BDK - Nắm bắt được tầm quan trọng của các chủng nấm vi sinh có tác động tích cực đến việc phòng trừ sâu bệnh, cải tạo đất, tăng sức đề kháng cho cây trồng trước nhiều dịch bệnh nguy hiểm, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh (Trung tâm) phối hợp với các địa phương tổ chức hướng dẫn kỹ thuật nhân nuôi nấm vi sinh.
Hội Nông dân xã An Hiệp (Châu Thành) phối hợp tổ chức Hội thảo Hướng dẫn kỹ thuật nhân nuôi vi sinh.
Nhân nuôi nấm xanh Metarhizium
Những năm gần đây, nhờ việc ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật trong việc trồng trọt và chăm sóc cây trồng, diện tích và sản lượng của các loại cây lương thực, rau, hoa, quả và cây công nghiệp đã được mở rộng đáng kể, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân và thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật vẫn còn phổ biến, trong khi thói quen sử dụng phân hữu cơ tại chỗ chưa thực sự được hình thành, dẫn đến hiện tượng đất trồng giảm độ phì nhiêu và mất cân bằng dinh dưỡng, làm gia tăng dịch bệnh, tăng chi phí sản xuất, và gây ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng nông sản. Thêm vào đó, phần lớn các phế phụ phẩm từ trồng trọt và chăn nuôi chưa được tận dụng làm phân hữu cơ, gây ra tình trạng xả thải không kiểm soát từ chất thải chăn nuôi và sau thu hoạch, góp phần gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Do đó, việc định hướng cho người trồng trọt chuyển hướng sang sử dụng các loại sản phẩm men vi sinh bảo vệ đất và cây trồng khỏi các tác nhân gây bệnh và đặc biệt là không gây ô nhiễm môi trường đang trở thành một hướng đi mới cho ngành nông nghiệp.
Các kỹ sư nông nghiệp đến từ Trung tâm đã giới thiệu đến nông dân cách nhân nuôi nấm xanh Metarhizium Anisopliae. Nấm xanh hay còn gọi là nấm xanh Metarhizium, là một loại nấm có khả năng ký sinh và tiêu diệt nhiều loại nấm và côn trùng gây hại cho cây trồng, đặc biệt hiệu quả trong việc phòng trừ sâu tơ, sâu xanh, sâu đen... trên cây ăn quả, cây có múi và đặc biệt là cây dừa.
Thạc sĩ Lê Trí Nhân - Phó trưởng phòng Tư vấn dịch vụ nông nghiệp Trung tâm Khuyến nông và Tư vấn dịch vụ nông nghiệp tỉnh cho biết: “Dù có nhiều công năng, nhưng giá thành của nấm xanh Metarhizium là tương đối đắt, khiến nông dân không mạnh dạn đầu tư cho vườn cây của mình. Nắm bắt được nỗi lo trên của nhà nông, Trung tâm đã tiến hành chuyển giao kỹ thuật với Viện Cây ăn quả miền Nam về quy trình nhân nuôi nấm xanh Metarhizium”.
Thạc sĩ Lê Trí Nhân cho biết thêm: “Quy trình nhân nuôi nấm xanh đã được các tỉnh, thành khác áp dụng từ rất nhiều năm nay. Tuy nhiên, ở tỉnh lại chưa có địa phương nào biết đến và ứng dụng tốt những công dụng mà các loại nấm vi sinh mang đến cho cây trồng. Do đó, chúng tôi luôn cố gắng mang lại những giải pháp nhân nuôi nấm vi sinh tốt nhất, phổ biến cho người nông dân”.
Theo đó, nấm xanh Metarhizium sẽ được nhân nuôi bằng cách trộn đều với cám gạo, theo công thức 1kg men vi sinh vật gốc sẽ trộn với 10kg cám gạo. Sau từ 1 - 2 giờ khi men vi sinh đã phát triển được trên cám là có thể đem đi bón cho cây trồng. 1 lần ủ men với 10kg cám gạo có thể bón trừ 35 - 40 gốc cây. Cách làm này giúp cho việc bón nấm vi sinh cho cây trồng trở nên thuận tiện và tiết kiệm hơn cho người nông dân.
Lên men chế phẩm sinh học SOFRI
Cách nhân nuôi nấm vi sinh thứ 2 là hòa tan chế phẩm sinh học SOFRI vào nước, đợi cho đến khi lên men và bón cho cây. Chế phẩm sinh học này có tác dụng ngăn ngừa và chống lại nhiều loại bệnh như bệnh xì mủ, thối rễ trên sầu riêng, cây có múi, tạo điều kiện cho hệ vi sinh vật có lợi trong đất phát triển. Bên cạnh các lợi ích cho cây trồng, quá trình lên men của chế phẩm sinh học SOFRI còn phân hủy các loại rác thải hữu cơ của hộ gia đình, tạo thành phân bón cho cây trồng mang lại lợi ích cao trong việc bảo vệ môi trường. 1 lít chế phẩm sinh học SOFRI có thể lên men với khoảng 100 lít nước. Sau từ 3 - 5 ngày kể từ ngày pha, hỗn hợp sau khi lên men có thể mang đi tưới dưới gốc hoặc phun lên lá cây để nấm vi sinh mau tác động đến các sinh vật gây hại.
Theo Thạc sĩ Lê Trí Nhân: “Vi sinh vật được sinh ra từ chế phẩm sinh học SOFRI và nấm xanh Metarhizium có thể sinh trưởng với nhau ở cùng 1 điều kiện môi trường. Do đó, tùy vào từng trường hợp sâu bệnh gây hại như thế nào mà người dân có thể pha 2 loại nấm này lại với nhau để có phương pháp phòng trị tốt nhất”.
Ông Vương Thành Công là hộ dân tiên phong tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành tiếp nhận đầy đủ các quy trình nhân nuôi vi sinh. Ông Công cho biết, trước đây, khi chưa biết đến quy trình ủ nấm vi sinh vật, chi phí để mua nấm vi sinh gốc về bón cho cây là rất đắt tiền. Nhưng nhờ có sự hướng dẫn nhân nuôi nấm vi sinh đã giúp ông tiết kiệm được rất nhiều chi phí, hơn hết là có thể bảo vệ môi trường thông qua việc ủ chế phẩm sinh học tại nhà. Ông Công bộc bạch: “Sau khi được các kỹ sư nông nghiệp giới thiệu về các quy trình nhân nuôi vi sinh, tôi đã đăng ký mua 20 túi men vi sinh vật gốc cùng 100kg cám gạo để chuẩn bị cho việc nhân nuôi vi sinh tại nhà với số lượng lớn”.
Hiện nay, kỹ thuật nhân nuôi vi sinh đã được Trung tâm nhân rộng tại các huyện Giồng Trôm, Châu Thành và Bình Đại với khoảng hơn 130 hộ tham gia và bước đầu đạt được những thành công ngoài mong đợi. Đa số các hộ dân khi tham gia nhân nuôi đều đã nắm được công thức nhân nuôi đúng và đem bón cho cây trồng. Kết quả là hàng loạt loại sâu bệnh nguy hiểm như rầy sáp, sâu đầu đen, bọ cánh cứng… đều được phòng trừ mà không cần sử dụng đến thuốc hóa học.
Kỹ thuật nhân nuôi vi sinh tại nhà thật sự đã góp phần bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả sản xuất. Với việc áp dụng các biện pháp tự nhiên, nông dân có thể giảm thiểu sự phụ thuộc vào phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, tạo tiền đề lớn trong việc xây dựng nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững tại địa phương.