Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc tại Nghệ An

11/12/2021 - 21:27

Trước thềm lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2, chiều 11-12-2021, tại thành phố Vinh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban Thường vụ tỉnh ủy Nghệ An.

Chủ tịch nước mong muốn Nghệ An sẽ tạo nên kỳ tích sông Lam mà cả nước đều mong đợi ngay trong nhiệm kỳ này.

Chủ tịch nước mong muốn Nghệ An sẽ tạo nên kỳ tích sông Lam mà cả nước đều mong đợi ngay trong nhiệm kỳ này.

Cùng dự có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

Theo báo cáo của tỉnh Nghệ An tại buổi làm việc, về nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, đến nay tỉnh đã tiêm mũi 1 cho 98% người dân từ 18 tuổi trở lên, 72% mũi 2; đã có 38% trẻ em từ 12 đến 17 tuổi được tiêm mũi 1. Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng ước đạt 6,2%, thu ngân sách năm nay ước đạt 17.600 tỷ đồng, đạt 126% dự toán, trong đó thu nội địa đạt gần 16.100 tỷ đồng.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc vui mừng chứng kiến thành tích toàn diện và vượt bậc của Nghệ An từ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, năm 2020 đến nay, nhất là trong bối cảnh tác động nặng nề của dịch COVID-19. Nghệ An cũng là địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, tỷ lệ lây nhiễm ở mức thấp.

Chủ tịch nước cho rằng, những kết quả Nghệ An đạt được thời gian qua là rất đáng biểu dương và cội nguồn của thành công đó chính là tinh thần đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh. Lãnh đạo tỉnh có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực vượt khó để phát triển tỉnh nhà. Trong thực hiện nhiệm vụ đều có biện pháp sáng tạo, hiệu quả, nhất là giải ngân vốn đầu tư, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đạt 93%.

Tuy vậy, Chủ tịch nước cho rằng, nhiều tiềm năng phát triển của Nghệ An chưa được phát huy, chất lượng tăng trưởng chưa cao, chưa có những dự án lớn mang tính đột phá, nhất là dự án có thể chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao…

Để Nghệ An có những bước phát triển đột phá hơn thời gian tới, Chủ tịch nước đề nghị lãnh đạo tỉnh cần tập trung khai thác tiềm năng con người, nguồn nhân lực của địa phương với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, lực lượng lao động trẻ dồi dào bởi Nghệ An cũng là vùng đất luôn sinh ra những người con xuất sắc, các nhà khoa học lớn của đất nước. Chủ tịch nước cũng đề nghị tỉnh chú trọng hơn nữa khai thác lợi thế miền Tây Nghệ An với tiềm năng lớn để phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, Nghệ An cũng cần khai thác tiềm năng vị trí chiến lược có thể kết nối các vùng, khu kinh tế trong vùng, phát huy các cửa ngõ cảng biển, nhất là kết nối với Lào.

Chủ tịch nước mong muốn Nghệ An sẽ tạo nên kỳ tích sông Lam mà cả nước đều mong đợi ngay trong nhiệm kỳ này; đề nghị lãnh đạo tỉnh phải có khát vọng, có sức sống mới với đề xuất các cơ chế vượt trội có thể giúp Nghệ An thực hiện kỳ tích này.

Trước mắt, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Nghệ An cần tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, bảo vệ sức khỏe nhân dân trước dịch bệnh. Tỉnh cần tiếp tục thúc đẩy “cỗ xe tam mã” cho tăng trưởng, gồm đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu. Xác định kinh tế biển là động lực gồm cả cảng biển, phát triển du lịch. Cùng với đó là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; cùng với đó là thúc đẩy liên kết vùng; huy động các nguồn lực để phát triển miền Tây.

Chủ tịch nước chỉ rõ, Nghệ An có 1,4 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó có 1,1 triệu ha rừng, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế rừng cũng như cây dược liệu nên cần phát huy lợi thế này để vừa đảm bảo việc bảo vệ sinh thái, vừa giúp người dân có việc làm và thu nhập.

Cùng với đẩy nhanh vốn đầu tư thì cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện quy hoạch, đẩy nhanh các dự án đầu tư, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tỉnh cần nâng cao hiệu quả công tác dân vận, huy động được nguồn lực nhân dân đầu tư phát triển địa phương.

Chủ tịch nước tin tưởng, với những tiềm năng, lợi thế và điều kiện hiện nay,  Nghệ An sẽ tận dụng tốt cơ hội để “cất cánh”, đạt được nhiều thành tựu mạnh mẽ hơn nữa trong phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng với quê hương Bác Hồ kính yêu.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm, làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm, làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 4. Ảnh: VGP/Đức Tuân

Chủ động ứng phó, phòng chống dịch bệnh trong mọi tình huống

Cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thăm, làm việc với Bộ Tư lệnh Quân khu 4.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Quân khu 4 đã phát huy tốt truyền thống anh hùng trong thực hiện nhiệm vụ, một đơn vị giàu thành tích trong công cuộc  bảo vệ Tổ quốc trước đây cũng như xây dựng đất nước ngày nay. Đóng quân trên địa bàn quan trọng ở 6 tỉnh, địa hình hiểm trở, chia cắt với trên 1.300 km đường biên giới với Lào, 700 km bờ biển, 30 đảo, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Quân khu 4 có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng-an ninh.

Nhắc lại năm 2020 địa bàn Quân khu liên tiếp hứng chịu 5 cơn bão lớn, gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản, Chủ tịch nước đánh giá cao Quân khu đã kịp thời chỉ đạo, huy động lực lượng, phương tiện để giúp đỡ nhân dân giảm thiểu tối đa thiệt hại. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ có 35 đồng chí cán bộ, nhân viên, chiến sĩ của Quân khu, Cục Cứu hộ cứu nạn và tỉnh Thừa Thiên-Huế đã anh dũng hy sinh, gây xúc động và sự tiếc thương cũng như lòng cảm phục của nhân dân cả nước.

Chủ tịch nước cho rằng, Quân khu 4 là một trong điểm sáng của toàn quân về tổ chức phong trào thi đua quyết thắng gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt chính sách hậu phương, quân đội hoạt động đền ơn đáp nghĩa, giúp dân xóa đói giảm nghèo, phòng, chống thiên tai, lũ lụt cũng như công tác dân vận tại các địa bàn có quân đội. Những thành tích, kết quả Quân khu 4 đạt được đã lan tỏa những phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu Quân khu 4 tăng cường công tác nắm tình hình, nghiên cứu, đánh giá và dự báo các tình huống phức tạp xảy ra; kịp thời phát hiện mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thủ dịch, phản động để chủ động làm tốt phương án ứng phó, ngăn chặn, đẩy lùi; bảo vệ vững chắc từng tấc đất, vùng biển, vùng trời của Tổ quốc, không để bị động, bất ngờ trong bất cứ tình huống nào.

Tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang Quân khu vững mạnh, toàn diện, theo phương châm “tinh, gọn, mạnh, cơ động nhanh và sẵn sàng chiến đấu cao”; tổ chức huấn luyện, diễn tập nâng cao năng lực chỉ đạo, chỉ huy, trình độ toàn diện cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ. Đặc biệt, cần tích cực tham gia các phong trào đền ơn đáp nghĩa, xoá đói giảm nghèo, phòng chống thiên tại trên địa bàn; tiếp tục thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; không được lơ là, chủ quan, phải chủ động sẵn sàng các phương án để chủ động ứng phó, phòng chống dịch bệnh trong mọi tình huống.

Nguồn: chinhphu.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN