Chung tay xây dựng xã nông thôn mới An Thới

12/10/2018 - 08:36

BDK - Xã An Thới vừa hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới (NTM) sau 8 năm phấn đấu. Sau xã Định Thủy và Cẩm Sơn, An Thới là xã thứ ba của huyện Mỏ Cày Nam hoàn thành tiêu chí NTM. Trong không khí phấn khởi, chính quyền địa phương và người dân xã An Thới tất bật chuẩn bị lễ đón bằng công nhận xã NTM An Thới vào ngày 13-10-2018.

Giờ học ngoài trời của trẻ tại Trường Mẫu giáo An Thới.

Giờ học ngoài trời của trẻ tại Trường Mẫu giáo An Thới.

Tập trung phát triển kinh tế

Xã An Thới có 7 ấp với hơn 2 ngàn hộ dân, bình quân diện tích đất tính theo đầu người thấp, chỉ hơn 1 công/nhân khẩu (diện tích tự nhiên xã là 1.105ha). Để nhanh chóng nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, người dân An Thới đã tích cực lao động, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41 triệu đồng/năm. Nhờ đó, người dân An Thới có thêm nội lực đóng góp công sức, vật chất cho phong trào xây dựng ntm trên quê hương mình. 

Người dân xã An Thới chủ yếu làm nghề nông như trồng mía, dừa, chăn nuôi gia súc và trồng trái cây. Trước đây, cứ vào mùa gió chướng thì đất nông nghiệp ở An Thới lại bị nhiễm lợ, năng suất cây trồng bị ảnh hưởng. Từ khi có đê bao khép kín An Lộc - An Thiện được đầu tư xây dựng dài 2,2km phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho người dân hai ấp An Lộc và An Thiện, những vườn dừa rợp bóng mát, vườn bưởi da xanh sinh trưởng tốt tươi… đem lại thu nhập đáng kể cho người dân nơi đây.

Do diện tích đất nông nghiệp bình quân đầu người thấp, người dân An Thới phát triển tiểu thủ công nghiệp để nhanh chóng nâng cao đời sống vật chất. Theo đánh giá của UBND xã An Thới, nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở xã đang phát triển tốt và thích nghi nhanh với xu hướng phát triển của kinh tế thị trường. Hiện xã có 29 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề như: sơ chế cơm dừa, dệt thảm xơ dừa, may gia công, hàn tiện, đan ghế nhựa… góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân nông thôn.

Bên cạnh đó, chính quyền xã An Thới đã tập trung nhiều nguồn lực nhằm thực hiện công tác giảm nghèo trên địa bàn xã. Người dân nghèo ở xã được tiếp cận nhiều nguồn vốn vay ưu đãi để chăn nuôi dê, bò, mua máy, dụng cụ - nguyên liệu xe chỉ xơ dừa, may gia công. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo được kéo giảm nhanh chóng, đến nay toàn xã còn 108 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,8%. Hiện An Thới đang dùng nhiều giải pháp để kéo giảm con số này xuống từ 1 - 1,5%/năm.

Chung sức xây dựng đường nông thôn

Không thể phủ nhận “sức rướn” của An Thới, còn nhớ cuối năm 2017, xã đã lỡ hẹn với danh hiệu xã NTM. Bước vào năm 2018, An Thới vẫn quyết liệt làm cho xong nhiều việc khó khăn, phức tạp như: hoàn thành 6 tuyến đường cấp A, B, C với tổng mức đầu tư lên đến 30 tỷ đồng để hoàn thành tiêu chí giao thông, vận động người dân xây dựng 650 hố xí tự hoại để hoàn thành tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm.

Xây dựng nông thôn mới làm thay đổi tích cực bộ mặt xã An Thới.

Xây dựng nông thôn mới làm thay đổi tích cực bộ mặt xã An Thới.

Giao thông nông thôn ở An Thới ngày càng phát triển, người dân đi lại, giao thương dễ dàng nhờ được đầu tư xây dựng đạt chuẩn NTM. Từ một địa bàn xã không còn đường lầy lội, An Thới tiến đến mở rộng đường nông thôn phục vụ việc trao đổi hàng hóa giữa nông thôn và thành thị. Địa bàn xã có 11 tuyến đường cấp A, trong đó phân kỳ xây dựng sau năm 2020 là 4 tuyến, còn lại 7 tuyến xây dựng hoàn chỉnh trong năm 2018. 3/5 tuyến đường cấp B, 1 tuyến đường cấp C được bê-tông hóa đúng chuẩn theo Bộ tiêu chí NTM. Bên cạnh đó, thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, từ năm 2012 đến nay, xã đã huy động nguồn lực trong dân và nhà hảo tâm để nâng cấp, sửa chữa khoảng 8,4km đường tổ nhân dân tự quản rộng từ 1 - 1,5m, xây dựng 40 cây cầu với tổng kinh phí 11,3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp 2,4 tỷ đồng.

“Việc xây dựng NTM đã vực dậy đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã An Thới, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, tạo tiền đề để xã phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân và giảm hộ nghèo. Sau 8 năm tập trung quyết liệt xây dựng NTM, đến nay xã đã hoàn thành 19 tiêu chí, đó là thành quả sự chung sức, chung lòng của người dân. Xã sẽ tiếp tục nâng chất các tiêu chí tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường và an toàn thực phẩm, quốc phòng và an ninh sau khi được công nhận xã NTM”, ông Trần Thanh Liêm - Bí thư Đảng ủy xã An Thới phấn khởi cho biết.

Thực hiện tiêu chí giao thông, An Thới nhận gần 60 tỷ đồng để thực hiện các công trình giao thông nông thôn. Trong đó, nguồn vốn của tỉnh hơn 30 tỷ đồng, huyện 5,4 tỷ đồng, xã 1 tỷ đồng, còn lại là vốn Dự án AMD hỗ trợ, nhà hảo tâm và nhân dân đóng góp. Theo thống kê của xã, qua 8 năm xây dựng NTM, người dân An Thới đã đóng góp gần 13 tỷ đồng để xây dựng giao thông nông thôn. Cụ thể: hiến 62 ngàn mét vuông đất để làm đường xã, đường ấp và đường ngõ xóm; đốn hạ 1.373 cây dừa cùng nhiều vật kiến trúc như nhà cửa, chuồng trại, hàng rào kiên cố để giải phóng mặt bằng…

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN