Chuẩn bị dừa tươi cho xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc

30/08/2023 - 05:31

BDK - Bến Tre có diện tích vườn dừa khá lớn, hiện toàn tỉnh có khoảng 78.000ha. Cây dừa đã mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng chục ngàn hộ nông dân trồng dừa. Tuy nhiên, đầu ra cho các sản phẩm dừa rất bấp bênh, không ổn định, thậm chí có nhiều thời điểm giá dừa xuống thấp, đời sống người trồng dừa gặp khó khăn. Gần đây thông tin dừa tươi sắp xuất khẩu (XK) sang thị trường Mỹ và Trung Quốc làm người trồng dừa trong tỉnh phấn khởi. Phóng viên Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Đoàn Văn Đảnh về nội dung trên.

Sơ chế dừa uống nước xuất khẩu. Ảnh: H. Hiệp

Sơ chế dừa uống nước xuất khẩu. Ảnh: H. Hiệp

* Xin ông cho biết thực trạng sản xuất, chế biến và tiêu thụ của ngành dừa tỉnh thời gian qua?

- Giám đốc Sở NN&PTNT Đoàn Văn Đảnh: Cây dừa được xem là cây trồng chủ lực của tỉnh, là nguồn thu nhập của hơn 170 ngàn hộ trồng dừa, diện tích dừa tăng dần qua các năm, cụ thể năm 2020 khoảng 73.000ha, đến nay hơn 78.000ha (tăng 1,35% so với cùng kỳ năm trước). Diện tích dừa tăng chủ yếu là dừa uống nước vì hiệu quả khá ổn định so với một số cây trồng khác. Tổng sản lượng năm 2022 tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước (687.545 ngàn trái). Với nguồn nguyên liệu luôn dồi dào và chất lượng tương đối cao, ngành công nghiệp chế biến dừa tỉnh phát triển khá nhanh và toàn diện, đã vươn ra tầm khu vực và thế giới. Hiện toàn tỉnh có khoảng 200 doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ dừa cung ứng cho thị trường trong nước và XK, với nhiều loại hình, quy mô hoạt động khác nhau, tạo việc làm cho hơn 9.500 lao động.

Phần lớn các sản phẩm của ngành chế biến dừa có giá trị gia tăng cao như: cơm dừa nạo sấy, bột sữa dừa, sữa dừa đóng hộp, nước dừa đóng hộp, dầu dừa tinh khiết, mỹ phẩm từ dừa... Ngoài ra, các phụ phẩm từ cây dừa được tận dụng làm than hoạt tính, hàng thủ công mỹ nghệ... góp phần làm tăng giá trị cho cây dừa. 9 tháng năm 2023, giá trị sản xuất ngành sản xuất chế biến dừa (giá so sánh năm 2010) ước đạt 2.820 tỷ đồng, chiếm 9,83% so với giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Kim ngạch XK dừa ước đạt 270,54 triệu USD, chiếm 24,42% kim ngạch XK toàn tỉnh. Thị trường XK dừa tiếp tục được giữ vững và mở rộng. Đến nay, các sản phẩm từ dừa đã XK được hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.

* Ông cho biết thông tin về việc chuẩn bị XK dừa tươi sang thị trường Mỹ, Trung Quốc?

- Hiện nay, tỉnh có gần 16.000ha dừa uống nước, chiếm hơn 20% tổng diện tích dừa của tỉnh, sản lượng trong năm ước khoảng 144,52 triệu trái. Để chuẩn bị cho việc XK dừa tươi sang thị trường Mỹ và Trung Quốc, ngành nông nghiệp đã tập trung các giải pháp tập huấn, tư vấn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc dừa nhằm tạo vùng nguyên liệu đạt năng suất, chất lượng theo yêu cầu thị trường XK; hỗ trợ các DN xây dựng vùng trồng và chuẩn bị các hồ sơ có liên quan theo quy định.

Sau khi nhận được Công văn số 1848/BVTV-HTQT của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) ngày 21-7-2023 về việc (Tổng cục Hải quan Trung Quốc) chuẩn bị kiểm tra thực địa các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu XK sang thị trường Trung Quốc, Sở NN&PTNT đã họp triển khai nội dung hướng dẫn của Cục BVTV cho tất cả các DN có nhu cầu XK dừa tươi sang thị trường Trung quốc. Đồng thời, sở đã chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và BVTV, Trung tâm Khuyến nông và tư vấn dịch vụ nông nghiệp cử cán bộ trực tiếp hỗ trợ các DN hoàn thiện hồ sơ mã vùng trồng và cơ sở đóng gói nộp về Cục BVTV theo quy định. Đến nay, đã nộp 27 hồ sơ (8 cơ sở đóng gói và 19 vùng trồng) với diện tích 1.453,77ha của các tổ hợp tác, hợp tác xã và DN trên địa bàn tỉnh có nhu cầu XK dừa tươi sang thị trường Trung Quốc. Một số DN đang tiếp tục hoàn chỉnh hồ sơ vùng trồng và cơ sở đóng gói theo quy định.

Riêng thị trường Mỹ, đã có sự thống nhất giữa Việt Nam và Mỹ về quy trình XK dừa sang Mỹ và các DN trong tỉnh có thể thực hiện ngay.

Thời gian tới, Sở NN&PTNT khẩn trương hỗ trợ các DN hoàn thiện hồ sơ. Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăm sóc dừa đạt chuẩn XK, chú trọng hướng dẫn biện pháp quản lý dịch hại trên dừa, nhất là các đối tượng thuộc danh sách kiểm dịch của Trung Quốc và Mỹ.

* Thị trường Mỹ rất khó tính, ngành dừa tỉnh có sự chuẩn bị gì cho việc XK bền vững, hiệu quả?

- Với điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu đã tạo nên nguồn nguyên liệu dừa dồi dào và chất lượng tương đối cao. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu XK, đặc biệt đối với thị trường tiêu chuẩn cao như Mỹ, thì địa phương phải chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng nguyên liệu, đảm bảo yêu cầu của nước nhập khẩu; các tổ hợp tác, hợp tác xã và DN phải chủ động nắm thông tin, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ có liên quan theo quy định, sẵn sàng cho các cuộc kiểm tra, đánh giá của các bên đối tác. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền để nâng cao nhận thức và sự ủng hộ đồng thuận của cộng đồng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng ngoài hỗ trợ về thông tin, kỹ thuật, hồ sơ thì cần tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra nhằm cảnh báo, ngăn chặn kịp thời các trường hợp vi phạm, tránh xảy ra sai sót trong quá trình thực hiện.

* Xin cảm ơn Giám đốc Sở NN&PTNT!

Hữu Hiệp (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN