Chú trọng yếu tố con người trong cải cách hành chính

26/11/2021 - 06:24

BDK - Cải cách hành chính (CCHC) là quá trình khắc phục mọi lực cản trong hệ thống bộ máy tổ chức, trong cơ chế vận hành và những hạn chế, yếu kém về năng lực quản lý, điều hành của bộ máy nhà nước. Những lực cản đó bắt nguồn từ cơ chế, chính sách chồng chéo, không phù hợp và đặc biệt là từ chính bản thân những con người nằm trong bộ máy nhà nước.

Cán bộ, công chức là yếu tố then chốt của nền hành chính phục vụ.

Cán bộ, công chức là yếu tố then chốt của nền hành chính phục vụ.

Một trong số các nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ đề ra trong Chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2021 - 2030 là “xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”. CB, CC là yếu tố then chốt của nền hành chính phục vụ, CCHC là cải cách về tinh thần trách nhiệm, ý thức công vụ của đội ngũ CB, CC.

Những năm qua, công tác xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CB, CC, VC luôn được các cấp, các ngành trong tỉnh quan tâm thực hiện, mang lại hiệu quả tích cực. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện đề án vị trí việc làm; thực hiện việc phân công, bố trí CC, VC đảm bảo hợp lý, phù hợp với vị trí việc làm và lộ trình tinh giản biên chế của cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc chuyển đổi vị trí công tác đối với một số chức danh CC trên một số lĩnh vực theo quy định tại Nghị định số 158/2007/NĐ-CP và Nghị định số 150/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

Công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch CC, thăng hạng VC được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật. Công tác kiểm điểm, đánh giá xếp loại chất lượng hàng năm đối với các cơ quan, đơn vị, CB, CC, VC đạt yêu cầu, đúng tiến độ.            

Các cơ quan, đơn vị đã chủ động rà soát điều kiện, tiêu chuẩn, trình độ CB, CC, VC để đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng… phù hợp với quy hoạch hoặc có lộ trình tinh giản biên chế cụ thể đối với các trường hợp chưa đạt chuẩn mà không thể đào tạo. Thực hiện việc bổ nhiệm CC, VC lãnh đạo, quản lý, đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, điều kiện và đúng quy trình.

Bên cạnh đó, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong cơ quan nhà nước, 100% sở, ban, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp”. Các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện đã xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị trực thuộc, từng CB, CC, VC; thường xuyên đánh giá tình hình, kết quả thực hiện để kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vấn đề phát sinh. Qua đó, góp phần nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính.

Đội ngũ CB, CC, VC của tỉnh đến nay đã có bước phát triển vượt bậc về chất lượng. Trong tổng số trên 1.471 CC hành chính từ cấp huyện trở lên, trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm hơn 98,57%; 100% CB lãnh đạo cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ đại học về chuyên môn và trình độ cao cấp lý luận chính trị; CB, CC giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp phòng được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định. Hầu hết CC hành chính đều đạt chuẩn theo quy định; toàn bộ VC trong khối sự nghiệp của tỉnh đều đạt và vượt chuẩn chuyên môn lẫn chức danh nghề nghiệp theo quy định. Ở cấp xã, trên 77,64% CB, CC đã tốt nghiệp đại học và trên đại học.

Từ những kết quả nêu trên cho thấy, để đẩy mạnh công cuộc CCHC, bên cạnh việc chỉ đạo, điều hành thực hiện tốt các nội dung về CCHC, vấn đề ưu tiên hàng đầu là nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ CB, CC, VC, bởi cốt lõi của CCHC là cải cách về tinh thần trách nhiệm, ý thức công vụ của đội ngũ này. Bất cứ loại hình tổ chức hành chính công nào cũng cần đến những người làm tốt công việc với kiến thức, kỹ năng, thái độ đáp ứng yêu cầu của vị trí công việc. Vì thế, để vận hành bộ máy hành chính thật sự hiệu quả, việc đầu tiên và quan trọng nhất chính là công tác tổ chức CB. Không chỉ từng cơ quan, đơn vị nhà nước, mà mỗi CB, CC, VC phải liên tục có sáng kiến CCHC để cải tiến công việc của mình sao cho hiệu quả hơn nữa, theo tinh thần phục vụ xã hội, vì lợi ích chung. Có như vậy, công cuộc CCHC mới thấm sâu và có bứt phá trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN