Thi công Dự án Hạ tầng thiết yếu hỗ trợ phát triển vùng cây ăn trái hoa kiểng khu vực Mỏ Cày Bắc và huyện Chợ Lách.
Triển khai nhiều công trình, dự án
Những năm qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều dự án, công trình lớn để ứng phó với BĐKH. Cụ thể là Dự án Quản lý nước Bến Tre phục vụ sản xuất nông nghiệp, kết hợp nuôi trồng thủy sản của tỉnh. Hệ thống thủy lợi Bắc, Nam Bến Tre đã hoàn thành và vận hành các cống. Hồ chứa nước ngọt Kênh Lấp, huyện Ba Tri, với sức chứa trên 800 ngàn mét khối nước ngọt thô phục vụ cho 200 ngàn dân, 100 ngàn gia súc trên địa bàn 24 xã, thị trấn huyện Ba Tri. Dự án Cấp nước sinh hoạt cho dân cư khu vực cù lao Minh trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng triển khai đầu tư tuyến ống từ cầu Hàm Luông đến Nhà máy nước Thạnh Phú (dài 43,5km) đi qua địa bàn các huyện Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam, Thạnh Phú. Triển khai xây dựng hồ chứa nước ngọt Lạc Địa huyện Ba Tri. Hoàn thành Tiểu dự án 4 “Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Ba Tri, nhằm thích ứng với BĐKH”. Tiểu dự án 5 “Cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sinh kế bền vững cho người dân vùng ven biển Thạnh Phú, nhằm thích ứng với BĐKH”...
Tỉnh cũng đã xây dựng và nhân rộng 8 mô hình trồng trọt và chăn nuôi có hiệu quả kinh tế, gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng BĐKH như: Áp dụng giải pháp canh tác vườn chôm chôm trong điều kiện BĐKH theo hướng an toàn, chất lượng, tại xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách 2021 - 2022. Áp dụng giải pháp canh tác vườn sầu riêng trong điều kiện BĐKH theo hướng an toàn, chất lượng, tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành. Ương và nuôi tôm càng xanh toàn đực, tại xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú. Mô hình phát triển sản xuất tôm thẻ chân trắng thâm canh theo hướng an toàn sinh học...
Dự án chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng BĐKH (CSAT) trong năm 2023 đã triển khai được nhiều hoạt động như: Hỗ trợ hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (SEDP) năm 2023 có lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu tác động BĐKH của tỉnh và các huyện, thành phố. Đánh giá tình hình ngành nông nghiệp theo kế hoạch hành động phát triển các chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh. Đánh giá quản lý rủi ro thiên tai, BĐKH và xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn tiếp theo. Đánh giá tình hình thực hiện các hoạt động liên quan đến sinh kế nông nghiệp và phát triển chuỗi giá trị, thị trường tiêu thụ nông sản, thương mại điện tử các chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh...
Nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng cơ sở
Tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ “Đánh giá hiện trạng và đề xuất quản lý tổng hợp môi trường hồ chứa nước ngọt Ba Lai trong điều kiện BĐKH và xâm nhập mặn. Công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt dự kiến hoàn thành vào cuối tháng. Hoàn thành “Đánh giá hiện trạng và đề xuất bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Ban hành Kế hoạch hành động bảo tồn đa dạng sinh học đến năm 2030.
Ngoài ra, tỉnh còn chủ động, sẵn sàng ứng phó với thiên tai, giảm nhẹ rủi ro thiên tai và giảm thiểu thiệt hại thiên tai và khí hậu cực đoan gia tăng do BĐKH. Đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH. Triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực phù hợp với điều kiện của tỉnh. Tận dụng các cơ hội của BĐKH để phát triển nền kinh tế theo hướng các-bon thấp. Góp phần thực hiện đầy đủ các cam kết của một Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BĐKH và lồng ghép ứng phó với BĐKH vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển ngành. Nâng cao nhận thức, kiến thức và năng lực cộng đồng trong ứng phó với BĐKH và phòng tránh thiên tai. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực, nguồn lực khoa học công nghệ và tài chính cho ứng phó với BĐKH. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, hợp tác vùng trong ứng phó BĐKH.
Đầu tư nâng cấp, cải tạo các công trình giao thông ở những vùng thường bị đe dọa bởi thiên tai và dễ bị tổn thương do BĐKH, triều cường, nước dâng như: Dự án Xây dựng đê bao ngăn mặn kết hợp đường giao thông nối liền các huyện biển Bình Đại - Ba Tri - Thạnh Phú: Giai đoạn 1 hoàn thành đưa vào sử dụng, giai đoạn 2 ước đạt 76% khối lượng (giai đoạn 1 dài khoảng 12,65km, giai đoạn 2 dài khoảng 26,09km). Dự án đường giao thông kết hợp đê bao ngăn mặn liên huyện Mỏ Cày Nam - Thạnh Phú: Gói thầu số 1 thực hiện ước đạt 80%, gói thầu số 2 thực hiện ước đạt 42%.
Lĩnh vực xây dựng và đô thị, đang thực hiện đầu tư xây hệ thống thoát nước nội ô TP. Bến Tre, ước lượng tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị từ loại IV trở lên được xử lý năm 2023 đạt khoảng 5,5%. Tỷ lệ dân số đô thị sử dụng nước sạch đến năm 2023 đạt 93%.
“Giai đoạn 2024 - 2025, tỉnh tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: Thực hiện lồng ghép ứng phó BĐKH vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, chương trình, nhiệm vụ, dự án phát triển của ngành, địa phương để tranh thủ, tận dụng, huy động nguồn lực cho ứng phó BĐKH. Hoàn thành các công trình trọng điểm về thủy lợi, cấp nước, dự trữ nước ngọt thích ứng BĐKH. Vận hành tốt các trạm quan trắc đo mặn, chất lượng nước trên các nhánh sông chính của tỉnh. Duy trì và phát triển các mô hình canh tác hiệu quả kinh tế, thích ứng BĐKH, xâm nhập mặn. Tăng cường triển khai các hoạt động Dự án CSAT - Chuỗi giá trị nông nghiệp thông minh thích ứng với BĐKH tỉnh”.
(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh)
|
Bài, ảnh: Trần Quốc