với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, mà đặc biệt là sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Đảng, Chính phủ đã luôn hết sức quan tâm, coi trọng việc phát triển, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và đặc biệt là quá trình CĐS quốc gia. Chúng ta đang bước sang thập niên thứ 3 của thế kỷ XXI, kỷ nguyên số hóa với nhiều cơ hội rộng mở và những thách thức đan xen. Trong bối cảnh đất nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch Covid-19, việc đẩy mạnh và áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế; từ đó bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm và toàn diện.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đóng góp chung vào công cuộc CĐS của quốc gia, trong những năm qua, Bộ Tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng đã luôn chú trọng, chủ động đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào công tác quản lý; tập trung triển khai giải pháp CĐS, từng bước hình thành nền tài chính số Việt Nam vững mạnh, hiện đại. Điều đó được thể hiện qua một số điểm như: xây dựng và hoàn thiện thể chế; xây dựng các nền tảng phát triển tài chính điện tử hướng tới tài chính số; ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào công tác quản lý, nâng cao chất lượng phục vụ doanh nghiệp và người dân. Có thể kể đến một số ứng dụng CNTT tiêu biểu như: hệ thống dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Bộ Tài chính; hệ thống thanh toán điện tử liên kho bạc, thanh toán liên ngân hàng, thanh toán song phương với các ngân hàng thương mại; hệ thống thông quan tự động và cơ chế một cửa quốc gia; Hệ thống kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử.
Những nỗ lực, kết quả trong xây dựng Bộ Tài chính điện tử hướng tới Bộ Tài chính số trong suốt những năm vừa qua đã được đánh giá, ghi nhận bằng kết quả là 8 năm liên tiếp từ 2013 đến nay, Bộ Tài chính đứng đầu bảng xếp hạng mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT ở Việt Nam (Vietnam ICT Index) của khối các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
* Trong thành tích đó, có sự góp sức của ngành thuế như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Những kết quả, thành tích đó của ngành tài chính trong những năm vừa qua có sự đóng góp rất lớn và hết sức quan trọng của ngành thuế. Có thể thấy rằng, công tác hiện đại hóa hệ thống thuế và triển khai áp dụng HĐĐT là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của ngành tài chính nói chung và ngành thuế nói riêng trong năm 2021, bởi những lợi ích to lớn của nó mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cộng đồng xã hội.
Nhận thức rõ vai trò quan trọng đó, thời gian qua, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, đặc biệt là Tổng cục Thuế đã hết sức nỗ lực, quyết tâm vào cuộc, triển khai khẩn trương, quyết liệt các nhiệm vụ, nội dung công việc nhằm sớm đưa HĐĐT vào cuộc sống, cụ thể như: xây dựng hệ thống cơ chế chính sách pháp luật, hành lang pháp lý rõ ràng (Luật Quản lý thuế, Nghị định và Thông tư hướng dẫn); khẩn trương, quyết liệt triển khai chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật. Điều đó rất rõ nét sự nỗ lực quyết tâm, sự quyết liệt trong triển khai thực hiện của các lãnh đạo ngành thuế, đồng thời, cũng thể hiện rõ sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các ngành các cấp.
Giai đoạn này là vô cùng quan trọng và có tính quyết định tới sự thành công trong việc áp dụng HĐĐT trên toàn quốc. Khi hệ thống này triển khai ra diện rộng từ tháng 7-2022 thì chính là lúc chính thức “khai tử” hình thức hóa đơn giấy. Đây là một bước ngoặt, bước tiến vô cùng quan trọng, góp phần vào công cuộc CĐS của cơ quan thuế, của ngành tài chính nói riêng và công cuộc CĐS quốc gia nói chung.
* Xin cảm ơn đồng chí Bộ trưởng!
Tại hội nghị công bố hệ thống hóa đơn điện tử, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế tăng cường quán triệt trong toàn ngành, tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hơn nữa hệ thống hóa đơn điện tử; bảo đảm thông tin, dữ liệu chính xác, minh bạch, thống nhất, an ninh, an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý và tạo thuận lợi cho người nộp thuế; nỗ lực bắt kịp, tiến cùng và vươn lên trong quản lý thuế so với khu vực, thế giới. Xác định rõ việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số. Rà soát, hoàn thiện quy định về các hệ thống tài nguyên thông tin, dữ liệu số có tính kết nối, liên thông cao; không chỉ phục vụ công tác quản lý thuế mà còn các lĩnh vực khác
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan, địa phương có kế hoạch, phương án, giải pháp cụ thể để triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử, nhất là phối hợp với ngành ngân hàng để thanh toán điện tử, tạo sự minh bạch về tài chính, thuận tiện cho người sử dụng. Đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn. Cơ quan thuế tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc quản lý hóa đơn điện tử, nhất là trong các lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, thương mại diện tử, giao dịch xuyên biên giới...; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.
|
Hoàng Hải Trà (thực hiện)