Chuyển đổi số trong chăm sóc sức khỏe người dân

02/08/2021 - 06:15

BDK - Chuyển đổi số (CĐS) y tế được hiểu là ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) một cách tổng thể và toàn diện. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số (CNS) hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực, toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe. Ngày 9-6-2021, UBND tỉnh có Quyết định số 1283 ban hành chương trình CĐS ngành y tế Bến Tre giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là chương trình được xác định là rất cần thiết để nhanh chóng ứng dụng CNS, công nghệ thông minh trong hoạt động của ngành theo hướng hiện đại, thông minh.

Ứng dụng công nghệ số trong các cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: CTV

Ứng dụng công nghệ số trong các cuộc họp trực tuyến về công tác phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: CTV

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin

Thời gian qua, ngành y tế đã đẩy mạnh và có bước phát triển đột phá trong ứng dụng CNTT, tiếp cận các CNS như vạn vật y tế kết nối, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn...

Nền tảng kỹ thuật CNTT ngành y tế Bến Tre, hạ tầng tại Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị trực thuộc chỉ đạt từ mức 2 đến mức 3 theo Thông tư số 54 của Bộ Y tế, cơ bản đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT ở quy mô nhỏ. 100% máy tính tại Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị trực thuộc có sử dụng Internet dưới phương thức tự thuê bao dịch vụ của các công ty viễn thông trên địa bàn tỉnh. 100% máy tính tại Sở Y tế và các cơ quan, đơn vị trực thuộc có mạng nội bộ và kết nối mạng không dây.

Sở Y tế đã triển khai hệ thống quản lý văn bản điều hành của Bộ Y tế và VNPT-iOffice đến 100% các cơ quan, đơn vị trực thuộc đảm bảo tiến độ xử lý công việc nhanh, hiệu quả, giảm xử lý công việc bằng văn bản giấy. Đến nay, 100% thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của Bộ Y tế được triển khai qua Cổng dịch vụ công Bộ Y tế.

Một số kết quả ứng dụng CNTT y tế nổi bật như: đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh (KCB): 100% các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành phố, trạm y tế xã, phường, thị trấn đã triển khai phần mềm HIS (Hệ thống thông tin bệnh viện). Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh với cơ quan Bảo hiểm Xã hội. Đảm bảo công khai minh bạch, người tham gia bảo hiểm y tế được bảo đảm quyền lợi hợp pháp khi đi KCB. Hiện có 3 bệnh viện triển khai hệ thống tư vấn KCB từ xa (Tele-Health) là Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cù Lao Minh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ba Tri.

Hiện tại, Sở Y tế đã có toàn bộ dữ liệu dân cư Bến Tre do Bộ Y tế cung cấp, gồm: dữ liệu về người dân, hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế bao gồm thông tin về định danh cá nhân (họ tên, ngày sinh, giới tính, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số định danh, quốc tịch, tôn giáo), nơi khai sinh, địa chỉ cư trú, địa chỉ liên hệ, số điện thoại, mã hộ gia đình, quan hệ với chủ hộ, đã hoặc chưa tham gia BHYT, mã thẻ bảo hiểm, loại bảo hiểm. Đồng thời, đã được Cục CNTT thuộc Bộ Y tế hướng dẫn kết nối cổng tiêm chủng quốc gia để trích xuất dữ liệu tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử. 

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT tại y tế cơ sở, xây dựng phần mềm quản lý trạm y tế xã. Tổ chức triển khai hệ thống phần mềm thống kê y tế điện tử trên địa bàn toàn tỉnh. Nhất là ứng dụng CNTT hỗ trợ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 như đã triển khai các phần mềm khai báo y tế tự nguyện (NCOVI), khai báo y tế bắt buộc cho người nhập cảnh (Vietnam Health Declaration), Bluezone, Bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19…

Hiện 100% bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế huyện, thành phố có chức năng KCB đã thực hiện triển khai hóa đơn điện tử. 6/16 bệnh viện tuyến tỉnh và trung tâm y tế huyện, thành phố đã triển khai thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt. Sở Y tế đã triển khai hệ thống liên thông Dược Quốc gia (Bộ Y tế) từ năm 2019. Đến ngày 30-12-2020, toàn tỉnh có 751/1.531 cơ sở dược thực hiện kết nối dữ liệu, đạt tỷ lệ 49,05%.

Các mục tiêu trong chuyển đổi số y tế

Tiếp nối những thành công đó, CĐS trong lĩnh vực y tế tại tỉnh bao gồm các mục tiêu chính như: tăng cường ứng dụng CNTT trong công tác quản lý y tế. Triển khai hệ thống văn phòng điện tử, xây dựng nền quản trị y tế thông minh. Xây dựng và sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh (Apps), cho phép trao đổi thoại, hình ảnh, hội họp giữa nhiều người trên các thiết bị đầu cuối thông minh. Đồng thời, qua các ứng dụng có thể trao đổi, lưu trữ, chia sẻ các tệp tin chuyên môn giữa các bác sĩ trong khi hội họp. Ứng dụng cũng cho phép người dùng có thể đọc tin tức, đặt lịch hẹn khám, xét nghiệm, hỏi đáp, tìm hiểu lịch sử KCB... Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin quản lý các cơ sở y tế, triển khai trên hệ thống bản đồ số, hỗ trợ người dân tìm kiếm các cơ sở y tế phù hợp được thuận lợi, dễ dàng.

Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các CNS; ứng dụng CNS toàn diện tại các cơ sở KCB, góp phần cải cách hành chính, giảm tải bệnh viện, nâng cao chất lượng KCB, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí, hình thành các bệnh viện thông minh; xây dựng nền tảng quản trị y tế thông minh dựa trên CNS, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.

Thử nghiệm triển khai sáng kiến “Mỗi người dân có một bác sĩ riêng”, với mục tiêu mỗi người dân có một hồ sơ số về sức khỏe cá nhân. Trên cơ sở đó, từng người dân được bác sĩ tư vấn, chăm sóc khỏe như là bác sĩ riêng; hình thành hệ thống chăm sóc y tế số hoàn chỉnh; tạo hành lang pháp lý để tạo điều kiện cho KCB từ xa và đơn thuốc điện tử cho người dân, nhằm bảo đảm người dân có thể tiếp xúc với bác sĩ nhanh, hiệu quả, giảm chi phí và thời gian vận chuyển bệnh nhân.

Cán bộ y tế Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu thực hiện khai báo y tế bằng ứng dụng phần mềm. Ảnh: Phan Hân

Cán bộ y tế Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu thực hiện khai báo y tế bằng ứng dụng phần mềm. Ảnh: Phan Hân

Theo Đề án CĐS của tỉnh, đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% dữ liệu KCB có thể chia sẻ giữa các cơ sở y tế của tỉnh; có đảm bảo tính riêng tư, bảo mật nhưng tránh lãng phí chi phí của người dân đến khám, người bệnh. Thúc đẩy dịch vụ KCB từ xa (Tele-Medicine) bằng cách chuẩn hóa, pháp lý hóa một số lĩnh vực cụ thể trong y tế có thể thay thế cách KCB truyền thống bằng việc KCB từ xa, nhằm nâng cao chất lượng và số lượng người được tiếp cận với hệ thống y tế, chăm sóc sức khỏe của tỉnh. Việc phát triển nền tảng hỗ trợ KCB từ xa phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai đồng bộ với nền tảng kết nối các cơ sở KCB trên cả nước.

Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức và người lao động của ngành y tế sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng trong công việc. Nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT, bảo đảm an toàn, bảo mật trong quá trình vận hành, khai thác hạ tầng, ứng dụng trong công việc của cán bộ, công chức ngành y tế trong việc xử lý các công việc hàng ngày.

Triển khai dự án Xây dựng hệ thống quản lý y tế thông minh tỉnh để cải tiến phương thức quản lý hệ thống y tế tỉnh, lấy người bệnh làm trung tâm; giúp cho nhân viên y tế và người bệnh dễ dàng truy cập thông tin y tế, giảm thiểu tai biến y khoa trong cung cấp dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số

Một số lĩnh vực cần ưu tiên CĐS trong ngành y tế được xác định trong kế hoạch là: CĐS trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh, góp phần thực hiện thành công chương trình sức khỏe Việt Nam và CĐS trong bệnh viện. Trong hệ thống các bệnh viện ưu tiên cho các nội dung như: triển khai hệ thống phần mềm HIS, LIS, RIS/PACS, EMR tuân thủ các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế bảo đảm khả năng kết nối liên thông, chia sẻ, tích hợp dữ liệu. Đồng thời, bảo đảm khả năng kết nối liên thông với tất cả các trang thiết bị hiện có trong cơ sở KCB (máy xét nghiệm, máy chẩn đoán hình ảnh, các màn hình tương tác, các thiết bị cầm tay cá nhân…) trên mạng, nhằm nâng cao khả năng tự động hóa. Đồng bộ mã số định danh y tế (ID), sử dụng mã số bảo hiểm xã hội của người dân để xây dựng ID y tế và triển khai thực hiện trên toàn quốc.

Triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở KCB theo lộ trình, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt. Triển khai tư vấn KCB từ xa và đăng ký KCB trực tuyến tại các cơ sở KCB…

Triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong KCB từ Bộ Y tế, ưu tiên một số lĩnh vực sau: kết nối các thiết bị liên quan đến chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý vạn vật y tế kết nối (Internet of Medical Things - IoMT) làm nền tảng xây dựng các hệ thống chuyên gia hỗ trợ ra quyết định lâm sàng. Phát triển hệ thống hỗ trợ ra quyết định lâm sàng kết hợp chặt chẽ và thực hiện tức thời (Real-Time) cùng với hồ sơ sức khỏe điện tử; hỗ trợ chẩn đoán hình ảnh; hỗ trợ phẫu thuật; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các chuyên ngành sâu như chẩn đoán hình ảnh, tim mạch, hô hấp, xương khớp, ung thư, sản nhi…

Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động, dẫn đến thay đổi tích cực các hoạt động của ngành y tế theo 3 nhóm nội dung chính:

Thứ nhất, tác động đến cách thức lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế, hướng đến cách thức lãnh đạo, quản lý công việc và ra quyết định chính xác, kịp thời, hiệu quả dựa trên nền tảng công nghệ số.

Thứ hai, tác động trực tiếp đến việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế từ phương thức truyền thống sang phương thức dựa trên nền tảng công nghệ số, góp phần đẩy mạnh việc cung cấp và tiếp cận dịch vụ y tế nhanh chóng, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi.

Thứ ba, tác động tới cách thức làm việc, giao tiếp của đội ngũ cán bộ, thầy thuốc và người lao động trong ngành y tế; chuyển đổi phương thức làm việc từ môi trường truyền thống sang môi trường số, hình thành “người thầy thuốc số”.

Thanh Đồng (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN