Sau nhiều lần hẹn, cuối cùng tôi đã gặp được ông Lê Văn Hiếu (Hai Hiếu), ở ấp Tân Thông 2, xã Thanh Tân (Mỏ Cày Bắc). Ông Hiếu (nguyên là Ấp Đội trưởng) là người đã dùng ong vò vẽ đánh tan một trận càn của trung đội biệt kích Mỹ vào đầu năm 1969.
Ông Hiếu chỉ vị trí đặt bẫy ong vò vẽ năm xưa. Ảnh: H. Đức
Bên tách trà nóng, câu chuyện của 45 năm về trước như đang xảy ra trước mắt chúng tôi. “Hồi đó, Thanh Tân còn nhiều cây rậm rạp như rừng. Khoảng giữa trưa tháng Giêng năm 1969, máy bay trực thăng địch bắn nhiều đạn, pháo xuống…”. Bấy giờ, ông Hiếu đang ở ngoài đồng. Nhận định địch sẽ đổ bộ lính để tổ chức càn quét nên ông vội chạy về chỗ đặt bẫy ong vò vẽ. Trên đường đi, chẳng may ông bị trúng đạn pháo ở lưng, vai phải nhưng vẫn gượng đau mà chạy. Tới nhà bà Tư Lục (ấp Tân Thông 2), ông được bà Tư xé áo gối, lấy bông gòn (dùng để dồn gối) ra băng để cầm máu. Sau đó, ông tiếp tục chạy tới chỗ ẩn núp chờ địch. Khoảng một giờ sau, có mấy tên lính địch cầm súng đi càn qua khỏi vị trí đặt bẫy ong, ông Hiếu giật dây “phụp”… Nằm ở chỗ núp, ông nghe tiếng kêu hoảng loạn, sợ hãi của bọn lính biệt kích thì biết chúng đã bị ong đánh. Một số tên lủi vào cây rậm thì chạm phải bẫy ong thứ hai, ong túa ra đánh túi bụi nữa. Lính Mỹ vứt súng chạy tán loạn, tốp lính đi sau hoảng hồn rút lui, một số tên nằm ém quân bất động. Địch phải bắn đạn cay, khói màu để giải vây.
Cả một trung đội biệt kích Mỹ hùng hổ đi càn, bị ong đánh thảm bại. Ngày hôm sau, bọn địch tiếp tục thả khói màu, khói cay xuống. Sau đó, thấy tình hình yên chúng mới cho lính tới hiện trường để thu gom súng đạn, đưa bại binh lên máy bay trực thăng chở đi, có ông Tư Phải (một nông dân mà chúng bắt được) cũng đi trong chuyến này. Theo lời kể của ông Tư Phải (sau khi được thả ra), lúc ngồi trên máy bay, thấy có 3 lính bị chết và còn có nhiều người bị thương sưng híp mặt mũi. Qua lời thông dịch viên, ông Phải biết lính Mỹ than trời, cho rằng “Con kiến Việt Nam cắn đau quá”.
Sau trận đánh 2 ngày, Đài Phát thanh Hà Nội đã có bài phản ánh về thảm bại của địch tại trận càn xã Thanh Tân do bị du kích đánh bằng ong vò vẽ. Khoảng 2 tháng sau, ông Hai Hiếu được Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tặng giấy khen. Năm 2006, ông được Nhà nước tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì.
Chỉ cho tôi xem vị trí đặt bẫy ong vò vẽ năm xưa, ông Hiếu kể: “Ngay đầu cầu này, trước đây có trạm thông tin của bộ đội. Hồi đó, cây cối mọc um tùm, tôi đặt ở lùm cây này một bẫy, gần chỗ gốc mù u kia là một bẫy”. Tôi hỏi: “Lúc bị thương, sao ông không nghỉ ngơi mà đi giật bẫy ong vò vẽ?”. “Tôi bắt ong nuôi để dành đánh giặc đi càn, có dịp thì phải dùng chứ. Hồi đó, tôi bị thương nên lòng căm thù và ý chí quyết tâm càng cao”. Những lúc đi làm, khi phát hiện có tổ ong vò vẽ, ông Hai Hiếu làm sẵn một bẫy (khuất trong bụi rậm) trên đường địch đi càn rồi bắt gọn nguyên ổ ong đem về nuôi tại đây, chờ đợi thời cơ để “ra tay”.
Tết này, ông Hai Hiếu đã bước sang tuổi 67 và vui thú nông nhàn. Ông tâm niệm: “Thời đó, tôi thấy trách nhiệm đánh giặc là của mỗi người dân. Tôi tự hào vì mình đã làm được điều có ích”.