Đập tạm ngăn mặn Tư Lập ở xã Tân Thiềng đang được khẩn trương thi công. Ảnh: V.Cường
Mùa hạn mặn từ cuối năm 2019 đến nay đã hơn 4 tháng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đợt hạn mặn năm 2016. Vào đỉnh điểm, nước sông Hàm Luông nhiễm mặn 3‰ và sông Cổ Chiên độ mặn 1‰ bao trùm toàn huyện, khiến cho 60% diện tích của huyện thiếu nước nghiêm trọng. Do độ mặn duy trì lâu, các ao mương dự trữ một số khu vực đã cạn, người dân chủ động thuê phương tiện vận chuyển nước ngọt từ tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp về sử dụng. Tuy nhiên, phương án này chỉ là giải pháp tạm thời vì chi phí quá lớn.
Đến nay, toàn huyện có 9.200ha đất nông nghiệp nằm trong khu vực có đê bao, chiếm 88,4%. Hiện hệ thống đê bao đảm bảo chống lũ cơ bản an toàn, tuy nhiên việc trữ nước còn hạn chế, do hệ thống kênh mương bị thấm và rò rỉ, thể tích chứa các khu vực nội đồng không thể đáp ứng khi mặn kéo dài trên 3 tháng.
Trong bối cảnh đó, “đắp đập tạm ngăn mặn” được xem là phương án phù hợp với tình hình thực tế của huyện hiện nay. Điểm đáng lưu ý là trên sông Cổ Chiên, mức độ xâm nhập mặn ít gay gắt hơn, tùy thời điểm có thể lấy nước theo triều để sử dụng. Tận dụng cơ hội này, chính quyền các xã đã tiến hành xây dựng các đập tạm ở các sông rạch để giữ nước ngọt của sông Cổ Chiên và ngăn nước mặn từ sông Hàm Luông chảy qua.
Ông Trần Quang Lên - Phó chủ tịch UBND xã Tân Thiềng cho biết: “Xác định tầm quan trọng của đập ngăn mặn, trữ ngọt, thời gian qua, UBND xã đã tổ chức khảo sát, vận động, hỗ trợ, cùng với người dân xây dựng đập tạm Tư Lập ở ấp Phú Thới để lấy nước ngọt từ cầu Cái Sơn đến Kênh đào với chiều dài khoảng 4km, trong đó huyện sẽ hỗ trợ vật liệu chính: cống và khung cừ, còn ca máy và ngày công vận động người dân đóng góp. Công trình được xây dựng theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, với kinh phí khoảng 400 triệu đồng”.
Đây là con đập lớn, ngăn rạch Cái Sơn, thân đập dài 25m có lắp thêm 2 cống, đường kính mỗi cống 1m, khả năng lấy nước ngọt từ sông Cổ Chiên khoảng 220 ngàn mét khối mỗi đợt triều, phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu cho khoảng 200 hộ dân ở 4 ấp: Phú Thới, Tân Thạnh, Quân Bình, Thanh Tân và một phần ấp Quân Phong.
Ông Trần Văn Út - người dân ở ấp Phú Thới phấn khởi nói: “Ngay từ khi xã có chủ trương xây đập tạm ngăn mặn, bà con nhân dân rất đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia ngày công lao động để con đập này sớm hoàn thành, có nước ngọt tưới tiêu cho cây trồng”.
Thực tế cho thấy, việc đắp đập tạm không đòi hỏi chi phí quá lớn, thời gian thi công ngắn và có thể linh động trong việc tháo dỡ khi nước kênh rạch không còn nhiễm mặn. Phát huy hiệu quả từ các đập tạm ngăn mặn, từ đầu năm 2020 đến nay, huyện Chợ Lách đã và đang xây dựng 9 công trình đập tạm theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” và thực hiện 9 hạng mục nạo vét kênh rạch với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng, phục vụ tưới tiêu cho 2.500ha diện tích đất nông nghiệp toàn huyện.
Việt Cường