Chung tay xóa nhà tạm bợ

28/04/2017 - 07:03

Có nhà mới kiên cố, ông Sơn Út vui mừng và yên tâm trước mùa mưa đang đến gần.

Trong vòng 15 tháng qua, trung bình mỗi tháng TP. Bến Tre xóa gần 10 căn nhà tạm bợ. Việc chung tay xóa nhà tạm bợ cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo không chỉ thể hiện sự quan tâm của thành phố đến công tác an sinh xã hội mà còn thể hiện tính nhân văn “Lá lành đùm lá rách”.

Niềm vui trong căn nhà mới

Căn nhà kiên cố mới tinh, nền lát gạch hoa sáng bóng khiến ông Sơn Út (55 tuổi, ngụ xã Sơn Đông) thấy tự tin, hạnh phúc dẫn khách về thăm nhà. Được biết, ông Sơn Út là người dân tộc Khmer duy nhất trên địa bàn xã Sơn Đông. Ông không có gia đình và sống đơn thân từ khi người mẹ qua đời. Ông Sơn Út bị khuyết một chân, hàng ngày kiếm sống bằng nghề vá xe đạp bên vệ đường. Đồng tiền ít ỏi kiếm được không đủ nuôi sống bản thân ông, nói chi đến tiền sửa nhà. Ấy thế là, ngôi nhà gỗ, vách lá, nhỏ hẹp nơi mẹ và 4 chị em ông sinh sống mấy chục năm trời cứ dần lụn tàn, mùa mưa trong nhà cũng chẳng khác ngoài sân. Căn nhà mới của ông Út có diện tích 30m2, kinh phí xây dựng 35 triệu đồng từ nguồn vận động hỗ trợ của TP. Bến Tre vừa hoàn thành. “Hơn 40 năm trời tôi lớn lên trong căn nhà lá tuềnh toàng, nay được chính quyền hỗ trợ cất nhà đại đoàn kết, tôi rất vui mừng” - ông Út chia sẻ.

Cùng niềm vui với ông Sơn Út, sáng 26-4-2017, tại UBND xã Sơn Đông đã diễn ra lễ trao nhà đại đoàn kết cho 12 hộ dân được xóa nhà ở tạm bợ. Kinh phí do UBND TP. Bến Tre vận động Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Bến Tre hỗ trợ 420 triệu đồng (35 triệu đồng/căn).

Ông Hà Thanh Hùng - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Đông phấn khởi cho biết: Sơn Đông là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (4%) so với các xã khác ở thành phố. Đến cuối năm 2016, xã còn 22 căn nhà tạm cần xóa, đến nay đã xóa được 20 căn, đối với địa phương điều này có ý nghĩa rất lớn trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện Nghị quyết “Năm không” của Thành ủy (không còn tình trạng vứt rác bừa bãi; không có người lang thang, ăn xin cơ nhỡ; không còn nhà ở tạm bợ; không để tăng thêm người nghiện ma túy và nạn trộm cắp trên địa bàn). Đối với người dân xã Sơn Đông, được nhận nhà đại đoàn kết là cơ hội để họ ổn định chỗ ở, phát triển kinh tế, lo cho con em học tập tốt hơn.

Chung một tấm lòng

Để đạt được thành quả xóa 147/252 căn nhà tạm trên toàn địa bàn thành phố chỉ trong 15 tháng, theo bà Đoàn Thị Phúc - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, chủ trương xóa nhà tạm bợ được Thành ủy, UBND TP. Bến Tre và các ban, ngành, đoàn thể thành phố quan tâm và phối hợp trong công tác vận động các nguồn lực để tham gia xóa nhà tạm bợ. Khi triển khai, các địa phương cũng dành nhiều sự quan tâm, cụ thể như địa bàn Phường 1 và Phường 2 tuy không còn nhà ở tạm bợ, nhưng hai đơn vị này đều vận động mạnh thường quân đóng góp chung tay góp sức xóa nhà tạm bợ cho địa phương khác. Và cả những nguồn lực ngoài tỉnh như Ban liên lạc Hội đồng hương TP. Bến Tre đã vận động gởi về cho thành phố cũng rất nhiều.

Tuy nhiên, công tác xóa nhà tạm cũng còn gặp một số khó khăn như: hiện thành phố có khoảng 40 căn có nguồn kinh phí để xây dựng nhưng chủ hộ không có đất, hoặc quá trình ở có tranh chấp đất phải làm công tác vận động rất nhiều lần; cũng có gia đình không nhận tiền hỗ trợ do chưa có nhu cầu; có những hộ có khả năng sửa, xây nhà, cho rằng chưa được tuổi, hoặc vẫn muốn để vậy ở, nhưng địa phương vẫn tiếp tục thực hiện. Đối với hộ ở đất thuê hoặc không có đất, lãnh đạo UBND TP. Bến Tre có chủ trương chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, các địa phương sử dụng quỹ đất công của địa phương tạo những khu đất đại đoàn kết cất nhà cho các hộ dân, phấn đấu đến năm 2020 thành phố không còn nhà ở tạm bợ.

Có thể thấy, việc chung tay xóa nhà tạm trên địa bàn thành phố đang trở thành một phong trào lan tỏa nét đẹp tình người giúp nhau vượt qua khó khăn.

Bài, ảnh: T.Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích