Chuyển đổi số nông nghiệp làm “trụ đỡ” cho nền kinh tế

20/09/2021 - 06:12

BDK - Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ngày càng nhiều đơn vị đã tiếp cận và sử dụng công nghệ số (CNS) trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp… Một số doanh nghiệp (DN) lớn đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. “Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 749/QĐ-TTg nêu rõ, nông nghiệp (NN) là một trong những ngành, lĩnh vực cần ưu tiên CĐS trước.

Đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số nông nghiệp. Ảnh: Thanh Đồng

Đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số nông nghiệp. Ảnh: Thanh Đồng

Xu thế tất yếu

Phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn quốc tế CĐS NN năm 2021, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, NN Việt Nam hiện đứng trước 3 thách thức là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến đổi xu thế tiêu dùng trên thế giới.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết: “Chúng ta đang sống trong nền kinh tế xanh. Ở châu Âu đã đưa ra tiêu chí tiêu dùng xanh, sản phẩm sản xuất không ảnh hưởng đến hệ sinh thái, không ảnh hưởng đến môi trường. Vì vậy, nền NN phải thay đổi. Đây là thách thức lớn vì nhiều năm chúng ta đi theo câu chuyện sản xuất rồi mang đi bán. Hiện mỗi thị trường đòi hỏi khác nhau, về an toàn vệ sinh thực phẩm, thị trường năm sau khác năm trước, đòi hỏi cập nhật, thay đổi liên tục. Tuy nhiên, thách thức cũng là thời cơ. Chúng ta chuyển đổi để hòa nhập với thế giới, đi sau cũng có dư địa lớn để phát triển. Chúng ta đang chuyển từ giai đoạn sản xuất NN là chính sang kinh tế NN dựa trên khoa học công nghệ và CĐS”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cũng có nhận xét: “NN là lĩnh vực chiếm 14% GDP Việt Nam, chiếm gần 40% lực lượng lao động. Ngành NN đã phát triển vượt bậc, trở thành trụ đỡ của nền kinh tế. Tuy nhiên, thách thức hiện nay là làm sao để nâng cao hiệu quả, hiệu năng và thu nhập cho người nông dân”.

Mục tiêu được đặt ra là người nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. CĐS nhằm phát triển NN số chính là một trong những chìa khóa để thực hiện thành công mục tiêu này. Đại dịch Covid-19 đã chứng minh tính cấp thiết, hiệu quả và xu thế tất yếu của CĐS để phát triển các lĩnh vực kinh tế - xã hội nói chung và ngành NN nói riêng.

Chương trình CĐS quốc gia đã xác định rõ những định hướng trong CĐS NN. Theo đó, phát triển NN công nghệ cao theo hướng chú trọng NN thông minh, NN chính xác, tăng tỷ trọng của NN CNS trong nền kinh tế. Thực hiện CĐS trong NN phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Ứng dụng CNS để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh. Thực hiện CĐS mạnh mẽ trong công tác quản lý để có các chính sách, điều hành kịp thời phát triển NN như dự báo, cảnh báo thị trường, quản lý quy hoạch.

Các vấn đề cần quan tâm

Công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển NN thời kỳ mới, gắn liền với việc mở rộng thị trường và sản xuất, mở ra cơ hội hỗ trợ phát triển cho các DN NN, mở rộng nguồn khách hàng và mạng lưới đối tác, tạo hệ sinh thái công nghệ NN đa dạng, thúc đẩy, thử nghiệm các mô hình mới.

Tuy nhiên, để chuẩn bị tốt cho quá tình CĐS cần hoàn thiện hệ sinh thái NN số, trong đó vị trí đầu tiên trong hệ sinh thái là người nông dân. Theo PGS.TS. Trần Đăng Xuân - Trường đại học Hiroshima (Nhật Bản), 70% sản phẩm nông sản hiện nay đến từ hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ, vì vậy cần lấy hộ nông dân sản xuất nhỏ là trung tâm. Thực tế cho thấy, đa số người nông dân ở nước ta sản xuất NN với quy mô hộ gia đình, cùng với trình độ còn hạn chế và thói quen, hành vi canh tác truyền thống. Một bộ phận chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật nên gặp khó khăn trong việc ứng dụng CNS. Quy mô sản xuất nhỏ nên việc gắn kết với DN thu mua, chế biến, tiêu thụ nông sản còn nhiều bất cập. Việc thu thập dữ liệu đầu vào (môi trường) để làm cơ sở cho phân tích, đánh giá, dự báo, khuyến nghị trong ngành NN, chính sách hỗ trợ người nông dân trong gia tăng cơ chế số hóa, áp dụng CNS còn nhiều hạn chế.

CĐS NN còn ở khía cạnh giúp người nông dân tiêu thụ nông sản được giá hơn bằng việc đẩy mạnh hoạt động bán nông sản trên các sàn thương mại điện tử. Để tiếp cận với nguồn thông tin về dự báo, môi trường, thị trường… đòi hỏi người nông dân phải được trang bị thiết bị và được tiếp cận với CNS. Bên cạnh đó, còn chú trọng đến truy xuất nguồn gốc để giá trị của nông sản từng địa phương không bị làm giả.

Chuyển đổi số nông nghiệp tỉnh

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU và Đề án CĐS tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Sở NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch số 1150/KH-SNN với mục tiêu tổng quát là “số hóa dữ liệu tiến đến CĐS toàn diện trong NN, nhằm nâng cao năng lực trong quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh NN của DN, người dân. Đồng thời, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và bảo vệ môi trường trong sản xuất NN”.

Giao diện website OCOP Bến Tre. Ảnh: Thanh Đồng

Giao diện website OCOP Bến Tre. Ảnh: Thanh Đồng

CĐS trong NN được xác định yếu tố quan trọng là phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Do đó, cần chú trọng xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn (Big Data) của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản; thiết lập mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động NN. Đồng thời, thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai... để nông dân biết, tìm cách nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng; hỗ trợ chia sẻ các thiết bị NN qua các nền tảng số.

Ứng dụng CNS để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Nhất là thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi hợp tác xã là một DN ứng dụng CNS”. Với mục tiêu mỗi người nông dân được định hướng đào tạo ứng dụng CNS trong sản xuất, cung cấp, phân cấp, dự báo (giá, thời vụ...) nông sản, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong NN.

Triển khai thực hiện nâng cấp website OCOP để tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP; hoàn thiện và đưa vào sử dụng phần mềm chương trình OCOP để nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh. Xây dựng một nền tảng phần mềm sẵn sàng kết nối dữ liệu với các hệ thống CĐS trong tương lai, đặc biệt là chính phủ số.

Triển khai phần mềm quản lý NN số, giúp quản lý về địa lý, bản đồ chuyên đề về NN, quản lý rừng, thủy lợi, môi trường nước trong trồng trọt và thủy sản, quản lý tình hình diễn biến sâu, bệnh hại cũng như quản lý khai thác của các tàu cá. Cụ thể, triển khai được phần mềm quản lý và phát triển kinh tế NN số, nhằm giúp quản lý chuỗi cung ứng vật tư đầu vào đầu ra cho ngành NN, gồm: quản lý việc đăng ký, thông tin của các hợp tác xã, DN thu mua, chế biến và phân phối các sản phẩm NN; thu thập, quản lý và khai thác thông tin nhu cầu, xu hướng và giá cả thị trường nông sản; quản lý an toàn chất lượng sản phẩm NN và truy xuất nguồn gốc nông sản.

Xây dựng các mô hình triển khai thí điểm đến các thiết bị giám sát mặt đất. Đối với trồng trọt và canh tác NN, theo dõi chất lượng nước mặt, diễn biến xâm nhập mặn, dự báo và cảnh báo trên diện rộng, dữ liệu cập nhật liên tục 15 phút/lần thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.

Xây dựng được mạng lưới giám sát tình hình sâu, bệnh hại và thiên địch trên cây trồng. Xây dựng được bản đồ sâu bệnh hại, thiên địch đặc trưng cho từng loại cây trồng, dựa vào tình hình diễn biến sâu, bệnh hại có thể dự báo và đưa ra các khuyến cáo về thời điểm xuống giống, thời điểm phun xịt và số lượng thuốc bảo vệ thực vật tránh lãng phí, ô nhiễm môi trường.

Các mô hình cánh đồng, vườn rau màu, cây ăn trái, nuôi thủy sản, áp dụng các thiết bị thông minh 4.0 để theo dõi dinh dưỡng đất, thông số nhiệt độ, độ ẩm, chất lượng nước, nhằm có thể tối ưu được năng suất, phát hiện sớm tình hình nước ô nhiễm trong quá trình sản xuất.

Kết hợp dữ liệu viễn thám và thiết bị giám sát hành trình, giúp theo dõi trong các trường hợp khẩn cấp, đặc biệt là trong lâm nghiệp rừng phòng hộ và đặc dụng. Kết hợp các thiết bị giám sát hành trình quản lý quá trình di chuyển và đánh bắt của tàu cá.

Ứng dụng trên điện thoại di động sử dụng công nghệ Internet of things (IoT), ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) giúp đơn giản hóa việc thu thập dữ liệu canh tác thông qua chụp ảnh và quét mã vạch, dữ liệu canh tác tự động đưa về hệ thống quản lý trung tâm.

Tại Diễn đàn Quốc tế chuyển đổi số nông nghiệp vừa qua, ông Kohei Sakata - Giám đốc Bộ phận nông nghiệp kỹ thuật số khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Bayer đã giới thiệu một số sáng kiến liên quan đến nông nghiệp số đang được ứng dụng trong nước. Đó là ứng dụng MyAgrolink đã có mặt ở Việt Nam giúp kết nối nông dân với các nhà cung cấp dịch vụ nông nghiệp uy tín. Qua đó, nông dân có thể chủ động tích lũy điểm thưởng và lựa chọn những phần thưởng. Ngược lại, nhà cung cấp dịch vụ hoặc các nhà sản xuất sản phẩm tham gia nền tảng này có thể có nhiều cơ hội hơn để bán hàng, tạo niềm tin và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Chỉ với một chiếc điện thoại di động có kết nối mạng, các nông hộ nhỏ có thể tiếp cận, chia sẻ thông tin chi tiết với những nông dân khác ở gần hay xa dễ dàng hơn. Nếu người nông dân gặp vấn đề có thể liên hệ trực tiếp với chuyên gia kỹ thuật thông qua ứng dụng di động này để nhanh chóng nhận được câu trả lời họ cần, bất kể khoảng cách.

Hoặc ứng dụng Airfarm là nền tảng canh tác kỹ thuật số giúp kết nối chuỗi giá trị nông nghiệp. Nền tảng này giúp nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp cải thiện chất lượng cây trồng thông qua ứng dụng canh tác tiên tiến như dịch vụ phun thuốc bằng máy bay không người lái hay phân tích và dự đoán. Airfarm cũng cung cấp nhiều dịch vụ như đào tạo trực tuyến, phần mềm quản lý trang trại, ứng dụng phun làm dịch vụ, tư vấn kỹ thuật số và thị trường.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN