Để chủ động ứng phó, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi trồng thủy sản, ổn định và duy trì sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo người nuôi trồng thủy sản thực hiện một số nội dung sau:
Chuẩn bị đầy đủ nguyên, nhiên vật liệu, bố trí nguồn nhân lực và chủ động tổ chức triển khai các biện pháp ứng phó với nắng nóng, mưa, áp thấp nhiệt đới hoặc bão. Thông tin đầy đủ về dự báo thời tiết, cảnh báo, dự báo thiên tai đến người dân để chủ động phòng, tránh giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Cử cán bộ bám sát địa bàn, tuyên truyền, hướng dẫn cơ sở nuôi trồng thủy sản các biện pháp phòng, chống và khắc phục thiệt hại do nắng nóng, mưa, áp thấp nhiệt đới hoặc bão xảy ra.
Người nuôi trồng thủy sản cần chủ động các biện pháp làm giảm tác động của nắng nóng. Thực hiện gia cố bờ ao trước vụ nuôi đối với những ao nuôi không đảm bảo được nước. Trong quá trình nuôi luôn giữ mức nước từ 1,5 - 2m. Các ngày nắng nóng cần tăng cường mở quạt nước để tránh phân tầng nhiệt độ, đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan phù hợp với sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi. Thường xuyên giám sát các yếu tố môi trường, quan sát hoạt động của thủy sản nuôi. Bổ sung lượng nước cấp do bốc hơi,...khi cần thiết và nước phải được xử lý sạch mầm bệnh trước khi cấp vào ao nuôi. Có chế độ cho ăn phù hợp đối với các ngày nắng nóng diễn ra. Chủ động giảm lượng thức ăn xuống từ 30-50% tổng lượng thức ăn trong ngày. Nếu nhiệt độ nước hơn 330C thì ngưng không cho tôm ăn và tăng cường mở quạt nước. Bổ sung thêm các loại vitamin. Đặc biệt, vitamin C, nhằm tăng sức đề kháng, chống sốc.
Trước khi có mưa, áp thấp nhiệt đới hoặc bão cần rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn (khi cần thiết). Chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, ngập lụt khu vực thấp trũng, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt; phương án cung cấp nhu yếu phẩm cho các nơi khó di chuyển.
Đối với các nuôi ao, cần tập trung nạo vét kênh mương; đặt ống xả tràn, phát quan cành cây quanh bờ ao, tu sửa, gia cố hệ thống ao nuôi khi có mưa, bão và tăng cường xử lý, nhằm ổn định các yếu tố môi trường giúp thủy sản nuôi khỏe mạnh.
Đối với hình thức nuôi lồng bè, gia cố, tu sửa hệ thống dây neo lồng bè, nhà ở, nhà kho trên bè. Di chuyển con người, các vật dụng không cần thiết, thức ăn thủy sản,...trên lồng bè đến nơi an toàn. Tuyệt đối không nên thả giống, di dời thủy sản nuôi khi mưa, áp thấp nhiệt đới, bảo chưa kết thúc.
Các đối tượng nuôi thủy sản khi đạt kích cỡ thương phẩm thì chủ động thu hoạch ngay để hạn chế thiệt hại do bão có thể xảy ra. Sơ tán lao động về nơi trú ẩn an toàn khi bảo xảy ra (nếu tác động trực tiếp).
Biện pháp khắc phục sau mưa, áp thấp nhiệt đới hoặc bão: Xả bớt lượng nước mưa tầng mặt trong ao. Tăng cường mở quạt nước và tiến hành kiểm tra các yếu tố môi trường. Đảm bảo các yếu tố môi trường trong khoảng cho phép và điều chỉnh về ngưỡng thích hợp để thủy sản sinh trưởng. Sử dụng thuốc, hóa chất để tiêu độc, khử trùng và xử lý môi trường nước sau khi mưa, áp thấp nhiệt đới hoặc bão tan.
Chủ động thực hiện và phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo sớm môi trường vùng nuôi thủy sản.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền hướng dẫn về các quy định của Luật Thuỷ sản 2017; Nghị định 26/2019/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, quan tâm chỉ đạo về đăng ký đối tượng nuôi chủ lực đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng theo quy định.
Trần Quốc