Người dân chuyển cúc mâm xôi cho các thương lái đã đặt hàng trước.
Bông giấy trúng vườn
Mùa hoa Tết năm nay, Phú Sơn chuẩn bị cho thị trường khoảng 600 ngàn sản phẩm bông giấy các loại, nhiều màu sắc rực rỡ, đủ kích thước. Ông Phạm Hoàng Nam - Phó chủ tịch UBND xã Phú Sơn cho biết, theo địa phương nắm tình hình, giá bông giấy năm nay có tăng khoảng 15% so với những năm nước. Hiện tại, các vườn đã bán cho thương lái 80%, đã vận chuyển đi khoảng 50%. Một số vườn giữ lại ít sản phẩm để tiêu thụ ở các chợ hoa truyền thống.
Tại hộ ông Cao Văn Ngoan, điểm trình diễn số 2 của làng nghề hoa kiểng - cây giống Lân Ðông, xã Phú Sơn, bông giấy khoe sắc rực rỡ cả một khoảng sân rộng. Nhiều khách tới hỏi mua nhưng chủ vườn cho biết không còn bông bán vì tất cả đã được thương lái đặt mua trước, chuẩn bị chở đi.
“Bông giấy năm nay trúng vườn, còn bán tại chợ thế nào thì chưa đánh giá được. Bông giấy nở rực như thế này là tạm yên tâm rồi, tưới ít cũng được nhưng còn các loại bông nở như cúc, vạn thọ, người dân lo lắng không đủ nước tưới thì cây không đủ sức, giảm giá trị. Các loại bông nở nhạy cảm với nước mặn hơn bông giấy”, ông Phạm Hoàng Nam đánh giá.
Ðến ấp Lân Nam, cũng thuộc xã Phú Sơn, nhiều chủ vườn bông nở đang ra sức chăm sóc vì đây là giai đoạn quyết định. Chị Ngọc Anh, một chủ vườn trồng vạn thọ ở ấp Lân Nam cho hay, gia đình chị theo dõi độ mặn sát sao. Hiện tại, độ mặn đo được ở đây là 0,9%o nên không thể tưới vạn thọ nữa. Vừa cẩn thận tưới từng gáo nước, chị Ngọc Anh nói: “Nhà tôi ráng cầm cự. Có mấy mái nước dự trữ, bây giờ ráng tiết kiệm để tưới bông, tới đâu hay tới đó”.
Năm nay, nhà chị Ngọc Anh làm khoảng 700 chậu vạn thọ cỡ trung. Các cây đều đang trong giai đoạn ra nụ búp. Một số vườn lớn hơn gần đó có trữ nước trong mương, ống hồ sẵn nên thoải mái hơn. Các chậu hoa nở như cúc Nhật, mào gà, dừa cạn có nơi còn ôm nụ, có nơi vừa nở, sẵn sàng ra chợ.
Thêm thị trường mới
Bên cạnh các thị trường truyền thống, quen thuộc, chính quyền địa phương đã kết nối được thêm thị trường mới là hệ thống chợ hoa xuân của Vincom ở tỉnh Trà Vinh (năm đầu tiên) và Vĩnh Long (năm thứ hai) để tiêu thụ hoa kiểng Tết cho nông dân. Theo ông Hồ Thanh Sơn - Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Chợ Lách, với thị trường mới này, chúng tôi kết nối được trên 200 lô cho bà con đưa hoa kiểng đến bán.
Theo số liệu từ Phòng Kinh tế - Hạ tầng, hiện ước tính vụ hoa kiểng Tết năm nay, nông dân Chợ Lách sản xuất khoảng từ 9 - 9,5 triệu sản phẩm hoa kiểng các loại, với khoảng 8.000 hộ dân làm hoa. Các thị trường hoa kiểng truyền thống không có thay đổi nhiều so với năm 2019, chủ yếu tập trung tại TP. Hồ Chí Minh với các điểm: chợ đầu mối nông sản Bình Ðiền (185 lô), khu vực Quận 4 (120 lô), chợ hoa bến Bình Ðông và chợ hoa Tạ Quang Bửu, ở Quận 8 (trên 400 lô), hệ thống các công viên lớn (trên 100 lô), các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương… Giá đăng ký lô chợ hoa xuân hầu hết không thay đổi so với mọi năm, trừ điểm chợ hoa xuân bến Bình Ðông (Quận 8, TP. Hồ Chí Minh) tăng từ 10 - 20% so với năm 2019, tùy vị trí lô.
Xuân Canh Tý 2020 đang về gần, vụ hoa Tết bước vào giai đoạn quyết định. Người dân xứ hoa kiểng từng lúc thực hiện các giải pháp ứng phó với mặn xâm nhập và linh hoạt theo sự biến động của thị trường Tết.
Tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền và sớm hơn so với nhiều năm trước ít nhiều đe dọa vùng trồng hoa kiểng Chợ Lách. Rút kinh nghiệm trong ứng phó hạn mặn, người dân đã có nhiều phương án dự trữ nước tưới, dồn sức cho vụ hoa kiểng. Nhiều nhà đã xây ống hồ trữ nước, hoàn thiện hệ thống các nắp cống để hạn chế mặn. Chính quyền và ngành chức năng cũng đã triển khai kịp thời các phương án trữ nước như trang bị túi trữ nước, đào hố trải bạt trữ nước trong vườn, hướng dẫn nông dân tưới nước tiết kiệm, đậy, phủ gốc cây… Dự báo tình hình nước mặn xâm nhập sâu vào thời điểm quan trọng của vụ hoa Tết, địa phương đang lo lắng thiếu nước tưới khi mùa khô chỉ mới bắt đầu. |
Bài, ảnh: Thanh Ðồng