Chuyển đổi cơ cấu sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu

08/07/2019 - 06:50

BDK - Thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu - BĐKH (Nghị quyết số 120), các ngành, các cấp trong tỉnh đã tập trung cụ thể hóa, triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ nhằm đưa nghị quyết đi vào cuộc sống. Qua hơn 1 năm thực hiện, việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH đạt kết quả bước đầu.

Mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ tôm thích ứng với BĐKH tại huyện Thạnh Phú mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Mô hình 1 vụ lúa, 1 vụ tôm thích ứng với BĐKH tại huyện Thạnh Phú mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Chuyển đổi theo hướng nâng cao giá trị

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bùi Văn Lâm cho biết, thực hiện Nghị quyết số 120, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch cấp nước, quy hoạch nuôi trồng thủy sản, quy hoạch sử dụng đất trong tích hợp cùng quy hoạch của tỉnh. Ngành cũng đã sắp xếp, triển khai quy hoạch ở 3 vùng sinh thái gồm: mặn, lợ, ngọt. Hiện diện tích canh tác lúa giảm 10.000ha để chuyển sang nuôi thủy sản ở vùng mặn, trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; giảm nhanh diện tích trồng mía từ 2.100ha (năm 2015) xuống còn gần 700ha; tăng diện tích dừa từ 68.000ha lên 72.000ha; tăng diện tích cây ăn trái từ 27.000ha lên hơn 28.000ha. Qua đó, giúp sản xuất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Tại nhiều vùng, người dân đã chủ động chuyển đổi nhằm thích ứng với BĐKH, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Gia đình ông Nguyễn Văn Liềm, ngụ Ấp 1, xã Hưng Nhượng (Giồng Trôm) đã chuyển 3 công đất trồng lúa sang trồng dừa sau đợt hạn, mặn cuối năm 2016. Hiện tại, dừa chuẩn bị cho trái và phát triển khá tốt. Ngoài ra, ông còn tận dụng diện tích trống để trồng chanh, hoa màu nhằm tăng thêm thu nhập.

Hiện tại, nhiều địa phương ở huyện Giồng Trôm như: Hưng Nhượng, Châu Bình, Tân Thanh… cũng có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá lớn. Tại Châu Bình, diện tích lúa chỉ còn 185ha, giảm hơn 70ha so với năm trước. Hầu hết diện tích được chuyển đổi sang trồng màu, cây ăn trái, dừa kết hợp cỏ để chăn nuôi. Bà Đinh Thị Thanh Nhanh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Trong thời gian qua, huyện có sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất lớn. Nếu như 5 năm trước, huyện có khoảng 4.500ha lúa thì hiện nay giảm còn 2.200ha. Các loại cây trồng được chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa là dừa, bưởi da xanh, chanh, hoa màu...”.

Ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề, trực tiếp của BĐKH. Bằng chứng là năm 2016, khi nước mặn xâm nhập đã làm lúa chết trên 10.000ha; làm chết, ảnh hưởng hàng ngàn héc-ta cây ăn trái, hoa màu và kéo dài đến các năm sau vì nước mặn ngấm vào đất. Thực hiện Nghị quyết số 120, tỉnh tập trung cho các dự án quản lý nguồn nước, thủy lợi, cống phục vụ tái cơ cấu, phát triển kinh tế bền vững. Trong đó, nước mặn được xem là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế. Thủy sản được ưu tiên hàng đầu, kế đến là cây ăn trái, lúa. Hiện tại, các mô hình đầu tư khoa học công nghệ để nuôi tôm 2 giai đoạn mang lại hiệu quả cao với năng suất từ 150 - 180 tấn/ha; mô hình lúa, tôm tại vùng nước mặn cũng mang lại hiệu quả, được nhân rộng và đang được khuyến khích sản xuất để tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.

Đầu tư các công trình thủy lợi

Trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung đầu tư các dự án từ vốn hỗ trợ của Trung ương, vốn ODA như: thích ứng BĐKH vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre (vốn IFAD); hệ thống thủy lợi Bắc Bến Tre, hệ thống thủy lợi Nam Bến Tre; Dự án quản lý nước tỉnh Bến Tre (JICA3); Dự án cung cấp nước cho dân cư khu vực cù lao Minh trong điều kiện BĐKH và nước biển dâng; các dự án xử lý sạt lở cấp bách bờ sông, bờ biển Bến Tre... Tổng vốn đầu tư, xây dựng các dự án này hàng ngàn tỷ đồng đang được triển khai, xây dựng sẽ giúp người dân ứng phó và thích ứng với BĐKH.

Trong đó, dự án kè giảm sóng bảo vệ bờ biển Cồn Bửng (Thạnh Phú) với tổng mức đầu tư hơn 63 tỷ đồng, nhằm bảo vệ khu di tích Đoàn tàu không số, bảo vệ đất đai, ổn định sản xuất cho nhân dân tại xã Thạnh Phong và Thạnh Hải. Công trình đang chuẩn bị triển khai xây dựng nhằm khắc phục tình trạng sạt lở nghiêm trọng tại khu vực này trong thời gian qua. Theo thống kê, từ năm 2013 đến nay, sạt lở bờ biển xã Thạnh Hải đã đã xóa sổ 110ha đất sản xuất của người dân. Trong đó, khu vực bị ảnh hưởng trực tiếp khoảng 9,5km với 97 hộ dân đang sinh sống. Nhiều hộ dân bị mất đất, mất nhà do sạt lở bờ biển gây ra.

Chủ tịch UBND huyện Thạnh Phú Đào Công Thương cho biết: Hiện tại trên địa bàn huyện có 33km đê bao dọc sông Cổ Chiên và Hàm Luông, với 10 cống lớn, nhỏ phục vụ trữ ngọt, ngăn mặn cho 9 xã của tiểu vùng 1 để trồng dừa và sản xuất lúa. Mặc dù có hệ thống đê bao nhưng hàng năm nước mặn vẫn từ huyện Mỏ Cày Nam theo sông Cái Quao chảy ngược về huyện Thạnh Phú. Khi đó, một số vùng lại bị ảnh hưởng bởi nước mặn xâm nhập. Sắp tới, khi thực hiện Dự án quản lý nước Bến Tre (kinh phí hơn 6.000 tỷ đồng); Dự án thủy lợi Nam Bến Tre (giai đoạn 1, kinh phí 162,5 tỷ đồng) sẽ giúp khép kín hoàn toàn. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Mới đây, trong buổi làm việc về tình hình thực hiện Nghị quyết số 120 tại tỉnh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đánh giá cao việc chủ động thực hiện Nghị quyết số 120 của tỉnh. Đồng thời lưu ý một số vấn đề như: quy hoạch và phát triển phải có tính chủ động cao hơn; biến thách thức thành cơ hội với nguồn nước mặn, lợ, ngọt đều là tài nguyên; quan tâm đến hệ thống thủy lợi bằng việc bám vào quy hoạch theo ưu tiên về phát triển thủy sản, cây ăn trái, lúa; tập trung công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các công trình đạt tiến độ để người dân hưởng lợi nhiều hơn và không đội vốn đầu tư; phải tính toán đưa công nghệ mới, rẻ vào sử dụng cho phù hợp với thực tiễn, giảm chi phí đầu tư...

Bài, ảnh: Hoàng Mai

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN