Anh Hoàng Nam đã hồi phục sau tai nạn.
Bản chất vấn đề…
Con đường liên ấp đang làm nên rất khó đi, tuy nhiên, chúng tôi vẫn đến được nhà ông Trần Hoàng Mỹ (cha của anh Trần Hoàng Nam) để tìm hiểu.
Qua trao đổi với ông Trần Hoàng Mỹ, chúng tôi được biết, vào chiều ngày 29-3-2012, khi Hoàng Nam đang trét bột trên ban công tầng ba ở một công trình trên đường Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh - TP. Hồ Chí Mính) thì bị rơi xuống mái tôn của một căn nhà nằm phía dưới (cách khoảng 10m). Sau đó, anh Nam được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viên Nhân dân Gia Định (TP. Hồ Chí Minh). Theo chẩn đoán của bác sĩ, Hoàng Nam bị “chấn thương tủy cột sống và xương sống”. Sau thời gian điều trị, đến ngày 4-4-2012, theo yêu cầu của anh Nam, gia đình ông Mỹ xin xuất viện, đưa con về quê chuẩn bị lo hậu sự, do tự nhận thấy tình hình không khả quan.
Theo lời ông Hoàng Mỹ, từ lúc xuất viện về nhà đến khoảng 9 giờ sáng hôm sau, tức ngày 5-4, thì anh Hoàng Nam vẫn trong trạng thái nửa mê, nửa tỉnh. Nhưng từ lúc 9 giờ đến 10 giờ 45 phút, anh Nam dần tỉnh lại và sau đó đi đứng, nói chuyện bình thường. Người thân trong gia đình ai nấy cũng đều rất vui mừng.
Như lời thạc sĩ - bác sĩ Dương Thanh Tùng - Trưởng khoa Ngoại thần kinh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định (được đăng tải trên Báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh, số ra ngày 13-4-2012), sau khi tiếp nhận cas cấp cứu của bệnh nhân Trần Hoàng Nam, bệnh viện tiến hành chụp MRI, kết quả thấy dập tủy cổ nhẹ nên theo dõi dập tủy cổ và điều trị như dập tủy cổ bình thường. Bệnh nhân còn có những cơn nhịp tim chậm, theo người nhà bệnh nhân thì nhịp tim chậm của bệnh nhân đã có từ lâu, những lúc như thế bệnh nhân khó thở. Tuy nhiên, việc nhịp tim chậm cũng không liên quan đến tri giác bệnh nhân. Đây không phải là trường hợp bó tay. Bệnh viện đã điều trị chấn thương cổ và nhịp tim chậm, đây không phải là bệnh nghiêm trọng và đe dọa tử vong.
Cũng theo lời bác sĩ Tùng, kết quả chụp MRI lần thứ hai thì thấy tủy sống cổ của bệnh nhân hết tổn thương. Việc bệnh nhân khai yếu tay chân không phù hợp với chấn thương cổ, có thể do nguyên nhân khác: ý chủ quan của bệnh nhân hoặc do hoảng loạn tinh thần... Với bệnh lý của bệnh nhân thì việc anh tự đứng dậy đi lại là bình thường.
… dần bị hư cấu
Theo lãnh đạo chính quyền địa phương, từ ngày 5-4-2012 đến nay, hàng ngày có hàng trăm lượt người đến nhà ông Trần Hoàng Mỹ để tìm hiểu thông tin về việc anh Hoàng Nam “chết đi sống lại” và đặc biệt có một số người đến gặp anh Hoàng Nam để xin được trị bệnh, xin số đánh đề… Trước tình hình này, chính quyền địa phương đã vận động người dân không nên tụ tập đông người làm mất an ninh trật tự và giải thích người dân hiểu tận tường sự việc.
Tuy nhiên, lời đồn thổi của một số người về anh thợ hồ “chết đi sống lại” và có phép màu đã làm biến tướng sự việc, gây ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình cũng như bản thân anh Hoàng Nam. Qua ghi nhận ý kiến của một số người trong ấp, vài ngày trở lại đây, ngoài bà con thân thuộc đến thăm hỏi thì có rất nhiều người nơi khác đến để tận mắt chứng kiến người “chết đi sống lại”. Là trong số rất nhiều người hiếu kỳ, bà Nguyễn Thị Rỉ (xã Tân Phú - Châu Thành) bày tỏ: Sau khi nghe mọi người bàn tán về chuyện anh Hoàng Nam “chết đi sống lại” và có phép màu để trị bệnh, cho số đánh đề… tôi đã tìm đến đây xem ra sao. Nhưng qua thực tế thì không như lời của nhiều người đồn thổi.
Nói về việc mình có khả năng trị bệnh hay cho số đánh đề, anh Hoàng Nam khẳng định đây là điều hoàn toàn sai sự thật và do mọi người ngộ nhận. Anh Nam bày tỏ: Từ khi bình phục đến nay, tôi không nhận thấy mình có khả năng siêu phàm gì cả, nên việc trị bệnh hay cho số đánh đề là không có. Việc mọi người đồn thổi tôi có phép màu thì chắc cũng có lý của họ. Bởi có một lần, người bà con ở xa về thăm khi nghe tôi bị tai nạn, do đường xa nên cảm thấy hơi mệt. Thấy thế, tôi sử dụng món nghề massage, đã học được trong thời gian đi làm ở TP. Hồ Chí Minh, giúp người này thư giãn. Câu chuyện chỉ có vậy, xin mọi người đừng hiểu lầm, tội nghiệp!
Như lời của gia đình ông Hoàng Mỹ, mỗi ngày có rất nhiều lượt khách đến thăm hỏi đã làm xáo trộn cuộc sống gia đình, gây ảnh hưởng đến công ăn việc làm của mọi người. Anh Hoàng Nam chua xót: “Đang chờ bình phục hẳn rồi kiếm công việc khác ở Bến Tre làm, nhưng mọi người đồn thổi như thế này chắc tôi lại phải lặn lội lên TP. Hồ Chí Minh để tiếp tục mưu sinh quá..!”.
Thay lời kết
Chúng tôi xin kết thúc câu chuyện này bằng một sự việc xảy ra cách đây khoảng 3 năm về tin đồn “tượng Bồ Tát Quan Thế Âm” ở Chùa Kim Long (ấp Vĩnh Chính - xã Vĩnh Thành - huyện Chợ Lách) chuyển động, thu hút đông đảo người dân thập phương về đây, gây ùn tắc giao thông trên quốc lộ 57. Tuy nhiên, qua xác minh của chính quyền địa phương và Ni cô Như Phước - Trụ trì Chùa Kim Long, thì không có chuyện tượng Phật chuyển động, sau đó lượng người đến đây giảm dần.