Chuốc họa vào thân chỉ vì thiếu kỹ thuật lao động, kiến thức pháp luật

25/07/2016 - 06:41

1. Câu chuyện xảy ra cách nay đã khá lâu, nhưng nhiều người dân ở xã Phong Nẫm (Giồng Trôm) đều thương tiếc cho anh H., một chủ xe máy gặt đập liên hợp tại xã.

Chiều tối hôm ấy, sau khi gặt đập xong ruộng lúa của một người quen, anh H. cho xe máy gặt xuống chiếc trẹt (loại xuồng làm bằng cây, hình chữ nhật) để di chuyển sang cánh đồng khác ở gần bên. Tới nơi, vợ anh H. cùng người phụ việc lên bờ lo việc cột dây, lót ván chuẩn bị đưa máy gặt lên bờ. Lúc này, nước ở kênh đang nhửng ròng. Anh H. ngồi trên xe máy gặt khởi động nhưng động cơ không nổ, buộc lòng anh phải xuống xe để xử lý (trong lúc gấp gáp anh không chèn bánh và xe đang được cài số lui). Sau khi động cơ nổ thì xe máy gặt chạy lùi về phía sau kéo theo anh H., cùng lúc, chiếc trẹt bị lật úp dìm anh H. xuống lòng kênh. Sự việc diễn ra rất nhanh. Khi phát hiện bất trắc, vợ anh cùng người phụ việc hô hoán cầu cứu và được những người ở gần tới hỗ trợ nhưng vẫn không kịp. Bấy giờ, trời tối và mực nước sâu (khoảng 2m) nên việc giải cứu gặp khó khăn, trong khi đó, trọng lượng xe máy gặt quá nặng (hơn 2 tấn) cùng chiếc trẹt quá lớn (chiều ngang 2,4m, chiều dài khoảng 5m).

Nguyên nhân gây ra tai nạn dẫn đến cái chết đau lòng của anh H. được xác định là do anh thiếu am hiểu kỹ thuật và bất cẩn trong lúc lao động.

2. Anh T. là chủ tiệm tạp hóa khá lớn ở một chợ xã. Khoảng 2 giờ 30 phút đêm hôm ấy, nghe tiếng chó sủa, anh T. nghi là có trộm nên đi kiểm tra nhà và phát hiện K. (chưa tròn 15 tuổi) đang lẩn trốn trong tiệm. Thay vì gọi những người hàng xóm tới để chứng kiến việc K. lẻn vào nhà trộm cắp rồi giao K. cho cơ quan Công an xử lý, nhưng anh T. đã không làm điều này. T. đã đánh, trói K. lại và buộc K. treo lên cành cây trước nhà để tra hỏi về nhà cửa, cha mẹ ở đâu (nhà của K. ở cùng xã nhưng khác ấp với anh T.). Trong lúc xảy ra sự việc, có người đi chợ sớm ngang qua trông thấy và báo cho gia đình K.. Gần 5 giờ sáng, khi công an viên của ấp tới hiện trường thì K. mới được thả ra trong tình trạng bị nhiều vết thương trầy xước, bầm ở vùng cổ, xương ức, cổ tay, lưng và vai (gia đình K. từ chối việc giám định tỷ lệ thương tích). Sau đó, gia đình anh T. có đưa cho gia đình K. số tiền 10 triệu đồng để lo điều trị thương tích.

Anh T. bị truy tố về tội “Bắt, giữ người trái pháp luật”. Trước tòa, anh T. cho rằng mình không phạm tội, trách nhiệm bắt trộm cắp là của cơ quan Công an. T. còn khẳng định lần bị mất tiền trước đây đều do K. lấy trộm (dù không có chứng cứ), việc anh bắt giữ, trói và đánh K. là để K. khai ra việc có lấy trộm. T. yêu cầu gia đình K. trả lại số tiền 10 triệu đồng với lý do “Tiền này để cho gia đình K. bãi nại”.

T. được Hội đồng xét xử giải thích về việc làm sai trái (giữ người trái pháp luật, đánh đập người bị tình nghi, trong khi K. chưa đủ 15 tuổi), do vậy anh có trách nhiệm phải bồi thường tiền điều trị thương tích cho K.. T. vẫn không thông hiểu mà cho rằng: “Từ nào tới giờ đâu có chuyện người bị mất trộm phải đi bồi thường tiền cho kẻ cắp”. Sau khi xem xét anh T. có nhiều tình tiết giảm nhẹ, Tòa đã tuyên phạt anh với mức án 6 tháng cải tạo không giam giữ về tội “Giữ người trái pháp luật”.

Sẽ không có chuyện đau lòng xảy ra như trên, nếu như anh H. và anh T. có kiến thức về kỹ thuật lao động và hiểu biết về pháp luật. Qua câu chuyện này, mong rằng ngành chức năng và các tổ chức hội, đoàn cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật cho nông dân; kiểm tra kiến thức (theo định kỳ) đối với nông dân là người sử dụng cơ giới trong sản xuất.

H.Trâm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN