
Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Hạ Chí Điền kiểm tra đường ống dẫn nước từ sà lan vào Nhà máy nước Lương Phú (Giồng Trôm).
Kịch bản ứng phó hạn mặn
Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Hạ Chí Điền cho biết: Mùa hạn mặn 2022-2023, trung tâm đã xây dựng 3 kịch bản ứng phó. Trong đó, nội dung kịch bản thứ 3 là cao điểm mùa khô, tình trạng xâm nhập mặn diễn ra mức độ gay gắt trên diện rộng (độ mặn nước nguồn cấp cho các NMN > 2%o phủ hầu khắp toàn tỉnh); nguồn dự trữ nước ngọt của người dân cạn kiệt, nước trong ao, mương vườn, trong các đập tạm cũng khô dần (cao điểm mùa khô, từ tháng 3 đến tháng 5-2023).
Trung tâm tiếp tục thực hiện các giải pháp (tương tự như kịch bản 2) như kết nối mạng lưới cấp nước, chuyển nước ngọt từ các NMN có nước ngọt/độ mặn thấp đến mạng lưới cấp nước của NMN nơi có độ mặn cao. Tiếp tục áp dụng giải pháp này tại các NMN đã thực hiện thành công nhưng có bước cải thiện thêm về lưu lượng, áp lực bơm; nhân rộng mô hình ra các khu vực khác.
Cụ thể, vận hành NMN Thành Thới A, Ngãi Đăng cấp nước cho NMN An Định, Tân Trung, Bình Khánh Đông (Mỏ Cày Nam). Vận hành NMN Tân Thanh Tây cấp nước cho NMN Tân Bình, Thành An và Tân Phú Tây (Mỏ Cày Bắc). Hoàn thành và đưa vào vận hành các tuyến ống cấp nước thuộc công trình kết nối mạng lưới cấp nước các NMN ứng phó hạn mặn năm 2021 với tổng chiều dài 30,603km.
Đồng thời, vận hành hệ thống RO tại các NMN, sẵn sàng cấp nước tại chỗ cho người dân đến lấy. Vận hành trạm bơm nước thô từ các công trình ngăn mặn, trữ ngọt (cống Vàm Hồ, Nhà Thờ, Trung Nhuận, Xẻo Rắn) hoàn thành và đưa vào vận hành. Trung tâm vận hành 2 trạm bơm nước thô của 2 NMN Châu Bình (Giồng Trôm) và Tân Mỹ (Ba Tri) cung cấp nước sinh hoạt người dân trong vùng phục vụ.
Hoặc trung tâm thực hiện mua nước qua đồng hồ tổng từ các đơn vị cấp nước khác trên địa bàn. Cụ thể, NMN Tân Mỹ, An Hiệp (Ba Tri) kết nối mua nước qua đồng hồ tổng từ Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại N.I.D. NMN Tân Thành Bình, Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc) kết nối mua nước qua đồng hồ tổng từ Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre.
Đối với một số NMN bị ảnh hưởng trực tiếp tình trạng xâm nhập mặn, độ mặn nước nguồn đo tại nhà máy tăng cao, áp dụng tăng cường giải pháp chuyên chở nước thô bằng sà lan về các NMN xử lý.
Theo Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Hạ Chí Điền, trên cơ sở nhận định tình hình xâm nhập năm 2022-2023 và sự chuẩn bị của người dân nông thôn trong công tác ứng phó hạn mặn, mùa khô năm 2022-2023, giải pháp chuyên chở nước ngọt thô từ thượng nguồn (nơi có độ mặn < 0,2%o) bằng sà lan cho các NMN xử lý có điều chỉnh cho phù hợp tình hình, không gây lãng phí. Cụ thể, số NMN thực hiện là Tân Hào và Lương Phú (Giồng Trôm), chuyên chở từ 3 - 4 đợt, với tổng số nước dự kiến cung cấp 8.000m3. Thời gian cấp nước ngọt bằng sà lan thực hiện vào các thời điểm triều cường, cấp nước sẽ diễn ra liên tục trong 3 - 4 ngày/đợt đồng bộ với công suất xử lý của NMN và năng lực truyền tải của mạng cấp nước phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Ngoài thời điểm cấp nước ngọt bằng sà lan, những ngày còn lại trung tâm sẽ cấp nước bình thường từ nguồn nước mặt tự nhiên trên sông để phục vụ nước sinh hoạt. Tổng kinh phí dự trù thực hiện 280 triệu đồng.
Trung tâm cũng đã vận hành hệ thống lọc (mặn) RO cấp nước tập trung đáp ứng nhu cầu nước ăn uống cho hộ dân. Tiếp tục đo, kiểm tra độ mặn cung cấp dữ liệu đo mặn cho UBND các xã thông báo cho người dân. Truyền thông các hộ dân trữ nước ngọt từ các NMN có độ mặn thấp bơm về và thông báo thời điểm cấp nước ngọt bằng sà lan về các NMN xử lý để người dân biết chủ động trữ nước sử dụng tiết kiệm, hiệu quả.
Chủ động cung cấp nước ngọt
“Với tình hình mặn như hiện nay, trung tâm đã kích hoạt kịch bản thứ 3. Đó là mua nước ngọt về xử lý và hòa mạng để phục vụ người dân. Giai đoạn 1, trung tâm phục vụ cấp nước tại NMN Tân Hào, 5 ngày từ ngày 9 đến 13-3-2023. Riêng tại NMN Lương Phú, giai đoạn 1 là 4 ngày từ ngày 17 đến 20-3-2023.
Trưởng khu vực cấp nước số 2, huyện Giồng Trôm Huỳnh Ngọc Tùng cho biết, huyện chia làm 2 khu vực cấp nước. Khu vực 2, gồm 4 nhà máy: Lương Phú, Châu Hòa, Châu Bình và Bình Thành. Tại thời điểm này, nước mặn khu vực NMN Lương Phú (công suất 50m3/giờ) là 3,6%o. Do đó, Trung tâm NS&VSMTNT thuê sà lan chở nước ngọt từ thượng nguồn về để nhà máy xử lý cung cấp hòa mạng cho người dân hai xã Thuận Điền và Lương Phú sử dụng. Dự kiến cấp nước liên tục 4 ngày, bình quân 1.000m3/ngày. Hướng tới nếu triều cường còn dâng cap, mặn tiếp tục xâm nhập thì trung tâm sẽ mua nước sà lan chở về để tiếp tục phục vụ cho người dân. Thời gian này, NMN có thành lập các nhóm Zalo để thông tin thường xuyên, kịp thời đến người dân nắm, có sự chuẩn bị lu, máy, bồn để trữ nước ngọt sử dụng trong thời gian nước mặn.
Ông Huỳnh Ngọc Tùng khuyến cáo người dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, chỉ trữ phục vụ sinh hoạt chứ không đủ để trữ cho sản xuất nông nghiệp. Sau thời gian 4 ngày, nhà máy tiếp tục xử lý nước mặn thành nước ngọt qua hệ thống lọc RO để phục vụ cho người dân nhưng nước qua xử lý RO không cấp qua mạng lưới. Theo lịch cấp nước mà NMN thông báo thì người dân sẽ dùng thùng, can đến nhà máy để lấy nước ngọt.
“Nguyên nhân không cấp nước qua mạng lưới là do nước xử lý RO vừa tốn nhiều chi phí vừa không đủ công suất phục vụ qua mạng lưới. Hiện NMN Lương Phú có công suất tối đa 50m3/ngày, đêm. Định hướng thời gian tới sẽ nâng cao công suất phục vụ để đáp ứng nhu cầu sử dụng, trong khi tỷ lệ nước ngọt qua hệ thống lọc RO chỉ còn 3/10”, ông Tùng cho biết thêm.
Trên cơ sở nhận định tình hình xâm nhập năm 2022-2023 và sự chuẩn bị của người dân nông thôn trong công tác ứng phó hạn mặn, mùa khô năm 2022-2023, giải pháp chuyên chở nước ngọt thô từ thượng nguồn (nơi có độ mặn < 0,2%o) bằng sà lan cho các NMN xử lý có điều chỉnh phù hợp với tình hình, không gây lãng phí. Đồng thời, nhu cầu về nước ngọt của người dân cũng đã cơ bản ổn định hơn.
Ngoài ra, trung tâm sẽ tổ chức các điểm tập trung để người dân đến chuyên chở nước ngọt về sử dụng. Hiện tại, trung tâm đã cấp nước ngọt theo kịch bản 3, với tổng lượng nước hơn 10.000m3.
Bài, ảnh: Cẩm Trúc