Chuyển đổi số trong báo chí

23/06/2021 - 06:32

BDK - Chuyển đổi số (CĐS) là chủ đề được đề cập đến nhiều trong thời gian này. Cùng với những ngành nghề được tập trung CĐS, ở góc độ là “người đồng hành” với dòng chủ lưu thời sự và xã hội, báo chí càng không thể đứng ngoài cuộc. Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng, báo chí - truyền thông, ngoài vai trò tạo ra niềm tin, khát vọng, khơi dậy tinh thần nội lực dân tộc, góp phần tạo nên sự thành công của quá trình CĐS quốc gia thì tự thân cũng là một đối tượng phải tiến hành quá trình CĐS của chính mình.

Bộ phận báo điện tử của Báo Đồng Khởi được đầu tư trang thiết bị và ứng dụng công nghệ hiện đại. Ảnh: Thanh Đồng

Bộ phận báo điện tử của Báo Đồng Khởi được đầu tư trang thiết bị và ứng dụng công nghệ hiện đại. Ảnh: Thanh Đồng

Những vấn đề cần quan tâm

Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã mở ra vô vàn thời cơ cũng như thách thức đối với báo chí Việt Nam nói chung và Bến Tre nói riêng. Trong bối cảnh hiện nay, khi cả thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí cùng với mọi ngành nghề trong xã hội đều có những bước chuyển mình để phù hợp với thời đại. Đó là thời đại của công nghệ số, mạng xã hội, điện toán đám mây, di động… 

Trong lĩnh vực báo chí, CĐS là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, tác nghiệp, sản xuất, xuất bản, phân phối nội dung và kinh doanh..., nhằm tối ưu hóa mô hình hoạt động của các cơ quan báo chí; tạo ra những sản phẩm, cơ hội, doanh thu và các giá trị mới.  

Theo các chuyên gia báo chí, giữa môi trường truyền thông mở, đội ngũ phóng viên báo chí được thỏa sức sáng tạo ra những sản phẩm báo chí - truyền thông mới, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung. Những sản phẩm báo chí đa phương tiện ra đời là những tác phẩm gồm: cả chữ viết, ảnh (ảnh động, ảnh tĩnh, ảnh minh họa), video, file âm thanh, các yếu tố đồ họa (Infographic, bảng biểu) và các chương trình tương tác. Những thay đổi lớn trong cách tiếp nhận thông tin của độc giả buộc báo chí phải thay đổi để đáp ứng.

Trong bài “Yêu cầu đặt ra với báo chí trong bối cảnh CĐS” tại Tạp chí Tuyên giáo, GS.TS. Đinh Xuân Dũng viết: “Những điều cần quan tâm trong CĐS báo chí là sự đổi mới trong cơ cấu tổ chức, quy trình hoạt động của cơ quan báo chí. Báo chí cần tận dụng quá trình số hóa để có những sản phẩm báo chí chất lượng, với độ tin cậy cao, tiện ích cho độc giả trong tiếp cận, sử dụng, lan tỏa thông tin và chiếm thế thượng phong trên không gian thực và không gian mạng, trở thành dòng thông tin chủ lưu quan trọng nhất trong đời sống xã hội. Người làm báo cần đặc biệt quan tâm đến nhu cầu, tâm lý, thói quen của người đọc. Mỗi tờ báo hướng tới phục vụ tốt nhất đối tượng công chúng đích, chuyên biệt của mình, phù hợp với tôn chỉ, mục đích. Sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao. Sản xuất báo chí dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng”.

Để làm được điều đó phải thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, xây dựng đội ngũ bản lĩnh tốt, tinh thông nghiệp vụ, có tính nhân văn, sâu sát cơ sở, gắn bó với nhân dân... Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, báo chí cần phát huy hiệu quả những công trình đã được đầu tư hiện đại, phát huy hiệu quả tốt hơn. “Bởi dù hiện đại đến mấy về công nghệ, để thực hiện được sứ mệnh của báo chí trước các vấn đề cấp bách của xã hội, yếu tố quan trọng hơn cả, mang tính quyết định chính là con người”, GS.TS. Đinh Xuân Dũng viết.

Nền tảng hỗ trợ

Theo nhận định của Bộ TT&TT, 3 vấn đề lớn đối với hoạt động CĐS của các cơ quan báo chí hiện nay là: nguy cơ hứng chịu các cuộc tấn công mạng quy mô lớn; bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội, đôi khi còn bị dẫn dắt bởi tin tức giả mạo, thiếu kiểm chứng… trong khi việc xác minh các nguồn tin cũng như xác định các trào lưu trên không gian mạng rất khó khăn, thậm chí là bất khả thi nếu không có các công cụ thích hợp.

Đầu năm 2021, Bộ TT&TT đã công bố 3 nền tảng hỗ trợ các cơ quan báo chí CĐS, gồm: nền tảng quản lý tòa soạn điện tử; nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội; nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin.

Với nền tảng quản lý tòa soạn điện tử sẽ cho phép xây dựng tòa soạn hội tụ công nghệ hiện đại, đưa toàn bộ nghiệp vụ báo chí lên môi trường số, gồm: các hoạt động quản lý quy trình xuất bản, quản trị nội bộ của tòa soạn, hoạt động tương tác 2 chiều với bạn đọc, đo lường số lượng người đọc, ứng dụng công nghệ, trình bày nội dung và sẵn sàng cho mô hình thu phí của báo điện tử trong một tương lai gần. Bộ TT&TT đã đánh giá, lựa chọn ra nền tảng quản lý tòa soạn điện tử tốt trên thị trường, đưa ra chính sách miễn phí năm đầu tiên cho tất cả module cơ bản, toàn bộ dịch vụ hạ tầng, gồm: máy chủ, đường truyền và phân phối nội dung trên toàn quốc.

Nền tảng phân tích thông tin, dư luận trên mạng xã hội sẽ giúp các cơ quan báo chí nắm bắt kịp thời thông tin, dư luận xã hội. Nhờ đó, nhận biết được nhu cầu thông tin, có tin, bài đáp ứng đúng mong muốn của người đọc, đúng thời điểm người đọc cần. Mỗi cơ quan báo chí sẽ được Bộ TT&TT cung cấp một tài khoản để khai thác nền tảng phân tích thông tin này.

Nền tảng hỗ trợ phòng chống tấn công và ứng cứu khẩn cấp cho hệ thống thông tin của các cơ quan báo chí, nhằm tạo lá chắn, bảo vệ hoạt động trên môi trường số cho cơ quan báo chí. Bộ TT&TT sẽ hỗ trợ các cơ quan báo chí giám sát từ xa, cảnh báo sớm các nguy cơ mất an toàn thông tin cho các hệ thống. Khi các cơ quan báo chí gặp sự cố nghiêm trọng, thông qua hệ thống điều phối và ứng cứu khẩn cấp, Bộ TT&TT sẽ triển khai các biện pháp công nghệ, bố trí nguồn lực cho mạng lưới hỗ trợ cơ quan báo chí để giải quyết, khắc phục sự cố kịp thời.

Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu trong năm 2021, tỷ lệ chuyển đổi số cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình hoạt động theo mô hình tòa soạn hội tụ, cơ quan truyền thông đa phương tiện đạt 75%, năm 2025 đạt 90%.

Thanh Đồng - Phan Hân - Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích