Chuyện về OCOP quê dừa

26/01/2024 - 14:39

BDK - Với trên 270 sản phẩm được công nhận tiêu chuẩn OCOP, Bến Tre đang là một trong những tỉnh xuất sắc vượt trội về số lượng sản phẩm OCOP của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nếu như những năm qua, tỉnh tập trung xây dựng, đánh giá và hoàn thiện tiêu chuẩn OCOP từ 3 - 5 sao cho sản phẩm đặc sản mỗi xã, phường thì Xuân Giáp Thìn 2024 sẽ là năm đánh dấu bước ngoặt mới bằng cách “tung hàng” OCOP thâm nhập sâu vào thị trường.

Sản phẩm OCOP của Bến Tre và các tỉnh tại cửa hàng OCOP Tâm Dân (TP. Bến Tre). Ảnh: cẩm trúc

Sản phẩm OCOP của Bến Tre và các tỉnh tại cửa hàng OCOP Tâm Dân (TP. Bến Tre). Ảnh: Cẩm Trúc

“Kẹo đắng” xuất ngoại…

“Kẹo đắng” là cách gọi theo quê mẹ (tỉnh Nam Định) của chị Trần Thị Thu Thủy, hay còn được gọi là nước màu dùng trong thực phẩm ở quê nội - xã Phước Long, huyện Giồng Trôm. Thấy nước dừa là phế phẩm bỏ đi và còn gây ô nhiễm môi trường, trong khi các bữa ăn của người Việt thì không thể thiếu các món kho, tức là cần có nước màu làm từ nước dừa để tạo màu. Ưu điểm nước màu dừa là thơm ngon, có thể thay thế hoàn toàn màu thực phẩm, làm món ăn có màu đẹp và hấp dẫn.

Nghĩ là quyết tâm làm cho đến thành công, bất kể gian nan. Thoắt đó 20 năm, nước màu dừa của chị Thủy, với thương hiệu A Tuấn Khang đã nổi danh khắp các hệ thống siêu thị Co.opmart, Masan, xuất khẩu hơn 10 quốc gia lớn và khó tính như: Mỹ, Úc, Canada, Nhật Bản, Đức, Ý… Qua đánh giá chuẩn OCOP, sản phẩm nước màu dừa đạt chuẩn OCOP 4 sao, tiềm năng 5 sao.

Nhớ lại những ngày đầu đeo đuổi ý định sản xuất nước màu dừa, chị nhớ mẹ hết lời ngăn cản vì cho rằng những thứ vứt đi như nước dừa thì sản xuất ra bán không ai mua. Cha của chị cũng khuyên can rằng, thứ này họ bán đầy chợ mà con làm thì bán cho ai… Buồn, nản lắm nhưng nghĩ: Cái gì khó, người ta không quan tâm tới, nếu mình làm được mình mới thành công. Kinh nghiệm là phải kiên nhẫn, không bỏ cuộc, hành trình đi xây dựng thị trường trong nước và ngoài nước có thể mất từ 5 - 10 năm mới thành công. Nhờ đó, những năm đầu thế kỷ 20, người phụ nữ quê Bến Tre ấy đã có trong tay hàng tỷ đồng từ lợi nhuận kinh doanh nước màu dừa. Bên cạnh sản phẩm cốt lõi của thương hiệu, chị không ngừng nghiên cứu sản xuất mới các loại gia vị cho bữa ăn để đưa ra thị trường, như tương ớt, tương cà, tương đen, sa tế dừa, sa tế cay, sa tế tôm, nước chấm bào ngư, cơm mẻ.

Trong tổng số 36 sản phẩm, trong đó chủ lực từ dừa, chị đã xây dựng thành công 13 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 4 sao. Câu chuyện thành công và ra thế giới của người phụ nữ Bến Tre chỉ từ nước màu dừa là một minh chứng thực tiễn cho cơ hội và tiềm năng vươn xa của sản phẩm đặc sản ở mỗi xã, phường. Vấn đề chỉ còn là ý chí và cách làm mà cụ thể là xây dựng theo tiêu chuẩn OCOP với các xếp hạng sao cho sản phẩm.

Hướng đến toàn cầu

Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và dịch vụ, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế khu vực nông thôn giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030. Các cơ sở, doanh nghiệp tỉnh đang toàn tâm toàn ý thực hiện với mục tiêu đưa sản phẩm thâm nhập thị trường thành công.

Mặc dù mới bắt đầu sản xuất mỹ phẩm từ dừa năm 2019 nhưng đến nay, Công ty TNHH Coconut Cosmetic Bến Tre đã sản xuất được 15 sản phẩm chiết xuất từ tinh dầu dừa như: son môi, dưỡng tóc, sữa rửa mặt, kem dưỡng da… Trong đó, công ty đã có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao. “Với chứng nhận chuẩn OCOP và có tem OCOP dán lên mỗi sản phẩm, trung bình công ty cung ứng hơn 1 ngàn sản phẩm/tháng tại nhiều tỉnh, thành lớn trong nước như: Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh…”, ông Nguyễn Công Trí - Giám đốc Công ty TNHH Coconut Cosmetic Bến Tre cho biết.

Đến nay, toàn tỉnh có 273 sản phẩm được công nhận OCOP. Trong đó, có 238 sản phẩm còn thời hạn theo quyết định công nhận; 4 sản phẩm đạt 5 sao, 59 sản phẩm đạt 4 sao và 175 sản phẩm 3 sao. Riêng 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 5 sao là kẹo dừa ca cao, kẹo dừa sầu riêng lá dứa, kẹo dừa gừng, kẹo dừa sầu riêng mang thương hiệu “BẾN TRE” của Công ty TNHH Sản xuất, kinh doanh tổng hợp Đông Á (TP. Bến Tre). Đây là những sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp quốc gia và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Từ Chương trình OCOP, tỉnh ngày càng “nở rộ” các sản phẩm mới mang đặc trưng quê dừa với sự chuẩn chất về mẫu mã, bao bì và chất lượng trong từng sản phẩm. Nhằm thương mại các sản phẩm, nhiều cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức đã mạnh dạn mở ra cửa hàng, siêu thị chuyên giới thiệu, kinh doanh các sản phẩm OCOP như: Siêu thị Dừa Bến Tre, Cửa hàng OCOP Tâm Dân (TP. Bến Tre), Điểm bán hàng Việt Nam (Mỏ Cày Bắc)… 

Không dừng lại ở chuỗi sản phẩm gia vị A Tuấn Khang, chị Trần Thị Thu Thủy đã liên kết với các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để thành lập HTX Nông nghiệp Tâm Dân vào tháng 10-2023, với mục tiêu phát triển hệ thống cửa hàng OCOP Tâm Dân tại 63 tỉnh, thành trong cả nước, quy tụ đa dạng các sản phẩm OCOP của các vùng miền trong cả nước. Chị Thu Thủy bật mí, bước sang năm 2024, HTX sẽ phát triển đại lý cấp huyện, bình quân 1 đại lý/huyện; phát triển hệ thống ra 6 tỉnh, thành; kết nối hợp tác với 20 HTX tại địa phương.

Chương trình OCOP còn khẳng định vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ngành du lịch ở các địa phương. “Sản phẩm OCOP phản ánh đậm nét văn hóa và đặc trưng của mỗi địa phương. Từ đó, giúp tạo ra chuỗi sản phẩm du lịch khác biệt. Rất thú vị mỗi khi đi du lịch Bến Tre nếu du khách được qua từng nơi sản xuất sản phẩm OCOP, được trải nghiệm cách chế biến, sản xuất, thưởng thức sản phẩm, cùng với đó là được nghe những câu chuyện mang đậm văn hóa bản địa…”, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông và Du lịch C2T Võ Văn Phong chia sẻ.

“Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy hiệu quả Chương trình OCOP. Theo đó, đẩy mạnh công tác truyền thông đến đội ngũ cán bộ các cấp, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất để thống nhất trong nhận thức và cách làm. Tổ chức quản lý chương trình một cách khoa học theo hệ thống, từng khâu, từng bước thực hiện. Trọng tâm chương trình là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất; thương hiệu của từng sản phẩm; kế hoạch chuyên biệt, cụ thể, bài bản về phát triển sản phẩm OCOP cấp tỉnh và định hướng cấp quốc gia; đẩy mạnh xúc tiến thương mại làm then chốt”.

 (Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Võ Tiến Sĩ)


Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết
Từ khóa OCOP quê dừa

BÌNH LUẬN