Chuyển biến tích cực từ mô hình giảm nghèo ở An Hiệp

28/12/2020 - 07:04

BDK - An Hiệp là xã nghèo của huyện Ba Tri được Thủ tướng Chính phủ công nhận xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển giai đoạn 2017 - 2020. 5 năm qua, Dự án AMD Bến Tre đã chọn An Hiệp làm mô hình thí điểm giảm nghèo trong 30 xã của vùng dự án. Từ tác động của dự án đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của địa phương từ năm 2015 đến nay là 16,85%. Năm 2015 có 919 hộ nghèo, tỷ lệ 32,03%, đến nay còn 456 hộ, chiếm 15,18%.

Trưng bày các sản phẩm của hộ nông dân tham gia dự án.

Trưng bày các sản phẩm của hộ nông dân tham gia dự án.

Tác động của dự án

Tác động đầu tiên là nâng cao kiến thức về biến đổi khí hậu (BĐKH) đối với chính quyền địa phương, người dân. Xã tham gia các hoạt động hoàn thiện chuỗi giá trị cấp huyện như: rau màu, dê, bò. Các hoạt động cụ thể như thành lập tổ, nhóm hợp tác theo Nghị định số 151/NĐ-CP của Chính phủ, Luật Hợp tác xã năm 2012, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho các tổ, nhóm hợp tác, hội thảo kết nối đầu ra với các cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện. Tập huấn chuyển giao kỹ thuật, kỹ thuật chế biến thức ăn cho bò, chất lượng sản phẩm, đã cấp 3 chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP (trồng màu 1,3ha, nuôi vịt đẻ trứng 19 ngàn con, nuôi gà đẻ trứng 6 ngàn con).

Tổ chức trình diễn 6 mô hình như: Mô hình lúa chịu mặn, nuôi lươn trên bể bạt, trồng chuối cấy mô, nuôi vịt biển, trồng màu an toàn trên ruộng lúa, trồng bắp trên vùng đất trồng lúa kém hiệu quả. Hiện nay, các mô hình đã kết thúc, được nhân rộng khoảng 100 hộ, chủ yếu là các mô hình như: lúa chịu mặn OM 9221, nuôi vịt biển, chuối cấy mô. Các mô hình trình diễn mang tính chất mới được nghiên cứu và triển khai, nhằm tìm ra mô hình phù hợp với năng lực sản xuất, thổ nhưỡng của từng địa bàn khác nhau để tiến hành nhân rộng ra cộng đồng từ các nguồn quỹ đầu tư của dự án, đặc biệt là các mô hình hiệu quả và thích ứng với BĐKH được ưu tiên đầu tư.

Đã cấp 15 công cụ đo độ mặn cầm tay cho cán bộ khuyến nông, hội nông dân xã và các tổ, nhóm sản xuất để kịp thời quản lý tốt chất lượng nước, cảnh báo độ mặn các kênh nội đồng trên địa bàn xã để thường xuyên tuyên truyền, phổ biến đến người dân kịp thời thông qua tin nhắn điện thoại, đài truyền thanh của xã, huyện. Bên cạnh đó, xã còn xây dựng 2 mô hình túi trữ nước ngọt để phục vụ cho sản xuất trên địa bàn các xã.

Thích ứng với biến đổi khí hậu

Quỹ tín dụng phụ nữ phát triển kinh tế có 55 nhóm, 10 cụm tín dụng tiết kiệm được thành lập, với 187 thành viên tham gia mới; trong đó, có 187 nữ (chiếm tỷ lệ 100%), 86 hộ nghèo (chiếm 43,87%), với tổng dư nợ 1,507 tỷ đồng. Thường xuyên phổ biến nguồn vốn tín dụng đến cộng đồ̀ng vùng dự án thông qua các buổi triển khai của Quỹ tín dụng, các cuộc thảo luận cộng đồ̀ng tại ấp và các hoạt động khác của Dự án AMD.

Quỹ đầu tư cơ sở hạ tầng (CIF), triển khai đầu tư xây dựng 1 công trình cống Giồng Nhựt, tổng vốn đầu tư 1,173 tỷ đồng; trong đó, vốn Dự án AMD trên 1 tỷ đồng, người hưởng lợi đối ứng 164 triệu đồng. Công trình giúp điều tiết nước ngăn mặn, xả phèn, trữ ngọt phục vụ cho hơn 220ha lúa, 110ha dừa của hơn 570 hộ dân ở 3 ấp. Năng suất cây lúa từ 30 tạ/ha tăng lên 50 tạ/ha, từ đó góp phần tăng thu nhập của bà con và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương.

Quỹ đồng tài trợ mô hình thích ứng với BĐKH (CFAF), giai đoạn thực hiện dự án từ năm 2014 - 2020 đã triển khai thành lập được 16 tiểu dự án với 216 hộ tham gia; trong đó, có 122 hộ nghèo, cận nghèo, 55 hộ nữ làm chủ hộ, giải quyết việc làm cho 250 lao động. Tổng số vốn thực hiện 2,821 tỷ đồng; trong đó, vốn AMD 1,378 tỷ đồng, vốn đối ứng của hộ hưởng lợi là 1,443 tỷ đồng. Số hộ tham gia là hộ không nghèo, họ là chủ cơ sở hoặc tổ trưởng tổ/nhóm hợp tác để điều hành sản xuất, quản lý tạo việc làm đi vào ổn định và bền vững hơn. Hiện nay, các mô hình đã được nhân rộng, chuyển giao cho hơn 306 hộ khác có cùng điều kiện sản xuất, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo được ưu tiên để chuyển giao. Đã có 56 hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo bền vững nhờ tham gia mô hình này, chiếm 45,9% hộ nghèo và cận nghèo tham gia dự án.

Quỹ hợp tác công - tư (PPP), phối hợp triển khai 4 dự án hợp tác công - tư: Công ty TNHH MTV may mặc Tân An, với tổng kinh phí 3,288 tỷ đồng, trong đó vốn Dự án AMD là 822,4 triệu đồng, vốn đối ứng của doanh nghiệp là 2,465 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 255 lao động, có thu nhập từ 4,5 - 6 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, có 260 hộ tham gia liên kết cung ứng sản phẩm đầu vào và đầu ra cho Công ty TNHH MTV đất sạch Phú Hưng Thịnh, Công ty TNHH SX TMDV Việt Tâm và Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Chánh.

Tính bền vững của dự án

Từ tác động của dự án đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của địa phương từ năm 2015 đến nay là 16,85% (năm 2015 có 919 hộ nghèo, tỷ lệ 32,03%, đến nay còn 456 hộ, chiếm 15,18%). Thu nhập  bình quân đầu người tăng lên, năm 2014 là 19,5 triệu đồng/năm, đến năm 2020 là 35 triệu đồng/năm.

Trong thời gian tới, tập trung đầu tư nhiều mô hình đa dạng sinh kế trong điều kiện chịu ảnh hưởng của BĐKH để kịp thời nhân rộng và giới thiệu cho cộng đồng bằng các chương trình/dự án khác trên địa bàn xã. Tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả trong điều kiện ảnh hưởng của BĐKH đã qua kiểm chứng để nhân rộng cho các ấp khác có cùng điều kiện. Khi đầu tư sản xuất, các mô hình phải có liên kết, sản xuất theo nhu cầu của doanh nghiệp, tránh trường hợp được mùa rớt giá vì thiếu liên kết đầu ra.

Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thực hiện theo chuỗi giá trị, tiếp tục đầu tư nâng cấp theo chuỗi hiện có, gắn liền với kết nối thị trường đầu ra trên địa bàn xã. Đầu tư các công trình hạ tầng nông thôn phục vụ phát triển chuỗi giá trị; ứng phó với BĐKH; phục vụ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, sử dụng điện tiết kiệm; công trình giúp tiết kiệm nước thông minh trong sản xuất nông nghiệp.

Bài, ảnh: Thu Huyền

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN