Chuyện về thầy giáo trẻ xã bãi ngang

23/11/2017 - 08:49

Những bông hoa tươi thắm của các em học sinh đến tận nhà trọ của thầy Khoa nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Hơn 8 năm giảng dạy môn Công nghệ tại Trường THPT Lê Hoài Đôn (Thạnh Phú) nhưng thầy Trương Đăng Khoa chưa dành dụm được khoản tiền nào cho riêng mình. Bởi, hễ có tiền là thầy giúp đỡ các em học sinh có hoàn cảnh gia đình còn khó khăn.

Đồng lương tháng 7

Thầy Khoa, sinh năm 1984, ở xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam là con út trong một gia đình nghèo có đến 12 anh em. Năm 2005, cậu học trò nghèo Trương Đăng Khoa thi đỗ vào Khoa Sư phạm vật lý và công nghệ, Trường Đại học Cần Thơ. Cùng khoảng thời gian này, cha mẹ đã mất sức lao động. 4 năm theo học đại học, các chi phí ăn học của sinh viên Trương Đăng Khoa phải nhờ sự giúp đỡ xoay vòng của 3 người chị ruột đã lấy chồng.

Theo lời thầy Khoa, cuối tháng hết tiền, phải đạp xe từ Cần Thơ về nhà kiếm thức ăn mang lên. Trước khi đi, Khoa không quên cột cổ xe mấy trái dừa khô và được các chị cho 250.000 đồng đi học. Nhiều lần, chị Khoa không có tiền mặt, chỉ đưa mấy cuộn chỉ xơ dừa chở đi bán lấy tiền. Những năm sinh viên đầy khó khăn đó đã khắc sâu trong người thầy giáo trẻ.

Tốt nghiệp, thầy Trương Đăng Khoa về giảng dạy tại Trường THPT Lê Hoài Đôn cho đến nay. Sống xa nhà, với đồng lương không nhiều, nhưng hơn 8 năm qua, các thầy cô và học sinh Trường THPT Lê Hoài Đôn đều ngưỡng mộ nghĩa cử cao đẹp của thầy Khoa đối với học sinh nghèo hiếu học nơi đây. “Đồng lương của tôi hiện nay chưa tới 5 triệu đồng/tháng nên có giúp được gì to tát cho ai đâu mà kể. Nhưng mỗi khi thấy học sinh nào thật sự khó khăn là tôi lại nhìn thấy mình trong đó. Thế rồi, tôi chi tiêu tiết kiệm để còn khoản tiền giúp các em”, thầy Khoa tâm tình.

Hàng năm, đến tháng 7 - mùa tuyển sinh, thầy Khoa lấy khoản tiền dành dụm được hỗ trợ khoảng 10 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn chi phí trong các ngày thi. “Mỗi khi đến mùa tuyển sinh, tôi cùng hơn 10 em học sinh đạp xe lên bến xe Mỏ Cày Nam rồi bắt xe đò qua Cần Thơ thi cử. Vì bên đó, tôi có quen nên gởi các em ở ký túc xá trong mấy ngày thi. Còn lên TP. Hồ Chí Minh thì đồng lương tháng của tôi chỉ đủ dắt một học sinh. Hai năm nay, thuê xe dịch vụ cũng rẻ nên không còn đạp xe như trước nữa. Thật ra, nhà trường năm nào cũng có tổ chức cho học sinh đi thi và miễn phí đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thế nhưng, nhiều em ngại không chịu trình bày hoàn cảnh với các thầy cô mà cứ nói riêng với tôi. Tôi nghĩ các em có lý do riêng giữ bí mật và cố gắng giúp đỡ”, thầy Khoa chia sẻ.

Cái khó “ló” cái sáng tạo

Năm tháng trôi qua, tiền lương giáo viên có cải thiện nhưng không theo kịp giá cả các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, khiến cho khả năng giúp “ngặt” của thầy giáo trẻ cũng không như mong muốn. Ngoài ra, với những tân sinh viên đôi khi chới với trong chi tiêu, học phí, thầy Khoa cũng sẵn lòng giúp đỡ miễn trong túi còn tiền.

Một cơ duyên đã đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đưa ra chính sách cho các học sinh đoạt các giải cấp Bộ trong quá trình học tập sẽ được tuyển thẳng vào đại học. Song song đó, phương pháp dạy học tích hợp liên môn để giải quyết các vấn đề thực tiễn được khuyến khích áp dụng. Rất nhanh chóng, thầy Khoa miệt mài thảo đề cương bài giảng tích hợp liên môn để gợi mở tư duy, kích thích mạnh mẽ cho nhóm học sinh vùng nông thôn say mê nghiên cứu khoa học. Trong đó, thầy trực tiếp hướng dẫn 2 em học sinh Nguyễn Phi Long và Phạm Xuân Nhuận sáng tạo ra “Robot gắp vật tự do”. Rồi sau đó, hai em nâng cấp lên thành “Robot gắp vật bậc 3 xử lý qua ảnh internet”.

Trong năm 2017, sản phẩm sáng tạo kỹ thuật của 2 học sinh này đã giành giải ba trong cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” do Bộ GD&ĐT tổ chức, giải khuyến khích trong cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh - thiếu niên và nhi đồng toàn quốc do Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Riêng Nguyễn Phi Long còn đoạt giải khuyến khích trong cuộc thi vận dụng kiến thức liên môn giải quyết vấn đề thực tế do Bộ GĐ&ĐT tổ chức.

“Tôi viết giáo án các chuyên đề tích hợp liên môn, nhắm thẳng tới việc thông qua đó các em khó khăn sẽ có nhiều sáng tạo, đoạt giải cấp quốc gia để không phải thi tốt nghiệp. Ngoài ra, còn để tăng sự hưng phấn, kích thích trí sáng tạo cho các em học sinh trong giờ học môn Công nghệ của mình. May mắn là tôi luôn gặp được các em học sinh tuyệt vời”, thầy Khoa nói.

“Nhà em nghèo lắm, cách trường hơn 15 cây số, mỗi ngày phải đạp xe 4 lượt, khiến em mệt nhoài. Biết được hoàn cảnh, thầy đã cho gia đình em 10 triệu đồng để mua xe đạp điện, đi lại đỡ vất vả hơn. Với sự giúp đỡ tận tình của thầy trong việc hướng dẫn học tập, em mới có được những giải thưởng vinh dự như hôm nay. Em đã khóc khi biết số tiền thầy tặng mua xe đạp điện có từ việc lãnh thêm chế độ xã bãi ngang 17 triệu đồng/năm của thầy”, em Nguyễn Phi Long chia sẻ.

Thầy Nguyễn Văn Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hoài Đôn cho biết, các giải thưởng cấp Trung ương về sáng tạo khoa học kỹ thuật của thầy Trương Đăng Khoa và nhóm học sinh khối 12 năm học 2017-2018 là duy nhất từ khi thành lập trường đến nay. “Thầy Khoa là giáo viên đi đầu trong triển khai phương pháp dạy học tích hợp liên môn tại trường. Ngoài ra, việc thầy Khoa tự tổ chức cho nhóm học sinh khó khăn trong các mùa tuyển sinh đã giúp phần nào cho nhà trường trong bối cảnh còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí”, thầy Tâm cho biết.

“Chuyên đề, sự sáng tạo, thành tích của thầy Trương Đăng Khoa và nhóm học sinh Trường THPT Lê Hoài Đôn trong năm học 2017-2018 là minh chứng rất cụ thể để khẳng định sự cần thiết, tính hiệu quả của việc áp dụng phương pháp dạy học tích hợp liên môn. Đó là nỗ lực đáng ghi nhận, đồng thời là một tấm gương cho những giáo viên, học sinh khác noi theo”, ông Lê Ngọc Bữu - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh cho hay.

Bài, ảnh: Nam Bình

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN