Mỏ Cày Nam có đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn, trong đó đàn heo có số lượng lớn nhất tỉnh, với hơn 266 ngàn con, đàn bò hơn 11 ngàn con, đàn gia cầm hơn 583 ngàn con. Vì vậy, công tác phòng ngừa, kiểm soát tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi, nhất là bệnh heo tai xanh và cúm trên gia cầm luôn được huyện quan tâm đặc biệt.

Nông dân xã Ngãi Đăng tăng cường phòng, chống dịch bệnh trong
chăn nuôi gia cầm. Ảnh: H.V
Ông Đỗ Hoàng Minh - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, hàng năm, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm luôn được huyện chủ động triển khai trước khi vào giai đoạn giao mùa, nhất là vào mùa mưa. Công tác này được ngành chức năng huyện xây dựng thành các chương trình, kế hoạch như: tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, bệnh heo tai xanh; kế hoạch phun xịt hóa chất tiêu độc, khử trùng... triển khai đến toàn hệ thống thú y cơ sở. Tính đến nay, việc triển khai các chương trình trên đã được thực hiện đạt trên 70% kế hoạch năm. Tuy còn xuất hiện dịch bệnh trên gia súc, gia cầm ở một vài địa phương nhưng ở mức độ nhỏ, không đáng kể, người chăn nuôi đã được nhân viên thú y cơ sở hướng dẫn xử lý kịp thời, đảm bảo các bệnh nguy hiểm truyền nhiễm như: heo tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm không xảy ra dịch trên địa bàn huyện.
Một điều đáng ghi nhận nữa trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi là ý thức của những người chăn nuôi được nâng lên rõ rệt. Ngoài những chương trình được Nhà nước hỗ trợ như phun xịt hóa chất tiêu độc, tiêm phòng vắc-xin thì người chăn nuôi đã chủ động mua thêm vắc-xin, hóa chất sử dụng cho phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của mình. Bên cạnh đó, người chăn nuôi còn áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi như: giảm đàn cho phù hợp điều kiện, mật độ nuôi hợp lý, bổ sung thức ăn có dinh dưỡng để vật nuôi có sức đề kháng tốt, thích ứng với sự thay đổi của thời tiết.
Công tác phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi trên địa bàn những năm gần đây được thuận lợi hơn vì có sự quan tâm chỉ đạo của Chi cục Thú y tỉnh, Huyện ủy, UBND huyện trên các mặt công tác; sự tích cực của chính quyền địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện. Đồng thời đó là công tác phối hợp hỗ trợ trong tuyên truyền vận động của các cơ quan, đoàn thể các cấp.
Riêng, đối với bệnh heo tai xanh, huyện đặc biệt chú trọng công tác phòng và kiểm soát dịch bệnh. Anh Trần Văn Gia - Trưởng Trạm Thú y huyện cho biết, Trạm Thú y huyện đã tổ chức 2 đợt tiêm vắc - xin phòng bệnh, đặc biệt quan tâm đến 14 xã vùng nguy cơ cao, đợt 1 đã triển khai từ ngày 4 đến 20-7-2011, hiện đang triển khai tiêm phòng đợt 2, bắt đầu từ ngày 4-8 đến ngày 11-11-2011. Tính đến thời điểm này, công tác tiêm phòng đạt 55,5% kế hoạch, từ nay đến ngày 1-11-2011 sẽ tiếp tục tiêm phòng dứt điểm 8.900 liều, đủ theo chỉ tiêu phân bổ là 20 ngàn liều vắc - xin của năm.
Ngành chức năng của huyên xác định dịch bệnh trong chăn nuôi nói chung, dịch heo tai xanh nói riêng cần phải được theo dõi thường xuyên, tiếp tục thực hiện chặt chẽ các biện pháp phòng và kiểm soát dịch bệnh. Là đơn vị chuyên môn, Trạm Thú y huyện sẽ tăng cường theo dõi, giám sát dịch bệnh, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hóa chất để sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Bên cạnh đó, Trạm sẽ đôn đốc các xã, thị trấn thực hiện sớm công tác tiêm phòng bệnh tai xanh, lở mồm long móng và công tác tổng vệ sinh tiêu độc đợt 2 năm 2011 theo kế hoạch đề ra. Trạm tiếp tục kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm Khuyến nông hướng dẫn thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho người chăn nuôi thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ nông dân, các lớp tập huấn, tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh xã, huyện.