Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Võ Thành Hạo trong chuyến khảo sát hạn mặn ở Ba Tri. Ảnh: Phan Hân
Chủ động chứa nước, trữ nước
Năm nay, rất hoan nghênh và xúc động trước những hành động hết sức nghĩa tình, nhân ái của nhà hảo tâm, công ty, tổ chức từ thiện, nội bộ và người dân tỉnh… đã vận chuyển, chia sẻ nước ngọt đến với người dân khó khăn, thiếu nước ngọt. Với số lượng nước hỗ trợ đã giải quyết được phần nào nhu cầu bức thiết về nước ngọt của người dân. Nhưng giải pháp này không căn bản, không chủ động và không thể duy trì mãi.
Mặt khác, việc đắp đập tạm ngăn mặn có hiệu quả tạm thời. Xét về lâu dài, đập tạm duy trì ngoài ngăn cản giao thông thì đây là điều kiện làm ô nhiễm nguồn nước, không giải quyết vấn đề một cách căn cơ. Đến thời điểm hiện nay, hạn mặn đã xâm nhập sâu, những giải pháp cơ bản đã không còn kịp nữa. Công việc bây giờ chuẩn bị cho năm tới và những năm tiếp theo.
Tỉnh phải làm sao cho người dân chứa nước, trữ nước trong mùa mưa để có thể chủ động nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt và phục vụ cho sản xuất trong mùa nắng. Vấn đề chủ động nguồn nước ngọt cho tương lai quan trọng. Bởi, các hệ thống thủy lợi đầu tư bằng vốn của dự án JICA và vốn của ngân sách nhà nước, ít nhất năm 2023 thì mới hoàn thành. Khả năng đến năm 2025, tỉnh mới có hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre khép kín để quản lý nguồn nước.
Phát triển hồ chứa nước ngọt
Kinh nghiệm từ đợt hạn mặn năm 2016, phía Nhà nước với sự thành công của Hồ chứa nước ngọt huyện Ba Tri đã phục vụ cho 5 - 6 xã trong huyện. Nếu như có thêm những hồ như thế thì phủ được nhiều xã, có như vậy việc ứng phó hạn mặn mới bền vững được.
Để làm được điều này, tỉnh nên khảo sát ở những huyện khác để xây dựng mỗi huyện có hồ chứa nước lớn, ít nhất có trữ lượng lớn như Hồ chứa nước ngọt huyện Ba Tri (khoảng 800 ngàn mét khối) để bảo đảm có nguồn nước cho nhà máy xử lý nước cung cấp cho dân. Có thể chọn các kênh cùng, những đoạn sông không phục vụ cho giao thông để làm hồ chứa.
Ngoài ra, tỉnh nên phát huy được hiệu quả của hệ thống lọc RO mà hiện nay tỉnh đang triển khai. Nếu dự đoán được tình hình hạn mặn trong năm tới thì phải phát huy hệ thống RO ngay từ đầu. Vận hành sớm rồi trữ lại lượng nước sẽ nhiều hơn. Bởi khi độ mặn cao việc thu lại nước ngọt sẽ giảm.
Điểm cấp nước ngọt miễn phí tại xã Thạnh Phước, huyện Bình Đại. Ảnh: P. Hân
Người dân tự “Cứu mình”
Với từng người dân không ai có thể cứu mình bằng mình tự cứu mình. Do đó, chính quyền địa phương, đoàn thể các cấp tích cực vận động người dân bằng nhiều cách để mỗi nhà có hệ thống trữ nước ngọt. Phong trào “Đồng khởi trữ nước mưa, nước ngọt năm 2016” đã tạo ra một kinh nghiệm và phong trào tốt. Bây giờ, tỉnh nên nhân phong trào lên nữa, để người dân tự mình trữ được nước.
Thực tế, mùa mưa, lượng nước bà con trữ được rất ít. Phần lớn, nước chảy tràn ra ngoài sông, rạch, mương, vườn… rất là lãng phí. Giải pháp phải làm sao để thu được ít nhất 2/3 lượng nước mưa trong năm thì chắc chắn sẽ có lượng nước phục vụ cho mùa nắng.
Đối với vùng đất giồng, ngoài cách trữ truyền thống mà người dân đã làm: trữ trong lu, trong hồ, ống cống, bồn… người dân có thể thu nước từ trên mái nhà xuống lòng đất. Bằng cách đào cái giếng hoặc giếng khoan để hứng nước mưa trữ xuống đất. Khi đó, lượng nước mưa sẽ thấm ra các mạch đất, đẩy nước mặt và nước phèn ra ngoài. Đến mùa nắng, sẽ hút lại lượng nước đó lên phục vụ sinh hoạt và sản xuất. Việc làm này là lấy của trời trả cho đất và lấy của đất phục vụ cho mình. Đây là quy luật có bù có trừ chứ không chỉ có trừ.
Thực tế, nhiều nơi đã áp dụng biện pháp trữ nước dưới lòng đất rất hiệu quả và ít tốn kém. Lãnh đạo tỉnh nên nghiên cứu để giúp người dân vùng đất giồng ở Ba Tri, một phần Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc thực hiện phương pháp này. Cách này sẽ giúp người dân chủ động nguồn nước nhiều hơn so với cách trữ nước truyền thống hiện nay.
Đối với đất vườn (xa kênh, mương) có thể đắp bờ bao lại, dùng các túi chứa nước có trên thị trường với thể tích 15m3 giá khoảng 2 triệu đồng. Nếu trữ 2 túi thì được khoảng 30m3 với chi phí gần 5 triệu đồng sẽ giảm chi phí so với việc xây hồ, đổ cống. Đắp mương trong vườn để túi nước nổi trên mương và tránh lá dừa hay cây đâm vào làm lủng túi. Mỗi nhà trữ khoảng 50m3 nước thì sẽ đủ trong mùa hạn mặn không chỉ cho việc sinh hoạt mà còn phục vụ sản xuất.
Theo mật độ phân bổ dân cư, không chỉ ở nông thôn mới trữ nước, mà người dân ở thành phố cũng phải tìm cách trữ nước. Thực tế, thời gian qua, nhiều người khu vực TP. Bến Tre không có trữ nước nên việc sử dụng nguồn nước ngọt hết sức khó khăn. Khu đô thị vẫn có thể khoan giếng cho nước xuống đất (trừ trường hợp nhà ở chung cư). Trong điều kiện khu vực đô thị, ai trữ được thì thực hiện. Mỗi người tự trữ được nước ngọt thì tỉnh sẽ bớt khó khăn, góp phần ứng phó với hạn mặn hiệu quả và bền vững.
Phan Hân (ghi)