“Buổi hoàng hôn” của những cái lu Hòa Lợi
Hàng ngày, khoảng 4 giờ sáng là vợ chồng anh Văng Thành Đẹp (ấp Quí An Hòa, Hòa Lợi) bắt đầu những công đoạn làm lu, đến 7 giờ tối thì mới hoàn tất. Sau 15 giờ làm việc, 2 vợ chồng làm ra được từ 20 đến 22 cái lu. Mỗi cái bán được từ 40 đến 45 ngàn đồng, sau khi trừ chi phí vật tư, có lãi từ 15 đến 20 ngàn đồng/cái lu, nhưng mãi nửa năm sau mới lấy được số tiền vốn và lãi. Đó là thực tế của gia đình anh Đẹp - một trong 20 hộ dân còn theo nghề làm lu tại làng này.
Anh Nguyễn Chí Nhân - Chánh Văn phòng UBND xã Hòa Lợi cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã chỉ còn khoảng 20 hộ duy trì với nghề. Thời hoàng kim của nghề này thì toàn xã có gần 200 lò đúc lu. Mỗi năm bán hơn chục ngàn cái và lợi nhuận hơn 10 tỷ đồng/năm. Đời sống người dân làm lu rất khá giả”.
Làng nghề lu được nâng cấp thành làng bàn, ghế xi-măng.
Sẽ không quá lời khi nói ông Đỗ Văn Đây (Tư Đây), 77 tuổi là cha đẻ của làng nghề nổi tiếng này. Nhưng hơn 3 năm nay ông và các con đều từ bỏ nghề làm lu, cái nghề đã từng mang đến cho ông tiền bạc dư dả trong đời sống vật chất và nhiều vinh danh ca ngợi, ngưỡng mộ trong đời sống tinh thần…
Điều gì khiến nghề làm lu mai một?
Nghề kinh doanh lu mang tính “thời vụ” rõ rệt. Bán lu trước nhưng thu tiền sau: nếu theo vụ tôm thì 3 tháng; vụ lúa thì gần 6 tháng; và vụ mía thì hết 1 mùa mưa… đương nhiên người thợ đúc lu cũng phải chờ nhận tiền theo thương lái. Đó là một trong nhiều nguyên nhân mà nghề đúc lu đang mai một dần. Bởi tiền vật tư, công sức, nhân công, lãi ngân hàng thì cứ phải chi trả đúng thời điểm. Trong vài năm trở lại đây, nhu cầu sử dụng lu trong khu vực và các tỉnh lân cận hầu như bão hòa. Thương lái phải chịu khó chở hàng xuống Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, có khi qua đến tận Campuchia để bán.
Ông Nguyễn Khuyến Khích - Trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Thạnh Phú phân tích: Những năm gần đây, kinh tế hộ gia đình ở những vùng nông thôn phát triển nên nhu cầu xây nhà tăng cao, kèm theo đó là xây thêm các hồ xi-măng to chứa nước sinh hoạt nên ít mua lu. Ngoài ra, nước chứa trong lu xi-măng lâu ngày sẽ có vị lạt, chát hơn (vì bị oxy hóa) so với chứa trong kiệu (có nơi gọi là lơn, loại này xuất xứ từ tỉnh Bình Dương).
Sự chuyển mình đáng kinh ngạc
Hầu hết các hộ làm lu của làng nghề nổi tiếng này giờ đã chuyển sang làm bàn, ghế xi-măng; những hộ có vốn nhiều thì mua ghe và trở thành thương lái đi buôn. Và làng nghề đã chuyển mình theo thời thế. “Một cái lu làm xong lợi chỉ 20 ngàn đồng, và cũng với công sức ấy 1 cái bàn kiếm trên dưới 100 ngàn đồng. Vấn đề là vốn bỏ ra hơi nhiều nên không phải ai cũng làm được… Đổi lại thị trường bàn, ghế xi-măng còn mới mẻ nên rất dồi dào” - anh Văng Thành Đẹp phân tích.
Nghề làm lu cũng cần có nghệ nhân khéo léo, kỹ thuật rất tốt nên mỗi cái lu làm ra đều tròn trịa và kích cỡ giống nhau. Cũng trộn hồ, cũng bằng cái bay xây dựng và làm với tinh thần của một người thợ chịu khó nên khi chuyển sang làm bàn, ghế xi-măng, hầu như thuận lợi và rất phù hợp. Khi những cái lu xi-măng đã phần nào bị người dùng lãng quên, đời sống làng nghề cũng hầu như không bị ảnh hưởng nhiều.