Để đảm bảo hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh ổn định, chủ động giảm thiểu thiệt hại do thiếu nước, xâm nhập mặn, khô hạn, nắng nóng cho vụ nuôi năm 2018, Chi cục Thủy sản vừa có văn bản khuyến cáo các địa phương một số nội dung dành cho các đối tượng nuôi lợ, mặn (tôm biển, nghêu, sò huyết, hàu), đối tượng thủy sản nước ngọt nuôi trong ao đất, lồng bè (cá tra, tôm càng xanh, cá điêu hồng, cá lóc…).
Theo đó, đối với nuôi tôm biển hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh, nên thả giống nuôi ở những vùng có độ mặn thấp hơn 25%o. Cần chủ động nguồn nước ngọt để điều chỉnh độ mặn phù hợp. Vùng không có điều kiện thì hạn chế thả giống hoặc thả chậm nhằm đón mùa mưa vào tháng 5-2018. Còn nuôi tôm quảng canh, tôm xen rừng, tôm - lúa, nên thả giống có kích thước lớn (cỡ post lavae 15mm); cần ương giống thêm từ 20 - 30 ngày trong vèo hoặc ao trước khi thả nuôi. Thường xuyên theo dõi thông tin về khí tượng thủy văn, thời tiết, các khuyến cáo, hướng dẫn và thông báo kết quả quan trắc môi trường để có kế hoạch lấy nước vào ao nuôi và ao lắng; theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh trong khu vực để bố trí thời gian thả giống nuôi phù hợp.
Khi nghêu, sò huyết, hàu nuôi đạt kích cỡ thương phẩm, các hợp tác xã, người nuôi nên tiến hành thu hoạch nhằm hạn chế thiệt hại có thể xảy ra do nắng nóng. Nếu chưa thu hoạch thì cần theo dõi tình hình phát triển của chúng, cũng như sự biến động của thời tiết, môi trường nước… nhằm có giải pháp quản lý kịp thời. Đặc biệt, các hộ ương sò huyết giống không nên ương vào thời điểm giao mùa giữa mùa mưa và mùa khô, cũng như ngược lại; cần xác định nguồn gốc sò để chọn vùng ương nuôi thích hợp.
Từ nay đến hết tháng 4-2018, tại các vùng ảnh hưởng nặng do xâm nhập mặn cao và lâu trên địa bàn các huyện: Thạnh Phú, Bình Đại, Ba Tri, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam không nên thả giống tôm càng xanh, cá tra thâm canh.
K.Minh