Công trình thủy lợi tại xã An Hiệp (Châu Thành) hoàn thành phục vụ ngăn mặn, trữ nước ngọt.
Tập trung trữ nước
Mới cuối mùa mưa, gia đình ông Phạm Văn Nhựt, ngụ xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm đã bơm nước ngọt lên hai túi chứa bằng ni-lông với dung tích 14m3 để chuẩn bị mùa khô năm 2021-2022. Đồng thời, các lu chứa bằng xi-măng tổng dung tích 10m3 đã chứa đầy nước mưa để sử dụng vào việc ăn, uống, sinh hoạt và chăn nuôi 15 con bò. Ông Nhựt cho biết: “Mùa khô năm 2019-2020, nước mặn xâm nhập vào nội đồng làm người dân bị thiệt hại lúa, hoa màu và thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Sau đó, gia đình tôi phải mua dụng cụ trữ nước ngọt để sử dụng. Năm nay, dự báo tình hình hạn mặn sẽ gay gắt nên tôi còn dự phòng chứa trong mấy ao nước xung quanh nhà để có nước cho bò uống”.
Ngoài ra, gia đình ông Nhựt cũng thay đổi luôn tập quán sản xuất để phù hợp với tình hình hạn mặn ngày càng gay gắt. Trước đây gia đình ông canh tác 3ha lúa và làm 3 vụ/năm nhưng 3 năm nay chỉ làm 2 vụ/năm để “né” mặn. Hầu hết những hộ xung quanh cũng bỏ vụ Đông Xuân, chỉ làm vụ Hè Thu và Thu Đông nhằm tránh thiệt hại do nước mặn gây ra. Hiện tại, các cánh đồng đã chuẩn bị thu hoạch trước khi nước mặn tràn về.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Giồng Trôm Nguyễn Vũ Phong cho biết: “Tình hình hạn mặn năm nay theo dự báo sẽ diễn ra gay gắt nên ngành nông nghiệp chủ động các giải pháp ứng phó. Trong đó, vận động người dân trữ nước mưa, nước ngọt để sử dụng trong những tháng mùa khô. Hệ thống cống cũng được theo dõi thường xuyên để đóng kịp thời nhằm ngăn nước mặn xâm nhập vào nội đồng. Đối với sản xuất lúa, ngành nông nghiệp khuyến cáo chỉ sản xuất 2 vụ/năm (bỏ vụ Đông Xuân). Hiện tại, toàn huyện có 470ha lúa Hè Thu đang chuẩn bị thu hoạch trước khi nước mặn về”.
Tại vùng sản xuất cây giống, hoa kiểng huyện Chợ Lách, nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất rất lớn nên hầu như hộ dân nào cũng dùng túi chứa bằng nhựa hay đào ao trữ nước ngọt. 2 năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Hùng, ngụ ấp Vĩnh Phú (xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách) dành 1.200m2 đất để làm ao trữ nước ngọt. Ông Hùng cho biết: “Mùa hạn mặn cuối năm 2020, gia đình tôi bị thiệt hại gần 500 triệu đồng do nước mặn làm cây giống chết hơn 30% tổng số lượng. Để ứng phó, tôi buộc phải đầu tư 160 triệu đồng để làm hồ chứa nước ngọt sâu 6m, đáy lót bạt chứa khoảng 6.500m3 nước ngọt”.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách cho biết: “Năm nay, nước mặn chưa xâm nhập tới địa phận huyện Chợ Lách nhưng các cấp, các ngành và người dân địa phương đã chuẩn bị các phương án để ứng phó. Trong đó, hầu hết người dân đều chọn giải pháp như: đào ao, sử dụng túi trữ nước, giữ nước trong mương vườn... để có nước ngọt sử dụng. Đồng thời, ngành nông nghiệp tập trung hướng dẫn nông dân kỹ thuật canh tác như: phủ gốc, tưới tiết kiệm nước để ứng phó hạn mặn...
Phó giám đốc Sở NN&PTNT Huỳnh Quang Đức cho biết: Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp tập trung một số giải pháp như: vận động người dân chủ động đắp đập tạm, bờ bao cục bộ... để ngăn mặn, trữ ngọt; hướng dẫn người dân trữ nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi; bố trí lịch thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với từng vùng, từng địa phương và chống chịu được với tình hình hạn mặn diễn biến ngày càng gay gắt. Ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật cao vào quá trình sản xuất nông nghiệp, các biện pháp tưới tiết kiệm nước...
Chủ động ứng phó hạn mặn
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh vừa ký ban hành kế hoạch phòng chống thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2021-2022 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố, khảo sát các hệ thống công trình thủy lợi để kịp thời duy tu, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, xuống cấp; nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập ngăn mặn... để bảo vệ tối đa nguồn nước, giảm thất thoát, lãng phí. Đặc biệt, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa 25 hạng mục công trình cống ngăn mặn, nạo vét kênh nội đồng để đưa vào vận hành khai thác, kịp thời ngăn mặn, trữ ngọt trong mùa khô năm 2021-2022.
Cống Sa Kê, xã Tân Hội, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: N. Diễm
UBND tỉnh cũng xây dựng các kịch bản xâm nhập mặn có thể xảy ra để triển khai các giải pháp công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt tương ứng, đồng thời triển khai chỉ đạo phòng chống, ứng phó phù hợp đối với từng kịch bản.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam cho biết: “Thời gian qua, được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tỉnh đã được đầu tư xây dựng một số công trình quan trọng thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Bắc - Nam Bến Tre; công trình cống đập Ba Lai; hồ chứa nước Kênh Lấp, huyện Ba Tri; nhiều tuyến đê sông, đê bao cục bộ, đê bao các cồn… bước đầu đã phát huy hiệu quả ngăn mặn, trữ ngọt trên địa bàn tỉnh”.
Tuy nhiên, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được khép kín, do đó tỉnh chưa thể chủ động kiểm soát được nguồn nước ngọt trong tình huống xâm nhập mặn diễn biến gay gắt. Để ứng phó với hạn mặn, tỉnh đã khẩn trương triển khai thực hiện các dự án thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt. Đến nay, Dự án hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào sử dụng 29 cống hở, 16 cống hộp; một số đoạn đê bao ven sông Tiền, ven sông Hàm Luông thuộc các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và TP. Bến Tre. Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình phòng chống hạn mặn. Phấn đấu đến năm 2024 hoàn thiện hệ thống thủy lợi, đảm bảo khép kín vòng ngăn mặn trữ ngọt, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội tại địa phương.
“UBND tỉnh đang tích cực phối hợp với các tỉnh Tiền Giang, Long An và các đơn vị có liên quan triển khai hoàn thành và đưa vào vận hành hệ thống truyền tải đưa nước ngọt từ thượng nguồn về cung cấp cho các nhà máy nước của tỉnh. Đồng thời, rà soát, triển khai các quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch phù hợp với quy hoạch tổng thể vùng, quy hoạch tài nguyên nước và các quy hoạch ngành liên quan. Chủ động tham mưu, bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn”.
(Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam)
|
Bài, ảnh: Thành Châu