
Một tiết dạy học sử dụng màn hình tương tác thông minh tại Trường Tiểu học Phước Long 2, huyện Giồng Trôm. Ảnh: D. Hiền
Từng bước chuyển đổi số
Trưởng phòng GD&ĐT huyện Trần Thị Ngọc Trinh cho biết: Mục tiêu trước mắt, phấn đấu từ nay đến năm 2025, hệ thống thông tin điều hành, quản lý giáo dục toàn ngành được kết nối thông suốt với các cơ sở giáo dục trực thuộc và cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh. 100% các hoạt động nghiệp vụ được thực hiện trên môi trường số. 70% hồ sơ giấy được cắt giảm. 100% cơ sở giáo dục áp dụng hệ thống quản trị nhà trường dựa trên dữ liệu và công nghệ số.
Hướng đến 100% học sinh tiểu học, THCS trên địa bàn có hồ sơ số về việc học tập cá nhân như: bảng theo dõi kết quả học tập, sổ liên lạc điện tử, học bạ điện tử của trên VnEdu, mã số định danh, bảng tổng hợp kết quả học tập và rèn luyện hàng năm, các thông tin cá nhân và quá trình chuyển đi, chuyển đến của học sinh trên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành... 100% các trường tiểu học và THCS thực hiện hồ sơ tuyển sinh đầu cấp (lớp 1, lớp 6 và lớp 10) trên môi trường mạng. 100% các trường từ mầm non đến THCS thực hiện thu học phí, lệ phí bằng hình thức chuyển khoản, không dùng tiền mặt.
“Ngay trong năm học 2021-2022, 100% trường tiểu học, THCS trên địa bàn xây dựng học bạ điện tử đối với học sinh các khối lớp. Ngay trong tháng 8, 9-2021, khi vừa kết thúc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Phòng GD&ĐT huyện đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lớp tập huấn kỹ năng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học trực tuyến cho cán bộ, giáo viên các cấp học từ tiểu học đến THCS trên địa bàn huyện”, bà Trần Thị Ngọc Trinh cho biết thêm.
Thực hiện sự chỉ đạo của ngành giáo dục, nhiều trường trên địa bàn huyện đã nhanh chóng bắt tay vào thực hiện lộ trình CĐS. Trong đó, Trường THCS thị trấn Giồng Trôm là một trong những đơn vị điển hình. Phó hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Giồng Trôm Võ Duy Thái thông tin: Năm học 2021-2022, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Trường đã chủ động, linh hoạt, thích ứng chuyển sang dạy học trực tuyến. Lúc đầu tổ chức dạy và học trực tuyến gặp rất nhiều khó khăn từ việc học tập của học sinh, đến việc theo dõi, hỗ trợ việc học của phụ huynh. Đa phần giáo viên của trường độ tuổi cao nên việc cập nhật công nghệ thông tin còn một số hạn chế nhất định.
“Với phương châm “Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học”, các thầy, cô giáo và học sinh đã nỗ lực biến khó khăn thành cơ hội, từng bước thay đổi nhận thức trong phụ huynh về CĐS để cùng nhau thiết lập phương thức học tập mới. Ban giám hiệu nhà trường đã chủ động tham mưu lãnh đạo ngành, các cấp chính quyền tăng cường trang thiết bị như: đường truyền Internet, camera, phòng máy tính thực hành, tivi, hệ thống âm thanh, màn hình tương tác..., nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học của trường”, thầy Võ Duy Thái - Phó hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Giồng Trôm chia sẻ.
Kết quả bước đầu
Các trường học trên địa bàn huyện đã hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung ngành GD&ĐT tỉnh, kết nối hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung với các phần mềm nghiệp vụ trong nhà trường. Cụ thể là quản lý học sinh, quản lý sức khỏe, y tế học đường, quản lý nhà trường… Từ đó, liên thông dữ liệu báo cáo lên cơ sở dữ liệu của ngành.
Hiện 100% trường học toàn huyện có ít nhất 1 phòng máy vi tính; 70% lớp học và các phòng bộ môn, thư viện có tivi thông minh hoặc màn hình tương tác thông minh, có hệ thống camera bảo vệ và đường truyền mạng phục vụ kết nối Internet tại các lớp… Các giáo viên đã sử dụng thành thạo văn bản điện tử, học bạ điện tử, sổ theo dõi đánh giá học sinh điện tử, giáo án điện tử. Các bậc phụ huynh quan tâm hơn đến việc ứng dụng công nghệ thông tin để có thể phối hợp tốt với giáo viên và nhà trường.
Ngành GD&ĐT huyện đã và đang tập trung tham mưu khắc phục một số khó khăn như: trang thiết bị ở một số cơ sở giáo dục chưa đồng bộ; việc thiếu giáo viên, nhân viên chuyên trách công nghệ thông tin ở một số trường học, một số học sinh thiếu các thiết bị thông minh phục vụ cho việc học trực tuyến… Đồng thời, tiếp tục tập trung đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực số đối với giáo viên, nhân viên, cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo quản lý, làm việc hiệu quả trên môi trường số. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên phụ trách công nghệ thông tin, trong ngành GD&ĐT, tạo cơ hội tiếp cận giáo dục chất lượng tốt nhất và tiện lợi nhất cho người dân trên địa bàn huyện.
“CĐS trong nhà trường đã góp phần thay đổi mạnh mẽ về phương pháp dạy học, áp dụng công nghệ thông tin vào dạy và học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Trong CĐS, giáo viên là yếu tố có tính quyết định thành công hay không. Vì vậy, yêu cầu mỗi giáo viên cần có kỹ năng sử dụng công nghệ, phải chuyển đổi tư duy để tiếp cận tri thức mới và trở thành nhu cầu tự thân của mỗi người. Mặt khác, tư duy và năng lực quản lý của lãnh đạo nhà trường phải thay đổi, cần trang bị kiến thức và tư duy số để có thể làm chủ công nghệ...”.
(Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trần Thị Ngọc Trinh)
|
Diệu Hiền - Vương Quốc