Có giếng khoan nhưng không bơm được nước
Dư luận trong người dân Thạnh Phú hiện nay đang nóng với hai vấn đề: điện “chập chờn”, lúc có, lúc mất và giếng khoan bị hụt nước. Đồng chí Phạm Văn Bé Năm - Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạnh Phú cho biết, tổng hợp thông tin từ họp dư luận định kỳ cho thấy, khoảng 2 tháng nay, hiện tượng giếng khoan bị hụt nước xảy ra trên diện rộng như: Mỹ An, Thị trấn Thạnh Phú, An Thuận, An Thạnh, An Qui, Thạnh Phong… Tình trạng trên làm cho sinh hoạt của người dân nơi đây gặp không ít khó khăn. Hầu hết các xã có hiện tượng giếng khoan bị hụt nước đã phản ảnh tình hình về huyện, nhưng số liệu thống kê chính thức của toàn huyện đến nay chưa tổng hợp được là có bao nhiêu giếng bị hụt nước, bao nhiêu giếng còn có thể sử dụng được.
Đồng chí Trần Văn Của - Chủ tịch UBND thị trấn Thạnh Phú xác nhận, trên địa bàn thị trấn, tình trạng giếng khoan bị hụt nước, không thể bơm để lấy nước, gây khó khăn trong sinh hoạt, tạo bức xúc trong dân. Nhiều hộ dân trước nay sử dụng nước giếng đã chuyển qua sử dụng nước máy do Nhà máy nước Thạnh Phú cung cấp. Thị trấn chưa thống kê được cụ thể là có bao nhiêu giếng khoan của người dân gặp tình trạng trên.
Hộ bà Nguyễn Thị Ngọc Nghiêm ở Ô 2, thị trấn Thạnh Phú, khoảng 20 năm nay xài nước giếng khoan, nhưng giờ đã phải chuyển qua xài nước máy do giếng khoan không có nước. Gia đình bà Nghiêm đã phải thuê mướn thợ đến sửa lại giếng khoan bằng cách thay ống tuýp, thay mô-tơ máy bơm nhưng rốt cuộc cũng không lấy được nước. Dù vậy, gia đình bà vẫn phải trả khoản chi phí nhân công là 300 ngàn đồng, chưa tính đến chi phí vật tư cho việc tu sửa giếng, mua máy bơm. Bà Nghiêm cho biết, hiện nay, chi phí cho mỗi khối (m3) nước máy giá 6.000 đồng là chấp nhận được, nhưng tính ra vẫn đắt hơn so với xài nước giếng và bất tiện về giờ giấc (nhà máy nước chỉ chạy vào ban ngày).
Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, nhiều hộ dân ở thị trấn Thạnh Phú vẫn chưa thể kéo nước máy về phục vụ sinh hoạt, ông Phan Văn Niềm - Trưởng Ô 2, thị trấn Thạnh Phú, cho biết thêm và đưa chúng tôi đến tìm hiểu ở hộ ông Lê Hữu Công. Trong căn nhà gỗ, mái lợp tôn nóng ran, ông Công đang chuẩn bị bữa cơm trưa. Tiếp chúng tôi, ông Công cho biết, mấy tháng qua không đi làm thuê được nên ở nhà lo chuyện nội trợ, người vợ thì bán vé số, thu nhập bấp bênh. Cái giếng khoan nhà ông Công không bơm được nước cả 2 tháng nay. Ông Công không có tiền thuê thợ sửa chữa, chi phí để chuyển qua sử dụng nước máy là quá khả năng đối với ông. Hiện nay, gia đình ông Công phải bơm nhờ nước máy từ gia đình của một người cháu với giá 10.000 đồng/5 lu nước (ước tính mỗi lu nước khoảng 200 lít). Trong tình cảnh này, gia đình vừa phải chi tiền nước, vừa phải chi thêm tiền điện để bơm về, nhưng đâu còn cách nào khác - ông Công than vãn.
Nhà máy nước Thạnh Phú có công suất khoảng 80m3/giờ, hiện đang cung cấp nước sinh hoạt cho nội ô thị trấn Thạnh Phú và một số khu vực thuộc các xã Mỹ Hưng, Bình Thạnh, Quới Điền. Bà Nguyễn Thị Lan Phương - cán bộ kinh tế - kế hoạch thị trấn Thạnh Phú cho biết, thời gian gần đây, trên địa bàn có khoảng 50 hộ đăng ký và chuyển sang sử dụng nước máy do Nhà máy nước Thạnh Phú cung cấp vì các giếng khoan không sử dụng được nữa.
Tình trạng giếng khoan bị hụt nước, không bơm được nước dùng trong sinh hoạt càng bức xúc hơn đối với người dân xã An Thuận. Nếu như ở thị trấn Thạnh Phú, người dân còn có thể chuyển qua sử dụng nước máy do Nhà máy nước Thạnh Phú cung cấp thì nơi đây nước máy chưa về tới. Hộ ông Huỳnh Văn Hiền, ở ấp An Hội A là một trong số những trường hợp bức xúc vì thiếu nước sinh hoạt. Giếng khoan của gia đình sử dụng nhiều năm qua bình thường, tự dưng khoảng 3 tháng nay, bơm không có nước. Ông Hiền thay ống tuýp, sửa máy bơm và kết quả là chỉ tốn thêm chi phí. Gia đình ông Hiền chuyển qua sử dụng nước giếng hộc (giếng đào thủ công) nhưng nước của giếng hộc cũng bị hụt, không đủ sử dụng. Hàng ngày, gia đình ông phải đi chở nước mưa dự trữ của một người bà con tận An Qui về sử dụng. Ngay tại trụ sở UBND xã An Thuận, giếng khoan do tổ chức UNICEF viện trợ trước đây, giờ cũng không bơm được nước.
Đồng chí Nguyễn Thanh Nhiệm - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết, tình trạng giếng khoan bị hụt nước xảy ra trên địa bàn từ đầu mùa khô năm nay. Xã đã chỉ đạo cho 7 trưởng ấp rà soát, thống kê số hộ có giếng khoan bị hụt nước và nắm tình hình khắc phục trong dân. Trong các báo cáo tháng về UBND huyện Thạnh Phú, xã đã có đề cập đến tình hình trên. Trước nay, nước giếng khoan ở An Thuận có chất lượng khá tốt, đáp ứng nhu cầu sử dụng của các hộ dân trên địa bàn trong suốt mùa khô.
Lời bàn
Hiện tượng hàng loạt giếng khoan ở Thạnh Phú bị hụt nước tạo nên sự quan tâm lớn trong cộng đồng dân cư. Nguyên nhân của hiện tượng này được giả thuyết với nhiều hướng khác nhau, song tập trung vào hai hướng chính, đó chính là tác động của biến đổi khí hậu và do sử dụng “lãng phí” nguồn tài nguyên nước ngầm trên địa bàn trong thời gian qua.
Khoan giếng đơn giản, chi phí thấp, cách quản lý việc khoan giếng và sử dụng nguồn tài nguyên nước ngầm của địa phương bị coi là “nguyên nhân của những nguyên nhân”. Chi phí cho việc khoan mỗi giếng nước hiện nay khoảng 3,5 triệu đồng và hầu như gia đình nào cũng có thể khoan được giếng, bơm lấy nước sử dụng. Mặt khác, thời gian gần đây, một số hộ gia đình có vuông tôm trong khu vực còn khoan giếng lấy nước ngầm xả vào các ao tôm. Chính việc sử dụng thiếu “tôn trọng” môi trường, “lãng phí” tài nguyên làm cho “túi nước ngầm” trên địa bàn huyện ngày càn teo tóp, cạn kiệt. Mặc dù trên đây là những lời bàn chưa có đầy đủ căn cứ, cơ sở khoa học nhưng đã thể hiện ý thức tôn trọng môi trường của người dân.
Bức xúc về nước sinh hoạt, hầu hết các hộ dân có giếng khoan bị hụt nước đều phải thuê mướn thợ sửa chữa. Cách sửa chữa mà bà con ở Thị trấn Thạnh Phú, xã An Thuận, An Qui đang thực hiện là thay mô-tơ máy bơm hoặc thuê thợ khoan giếng sâu hơn khoảng 8m đến 12m nữa, thay ống lược dài hơn. Song, không ít giếng sau sửa chữa tình trạng vẫn chưa được cải thiện, bơm không có nước hoặc lúc có, lúc không. Có những trường hợp người dân thuê mướn phải thợ non tay nghề, không xác định được nguyên nhân hỏng hóc để có biện pháp khắc phục, tốn tiền nhân công, vật tư mà hiệu quả thì không cao.
Anh Nguyễn Hoài Ân, một thợ sửa chữa điện cơ ở ấp An Hội B, An Thuận cho biết, hàng ngày tại cơ sở của anh nhận sửa trên dưới 10 mô-tơ máy bơm nước. Nhưng không không bơm được nước đôi khi không phải nguyên nhân chính là do mô-tơ hư hỏng, có khi mô-tơ hư hỏng do giếng không có nước, anh Ân bộc bạch. Trường hợp này xảy ra khi các mô-tơ được mắc rơ-le tự động, do không bơm được nước, mô-tơ chạy liên tục trong một thời gian dài và hỏng. Theo anh Ân, nguyên nhân của việc không lấy được nước là do mực nước ngầm sụt xuống, máy bơm không hút được nước; bà con nên mua loại máy bơm có khả năng hút sâu hơn…