
Hộ ông Trần Văn Hùng ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành thi công ao lót bạt trữ nước ngọt cho vườn cây giống.
Trữ nước mưa, nước ngọt
Ông Trần Văn Hùng, ở ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách đang khẩn trương hoàn thành hồ chứa nước ngọt, với diện tích rộng hơn 1.200m2, sâu 5m, kinh phí hơn 100 triệu đồng để sẵn sàng ứng phó với hạn mặn trước khi bước vào mùa khô 2020-2021. Bà con trong ấp, hàng xóm lân cận không mấy bất ngờ khi biết ông Hùng mạnh tay đầu tư hồ trữ nước với diện tích hơn cả công đất bởi ai cũng hiểu tình cảnh thiếu nước sinh hoạt, nước tưới cho cây trồng diễn ra trong 6 tháng mùa khô vừa qua.
Ông Hùng chuyên sản xuất, kinh doanh cây giống các loại như: sầu riêng, mít, xoài... Đợt hạn mặn 2019-2020, mặc dù chuẩn bị sẵn các phương tiện trữ nước nhưng vẫn bị thiếu nước tưới. “Đến tận bây giờ, độ mặn trong đất vẫn chưa hết hoàn toàn. Nước trong rạch có khi đo được mức 0,5%o, không thể tưới cho cây giống sầu riêng”, ông Hùng cho biết.
Ngoài hộ ông Hùng, hầu như các nhà vườn ở Chợ Lách đều đang khẩn trương trữ nước tưới bằng nhiều biện pháp như: đào ao, hồ chứa nước, túi trữ nước trong vườn, ống hồ trữ nước... trong đó, nhiều nhất là đào hồ, ao lót bạt.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, hiện nay, các nhà vườn đang chuẩn bị ươm giống các loại hoa kiểng vụ Tết 2021. Trên các bãi và các cây gốc ghép có tổng sản lượng trên 10 triệu cây, chủ yếu là sầu riêng, mít…, 80% tập trung ở các xã cánh Đông của huyện; đã xuống giống 200ha chuyển đổi từ vườn cây ăn trái sang cây giống. Trên 5.000ha cây ăn trái đang phục hồi sau hạn mặn, tập trung ở các xã cánh Tây huyện, trong đó sầu riêng và chôm chôm chiếm diện tích khoảng 70%.
Toàn huyện hiện có 10 nhà máy nước (NMN) sinh hoạt, trong đó 3 NMN ngầm, 7 NMN mặt; công suất thiết kế 18.468m3/ngày đêm, công suất khai thác 11.657m3/ngày đêm; cấp nước cho 23.542 hộ (69% số hộ toàn huyện). Mùa khô 2019-2020, toàn bộ các NMN mặt bị nhiễm mặn, nghiêm trọng là các NMN ở cánh sông Hàm Luông, độ mặn trên 4‰ kéo dài gần 5 tháng. Tất cả 10 NMN trên địa bàn huyện đều không có hồ trữ nước thô, chủ yếu là hồ xử lý, bơm hút liên tục theo thủy triều nên khi mặn xâm nhập, nhà máy không có giải pháp điều tiết ứng phó.
Xây dựng kịch bản ứng phó
Trước những dự báo về tình hình hạn mặn có nguy cơ diễn ra sớm và gay gắt, UBND huyện đã xây dựng 4 kịch bản ứng phó với hạn mặn mùa khô 2020-2021. Về giải pháp phi công trình, các địa phương đều duy trì việc đo độ mặn hàng ngày, theo dõi sát thông tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh để chủ động thông tin trên đài truyền thanh. Tận dụng mạng xã hội, các xã vận động thành lập nhóm Zalo, Facebook để thường xuyên thông tin, cập nhật về tình hình diễn biến hạn mặn hoặc các vấn đề cần lưu ý, đảm bảo trên 90% người dân tiếp cận được thông tin và liên tục chia sẻ diễn biến. Các xã, thị trấn chủ động mua sắm trang thiết bị đo độ mặn, tổ chức điểm đo độ mặn tập trung để hỗ trợ kiểm tra mẫu nước do người dân mang đến.
Về giải pháp công trình, chính quyền địa phương chỉ đạo thực hiện đắp các đập tạm, nạo vét kênh mương trữ nước ngọt, khảo sát các khu vực chứa nước ngọt (ao, rạch…), lập kế hoạch dự trữ cụ thể và khả năng cung cấp nước ngọt cho từng khu vực. Đồng thời, duy trì 2 máy bơm khu vực tại xã Hòa Nghĩa, nhân rộng lắp thêm máy bơm các khu vực có nước ngọt các xã: Tân Thiềng, Vĩnh Thành, Long Thới, Hưng Khánh Trung B. Mỗi xã ít nhất 1 máy bơm. Các xã, thị trấn có kế hoạch tổ chức vận chuyển nước ngọt bằng xe và bằng tàu ghe lấy nước ngọt thượng nguồn cung cấp cho sản xuất. Vận hành hệ thống công trình thủy lợi, trữ nước trong hệ thống đê bao thủy lợi, cùng với các kênh rạch hiện hữu, trên 1.500 cống có kế hoạch đóng mở phù hợp.
Trong sản xuất, ngành nông nghiệp khuyến cáo, hướng dẫn nông dân áp dụng giải pháp che mát, dùng lưới, cỏ và các nguyên liệu, vật tư khác che tránh mất nước cho cây trồng; thông tin cho người dân nắm rõ mức độ chịu mặn và chịu ảnh hưởng của các loại cây trồng. Đồng thời, vận động hộ dân dịch chuyển điểm sản xuất, vận chuyển sớm các loại hoa, cây cảnh phục vụ Tết; điều chỉnh lịch mùa vụ cây ăn trái cho phù hợp, cân nhắc về quy mô sản xuất trước dự báo mặn có thể xâm nhập vào thời điểm tháng 12-2020 ngay sau khi mùa mưa kết thúc.
Đối với đê bao thủy lợi, đến nay khép kín 88,4% diện tích đất nông nghiệp. Trong đó, đê bao vững chắc 105,7km; đê bao an toàn 76,77km và đê bao cục bộ Nhà nước hỗ trợ cống và người dân đắp đê 60km bờ bao, với hơn 1.048 cống từ phi 60 trở lên. Hiện nay, đê bao của huyện đảm bảo chống lũ cơ bản an toàn. |
Bài, ảnh: Thanh Đồng