Chủ động kiểm soát nguồn nước ngọt, bài 1: Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi

12/07/2024 - 05:35

BDK - Theo Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam, là tỉnh được bao bọc bởi bốn bề sông nước, thời gian qua, địa phương đã nhận được sự hỗ trợ của Trung ương, nguồn vốn của tỉnh và của nhân dân, nhiều công trình, dự án được triển khai xây dựng. Nổi bật là các dự án, công trình thủy lợi ở 2 tiểu vùng Bắc và Nam Bến Tre sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả. Ngay cả một số công trình, dự án đã triển khai tuy chưa khép kín nhưng từng địa phương trên địa bàn tỉnh linh hoạt, vận dụng phát huy hiệu quả. Rõ nét nhất, mùa hạn mặn năm 2023-2024, trên bình diện chung, tỉnh đã chủ động trong phòng chống hạn mặn, kéo giảm thiệt hại xuống mức thấp nhất cho người dân.

Đại diện Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 thông tin với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp về công trình cống Tân Phú.

Ngăn mặn trữ ngọt

Theo Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Thắm, các công trình, dự án thủy lợi sau khi hoàn thành phát huy hiệu quả, rõ nét nhất là phục vụ ngăn mặn, trữ ngọt. Đối với Tiểu vùng Bắc Bến Tre, tại khu vực huyện Châu Thành, có các công trình thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 kết hợp với công trình cống Tân Phú, Bến Rớ thuộc Dự án Quản lý nước Bến Tre (JICA3) đã đưa vào sử dụng giúp cơ bản kiểm soát được nguồn nước từ sông Tiền và sông Hàm Luông vào sông Ba Lai.

Tháng 2-2024, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh đã tiếp nhận bàn giao tạm cửa cống và hệ thống vận hành công trình cống Tân Phú và cống Bến Rớ do Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 9 làm chủ đầu tư. Vào thời điểm hạn mặn, cống Bến Rớ được đóng để ngăn mặn xâm nhập từ sông Hàm Luông vào. Riêng cống Tân Phú được theo dõi độ mặn thường xuyên, liên tục để vận hành mở cửa lấy nước khi độ mặn cho phép.

Đối với lưu vực hệ thống sông Mã (khu vực đảm bảo nguồn nước ngọt cho Nhà máy nước Sơn Đông của Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre), vào thời điểm hạn mặn, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thường xuyên kiểm tra và theo dõi ranh giới mặn, có giải pháp mặn xâm nhập đến đâu sẽ đóng các cống đến đó. Đồng thời, khi độ mặn bên ngoài cho phép sẽ tăng cường mở lấy nước để trữ trong nội đồng. Cao điểm, độ mặn lên cao, các cống đã được đóng ngăn mặn, công ty tăng cường mở lấy nước ngọt từ đập tạm Thành Triệu, kết hợp với bố trí thuyền bơm và cử nhân viên trực 24/24 giờ để vận hành liên tục, nhằm bổ sung nguồn nước ngọt cho Nhà máy nước Sơn Đông (thông qua kênh Sông Mã và kênh Thầy Năm Dộm), đảm bảo luôn duy trì cao trình mực nước trong khu vực.

Những năm gần đây, nhân dân các xã cánh Tây của huyện Châu Thành đã mạnh dạn đầu tư đê bao cục bộ, cống cấp thoát nước gắn kết vào hệ thống đê bao của Nhà nước để ngăn mặn, trữ ngọt và chủ động nguồn nước chăm sóc cây trồng. Ông Nguyễn Văn Út Tám, ấp Tân Nam, xã Tân Phú, huyện Châu Thành cho biết, gia đình có 5 công đất trồng sầu riêng. Nhờ có hệ thống đê bao khép kín, ông đã chủ động hơn trong lấy nguồn nước từ kênh rạch lên tưới cho cây trồng. Vào mùa hạn mặn, ông đã trang bị sẵn dụng cụ đo mặn. Ông thường xuyên lấy nước từ sông lên đo nếu phát hiện bị nhiễm mặn thì chủ động đậy nắp cống không lấy nước vào mương vườn.

 Ông Lê Hoàng Phục - Tổ trưởng Tổ Khuyến nông cộng đồng xã Tân Phú cho biết, hàng năm Tổ đều tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân trồng cây ăn trái. Khi người dân nắm vững kỹ thuật cộng với hệ thống đê bao khép kín đã xử lý thành công trong việc cho cây trồng ra trái nghịch vụ, trái vụ theo hướng “thuận thiên”. Ngay thời điểm hạn mặn, có thể giảm lượng nước ngọt tưới nhưng cây vẫn duy trì sự sống. Cây trồng cho trái thu hoạch không phải rơi vào chính vụ, bán được giá cao. Cụ thể, vụ sầu riêng gần đây, nhà vườn ở nhiều xã cánh Tây của huyện Châu Thành đã thu hoạch trái sầu riêng bán cho thương láy thu mua xuất khẩu, giá từ 70 - 120 ngàn đồng/kg. Với mức giá này nhà vườn có lợi nhuận cao.

Phục vụ sinh hoạt, sản xuất

Cũng ở Tiểu vùng Bắc Bến Tre, khu vực các huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại có công trình cống đập Ba Lai kết hợp với các công trình cống thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 đã giúp giữ ngọt trên sông Ba Lai phục vụ sản xuất và các nhà máy nước sạch nông thôn trong khu vực. Cụ thể, kết hợp với cống Trung Nhuận và Xẻo Rắn giúp kiểm soát được nguồn nước một phần huyện Giồng Trôm phía Ba Lai và huyện Ba Tri (chủ yếu lấy nước từ sông Ba Lai). Đồng thời, các cống dưới đê sông Tiền đã giúp kiểm soát mặn từ sông Tiền vào khu vực huyện Bình Đại.

Đối với Tiểu vùng Nam Bến Tre: Dự án Hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre đã đưa vào sử dụng các công trình cống ngăn mặn giúp kiểm soát được nguồn nước từ sông Hàm Luông cho khu vực từ Thạnh Phú đến Vàm Cái Quao. Phía sông Cổ Chiên, kiểm soát được nguồn nước từ Thạnh Phú đến Vàm Thơm.

Dự án Hệ thống cống kiểm soát mặn các huyện Ba Tri, Mỏ Cày Nam và Chợ Lách, với mục tiêu phòng chống thiên tai (hạn, mặn, úng ngập), kiểm soát mặn để bảo vệ an toàn sản xuất cho 8.400ha đất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt phục vụ 92 ngàn dân và 40 ngàn gia súc, cải tạo đất, cải thiện môi trường, ổn định đời sống dân cư trên các địa bàn dân sinh kinh tế trọng điểm của tỉnh.

Đơn cử như cống Sa Kê cùng với cống Giồng Keo (đã xây dựng năm 2013), ngăn mặn, chống ngập, tiêu úng, trữ ngọt phục vụ cho 2.900ha đất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho gần 42 ngàn dân, và 20 ngàn gia súc gia cầm, thuộc các xã: Khánh Thạnh Tân, Tân Thanh Tây, Tân Bình, Nhuận Phú Tân (Mỏ Cày Bắc) và xã Tân Hội (Mỏ Cày Nam); tạo nguồn nước ngọt dự trữ dự kiến sẽ phục vụ cho dự án hỗ trợ nước ngọt phục vụ dân sinh cho vùng Thạnh Phú trong mùa khô. Cống Giồng Võ ngăn mặn, chống ngập, tiêu úng, trữ ngọt phục vụ cho 1 ngàn ha đất trồng dừa và nước sinh hoạt cho 5 ngàn dân của các ấp: Giồng Võ, An Lợi, An Phước, xã An Thới huyện Mỏ Cày Nam.

Bên cạnh đó, tỉnh còn có công trình hồ chứa nước Kênh Lấp, xã Phước Ngãi, huyện Ba Tri, được đầu tư xây dựng năm 2016, với dung tích thiết kế 811.800m3 đã và đang phục vụ rất hiệu quả, đáp ứng nhu cầu dùng nước cho 200 ngàn dân, 100 ngàn gia súc, 200 cơ sở tiểu thủ công nghiệp... tại 24 xã, thị trấn của huyện Ba Tri, đặc biệt trong mùa khô 2023-2024.

Dự án Xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa, xã Phú Lễ, huyện Ba Tri, với dung tích thiết kế 2,3 triệu mét khối, với mục tiêu trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân huyện Ba Tri; đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận với nước sạch không gián đoạn, nhất là trong mùa khô. Tổng mức đầu tư dự án 310 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ bố trí thực hiện dự án từ kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025. Thời gian dự kiến hoàn thành năm 2025.

Ông Châu Văn Bờ, ở Ấp 12, xã Hưng Lễ, huyện Giồng Trôm cho biết: Gia đình đã gắn bó với vùng đất rẫy này qua nhiều thế hệ. Trước đây chưa có hệ thống đê bao, mỗi năm người dân nơi đây phải chịu 6 tháng nước ngọt và 6 tháng nước mặn. Người dân chỉ cấy được vụ lúa mùa. Thời gian còn lại, gia đình phải đến các nơi khác để làm thuê. Khi có hệ thống đê bao thì cây trồng, vật nuôi được định hình rõ nét. Đất nằm trong tuyến đê bao thì chuyển sang lên liếp trồng dừa, cây ăn trái hoặc rau màu. Diện tích đất ngoài đê bao do còn ảnh hưởng mặn nên nuôi trồng thủy sản. Nhờ vậy, thu nhập người dân từng bước được nâng lên, cuộc sống gia đình đã được cải thiện. Hiện nay, xe ô tô đến được Ấp 12, xã Hưng Lễ - nơi mà cách đây khoảng 10 năm người dân chưa dám mơ về điều này.

“Hiện nay, công ty đang quản lý 1.695 công trình cống, trong đó có 237 cống có chiều rộng cửa từ 1,5m trở lên, 1 trạm bơm điện lưu lượng 4 ngàn mét khối/h, 2.575km kênh các loại, 433,3km bờ bao và Hồ chứa nước ngọt Ba Tri có dung tích theo thiết kế 811.800m3. Hàng năm, công ty đều xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp về phòng chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô. Trong thời điểm diễn ra hạn mặn, công ty theo dõi tình hình xâm nhập mặn, chủ động giám sát độ mặn tại các cửa lấy nước và thống nhất phương án vận hành các công trình thủy lợi linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu dùng nước của địa phương, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt và hạn chế thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Tại các cống đầu mối, công ty thường xuyên đo mặn, nhằm theo dõi ranh giới mặn cho phép; đo mặn trong nội đồng tại những vị trí quan trọng để có kế hoạch và biện pháp điều tiết nước tưới tiêu phù hợp thực tế”.

(Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Phạm Quốc Phong)

Bài, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN