 |
Nữ công nhân chọn mua hàng. |
Chợ Lộc Sơn (xã Phú An Hòa - Châu Thành) ngày vào xuân bừng lên không khí Tết cùng niềm vui hàng giá rẻ. Chợ nằm gần khu công nghiệp Giao Long, chủ yếu phục vụ cho công nhân nên người dân quen gọi là chợ Công nhân hay chợ Xí nghiệp.
Chợ có đủ các mặt hàng bánh kẹo, lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, thời trang… Trong dịp xuân Quý Tỵ, hàng ở chợ phong phú hơn hẳn, trưng bày bắt mắt. Từ khi ra đời, chợ đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân, đặc biệt công nhân trong khu công nghiệp. Giá bán tại chợ “mềm” hơn các chợ xã, huyện lân cận. Khu chợ có 130 tiểu thương bán đủ các mặt hàng. Anh Trần Ngọc Phụng, công tác tại Ban Quản lý khu chợ cho biết: “Chợ bắt đầu nhóm từ trưa đến khoảng 20 giờ, chủ yếu bán theo giờ tăng ca của công nhân”. Chợ bán được từ ngày 1 đến 20 hàng tháng, “bán theo lương công nhân”.
Túi tiền eo hẹp, chị Thúy - công nhân may của Công ty Cổ phần may Premier Fashion (Ấn Độ) chia sẻ: “Lương công nhân tăng ca có, nhưng đâu phải chỉ nuôi một mình còn gia đình ở quê, nên đâu dám xài hoang phí. Những hôm tăng ca, tôi chỉ dám mua gói mì, tối về có đói ăn thêm”. Cùng tâm sự, chị Nguyễn Thị Liễu - công nhân Công ty FAS (Nhật Bản) bộc bạch: Lương tháng tạm đủ sống. Tôi thường ghé chợ này mua thức ăn, vì giá cá, thịt, rau cải rẻ và tiện đường hơn so với chợ huyện. Chiều tan ca chị em ghé mua rồi về luôn. Trong sạp, đồ đẹp giá thấp hơn ngoài chợ huyện, thành phố nhưng vẫn còn cao so với đồng lương của công nhân.
Chợ chiều bắt đầu nhộn nhịp tiếng rao mời. Nhiều công nhân vừa tan ca, chen lấn mua đồ. Công nhân ghé vội để mua thức ăn cho buổi chiều và chuẩn bị bữa sáng hôm sau đi làm. Chị thì đung đưa vài gam thịt, mớ rau cải trên tay, người vài ba con cá biển ra về hớn hở, vì mua được giá rẻ. Không những vậy, các loại hoa làm bằng vải trang trí ngày Tết cũng được bày bán cặp theo bên đường, như “níu” chân khách. Có công nhân dừng lại trầm trồ khen đẹp, rồi đi mau “vì sợ tốn tiền”. Đời sống có nhiều khoản chi tiêu, với đồng lương chật vật, công nhân phải chắt chiu mua sắm Tết. Chị Thúy chia sẻ thêm, ra chợ, thấy quần áo muốn mua cho mấy đứa cháu ở nhà nhưng còn... ngán. Công nhân sống “thắt lưng buộc bụng”, mua miếng thịt heo cho buổi cơm thì đã là sang trọng. Chị Nguyễn Thị Kiều Trang, Công ty FAS chia sẻ: Thu nhập của tôi từ 2,8 đến 3,5 triệu đồng/tháng, trừ tiền trọ, tiền chi tiêu, gửi về gia đình, nên cũng không dư. Tôi chưa mua sắm gì chuẩn bị Tết, chờ có tiền thưởng cuối năm sẽ mua quà Tết luôn.
… Rời khỏi chợ chỉ với những món cá thịt đơn giản nhưng niềm vui hớn hở trên từng gương mặt công nhân vì có dịp “rửa mắt” sau một ngày làm việc vất vả. Chợ lưa thưa dần khi nắng chiều tắt. Người trở về với món hàng vừa mua được, người vội trở vào xưởng cho kịp giờ tăng ca, với hy vọng tiền thưởng cuối năm đủ mua chút quà mang về cho người thân và đủ xoay sở trong ba ngày xuân.