Ngày 25-3 vừa qua, Liên đoàn Điền kinh VN đã gửi đến Sở VH, TT & DL tỉnh Bến Tre Công văn số 22/LĐĐKVN, về việc mời học viên tham dự lớp ném đẩy IAAF CECS bậc III tại Bắc Kinh (Trung Quốc). Được biết, trước đó, Trung tâm Phát triển vùng Bắc Kinh (RDC - Bắc Kinh) đã gửi thư mời LĐĐK cử học viên tham gia lớp học. Qua đó, LĐĐK mời đích danh ông Phan Văn Hiếu, cán bộ của Bến Tre tham dự khóa học trên từ ngày 10 đến ngày 25-5-2010.
Chuyện được học tập ở trong hoặc ngoài nước nhằm nâng cao tay nghề cho đội ngũ cán bộ quản lý, HLV, trọng tài... là điều đáng quý, song ở trường hợp cụ thể của HLV Phan Văn Hiếu lại đáng được xem là một chuyện… lạ của những người điều hành ĐKVN.
Theo thư mời của RDC, những đối tượng tham dự lớp học trên phải có chứng chỉ IAAF CECS bậc II hoặc chứng chỉ tương đương. Thế nhưng khi được hỏi, HLV Phan Văn Hiếu cho biết, từ trước đến nay ông chỉ được học và có chứng chỉ IAAF CECS bậc IV (năm 2007) và bậc V (năm 2008) của lớp…nhảy cao, chứ chưa hề được học và có bất kỳ chứng chỉ nào của lớp ném đẩy. HLV Phan Văn Hiếu còn nói vui khi được biết thông tin này: “Có lẽ ĐKVN… hết người nên họ mới cử tôi!”
Chưa hết, về kinh phí tham dự lớp học, ngoài việc Ban tổ chức (Bắc Kinh - NV) sẽ chi tiền ăn, ở cho các học viên trong thời gian hơn nửa tháng tại Bắc Kinh, LĐĐK yêu cầu Sở VH, TT và DL tỉnh Bến Tre - đơn vị chủ quản của HLV Phan Văn Hiếu chịu trách nhiệm chi tiền vé máy bay khứ hồi Việt Nam - Bắc Kinh - Việt Nam, di chuyển nội địa tại Bắc Kinh và tại Việt Nam, lệ phí làm hộ chiếu, visa, lệ phí sân bay, tiền tiêu vặt, bảo hiểm, tài liệu và các khoản khác theo quy định của Nhà nước cho HLV Phan Văn Hiếu, tổng cộng hơn 1.120 USD, trong khi LĐĐK lại không phải chi bất cứ khoản nào (?!)
Đây là một số tiền không lớn đối với cơ quan chủ quản của HLV Hiếu nhưng lạ ở chỗ: HLV Phan Văn Hiếu hiện được xem… gần như là “người của Liên đoàn” nhưng LĐDK lại không hề có động thái mang tính trách nhiệm nào. Bởi hầu như người trong giới ai cũng biết, ông Hiếu từng đào luyện nhiều VĐV nhảy cao xuất sắc cho ĐKVN trong hai thập niên qua như Đỗ Thiên Chi, Trần Lê Phương Anh, Phan Thị Ngọc Hân (nữ) hay Lê Thanh Phong, Nguyễn Duy Bằng (nam)... của đơn vị Bến Tre. Và hiện nay, nhờ thêm “nghề tay trái” khi có trong tay các học trò là kỷ lục gia ném lao nam Việt Nam Phạm Ngọc Điệp, rồi Nguyễn Trường Giang, ông Hiếu đã được LĐĐK đề xuất với Tổng cục TDTT triệu tập làm HLV ném lao của ĐTQG hơn một năm nay. Trong thời gian này, dưới bàn tay “nhào nặn” của ông Hiếu, hai tuyển thủ quốc gia Lò Thị Hằng (Sơn La) và Trần Thị Thắm (Vĩnh Long) lần đầu tiên đem về cho ĐKVN 1 HCB và 1 HCĐ ném lao nữ tại SEA Games 25 - 2009 tại Lào.
Thiếu trách nhiệm trong việc chi kinh phí đào tạo bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho các HLV ĐTQG đang do mình trực tiếp quản lý và sử dụng, nhưng cần nhắc lại một câu chuyện cũ: cách đây không lâu, LĐĐKVN đã “hào phóng” chi toàn bộ tiền di chuyển quốc tế từ Hà Nội sang Quảng Châu (Trung Quốc) và trở về, chi phí ngoại giao cho 15 thành viên (gần phân nửa số ủy viên Ban Chấp hành), bay sang Trung Quốc từ ngày 8 đến ngày 16-8-2009 để….“Học tâp và làm việc tại giải Vô địch Điền kinh châu Á lần thứ 18 - 2009”.
Không hiểu rồi đây ĐKVN sẽ còn có thêm bao nhiêu trường hợp chi xuất nằm ở hai thái cực trái ngược tương tự như thế này?.