Chuyển biến qua 1 năm đào tạo nghề cho lao động nông thôn

17/04/2011 - 17:10

Ngày 15-4-2011, Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (ĐTNLĐNT) đến năm 2020” đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc sơ kết một năm thực hiện Đề án, với sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố cả nước. Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương chủ trì hội nghị. Phía đầu cầu Bến Tre, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tỉnh Trương Văn Nghĩa chủ trì.

Thay mặt Ban chỉ đạo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân báo cáo khái quát kết quả sau một năm thực hiện đề án và phương hướng nhiệm vụ triển khai năm 2011. Theo đó, tất cả các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo đề án, 73% số huyện và 49% số xã đã thành lập Ban chỉ đạo hoặc tổ công tác thực hiện đề án. 43/63 tỉnh, thành xây dựng chuyên mục tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm trên cổng thông tin điện tử, các báo, đài địa phương, tờ rơi… Năm 2010, cả nước đã hỗ trợ dạy nghề cho khoảng 345.140 người (kế hoạch đầu năm là 400.000 người) với các mô hình như: dạy nghề vùng chuyên canh, chuyên con; làng nghề; đặt hàng dạy nghề cho LĐNT để chuyển dịch ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp; thí điểm cấp thẻ học nghề nông; thí điểm mô hình khuyến nông đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, khoảng 48,6% học các nghề nông; khoảng 51,4% học các nghề phi nông nghiệp. Tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt khoảng 70%. Các cơ quan truyền thông của Trung ương và các địa phương đã tích cực tuyên truyền các nội dung liên quan đến đề án… Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ báo cáo về công tác thực hiện đề án trong một năm qua. Các địa phương, các cơ sở dạy nghề, và đặc biệt là người được học nghề đã phát biểu ý kiến và đưa ra những kiến nghị trong quá trình thực hiện đề án.

Tại tỉnh Bến Tre, sau 1 năm triển khai thực hiện ĐTNLĐNT ở 8 huyện, thành phố Bến Tre, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án, các nội  dung, mục tiêu, tiến độ đề ra trong năm đầu thực hiện đều cơ bản hoàn thành. Tất cả các huyện, thành phố có ban hoặc tổ chỉ đạo thực hiện Đề án, xây dựng xong Đề án ở cấp huyện. Năm 2010, tỉnh đã đào tạo cho 4.909 lao động nông thôn (vượt 2% so kế hoạch đề ra), tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề chiếm 76%, với các nghề cơ bản như: trồng và sơ chế ca cao, trồng nấm, nuôi gà sinh học, may công nghiệp, điện cơ…; bồi dưỡng nghiệp vụ cho 492 học viên, đào tạo nghiệp vụ cho 40 học viên là cán bộ cấp xã. Song song đó, Bến Tre còn là 1 trong 2 tỉnh được chọn thực hiện đề án thí điểm triển khai hình thức cấp thẻ học nghề nông nghiệp. Đến nay, tỉnh đã tiến hành cấp được 811 thẻ và tổ chức dạy nghề cho 715 LĐNT (đạt 21% kế hoạch). Tại hội nghị, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Thanh Hùng đã có tham luận về công tác chỉ đạo huyện điểm Giồng Trôm trong triển khai thực hiện Quyết định 1956.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân biểu dương những kết quả đạt được ở các địa phương, đặc biệt là Bến Tre với mô hình dạy kỹ thuật trồng nấm, người học dễ ứng dụng vào thực tiễn, có thu nhập ổn định... Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh thành triển khai thực hiện cho được: “4 có và 4 biết”. Cụ thể: có kế hoạch phát triển nhân lực, có danh sách những cơ sở có thể đào tạo những ngành nghề theo nhu cầu địa phương, có chương trình thông tin của tỉnh về học nghề và có hỗ trợ việc làm; ban chỉ đạo các tỉnh, huyện, xã phải biết địa chỉ các cơ sở làm tốt công tác đào tạo nghề trong và ngoài tỉnh, người lao động phải biết các chính sách hỗ trợ của Đề án, biết các cơ sở đào tạo nghề mà mình muốn học, biết khả năng học rồi sẽ làm việc ở đâu…

Thiên Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN