Cô Ba Tiên Thủy

10/03/2009 - 14:55
Chị Trương Thị Ba (trái) là người phụ nữ hết lòng vì công tác Hội.

“Cô Ba phụ nữ” là tiếng gọi trìu mến của các chị em phụ nữ ở ấp Tiên Đông Vàm (xã Tiên Thủy - Châu Thành) dành cho chị Trương Thị Ba- người đã có hơn 10 năm gắn bó với công tác phụ nữ ở ấp này.

Sinh ra và lớn lên trên xứ sở được mệnh danh “gạo trắng nước trong”- thành phố Cần Thơ, nhưng một chút nợ duyên đã đưa bước chân cô giáo Trương Thị Ba  đến và ở lại gắn kết với quê dừa Bến Tre vào năm 1995. Cái thuở ban đầu mới làm quen nơi ở mới đến tận bây giờ chị vẫn không quên: lạ lẫm cả con người lẫn đường đi nước bước. Nhưng bản tính vốn “thích hoạt động, thích tham gia công tác xã hội” nên không bao lâu, chị đã được mọi người trong xóm ấp biết đến và dành nhiều thiện cảm cho chị. Bởi “cô Ba hiền lành mà tốt bụng lắm, ai cần cô giúp chuyện gì cô cũng sẵn lòng hết đó, bà con ở đây ai cũng thương.” - chị Trần Thị Ánh - người ở cùng ấp vui vẻ cho biết.

5 năm sau, kể từ ngày đầu chị về làm “thành viên” của cái ấp có phần heo hút này, chị đã chính thức tham gia vào Hội Phụ nữ của ấp, và được bà con tổ 13 (nơi chị cư trú) tín nhiệm bầu làm tổ hội trưởng  vào năm 2000. Nhà chỉ có hai vợ chồng và dù bị bệnh tật, nhưng anh Nguyễn Tấn Phát luôn ủng hộ và động viên chị tích cực tham gia công tác hội. Việc nhà chưa tròn, sao lo công tác hội? Bằng nghị lực và lòng đam mê hoạt động, một mình chị đã quán xuyến từ chăm lo vườn tược đến công việc nhà để anh yên tâm dưỡng bệnh. Dù cực nhọc nhưng đối với công tác hội, chị vẫn rất tích cực. Từ việc đến tận nhà vận động chị em vào hội, rồi đến việc giúp đỡ vốn cho các chị em phụ nữ khó khăn trong xóm ấp mình, chị hầu như không nề hà việc gì. Chị tìm hiểu hoàn cảnh của từng chị em, thấy còn nhiều người gặp khó khăn, chị bàn với Chi Hội Phụ nữ ấp thành lập hụi không lời để giúp đỡ nhau. Nhà chị nào có con em đi học mà không có tiền đóng học phí, chị cũng sẵn lòng trợ giúp mà không hề tính lãi hay thế chấp bất cứ vật gì. Có lẽ sự nhiệt tình của chị đã góp phần giúp 25 hộ trong tổ 13  chỉ còn một hộ nghèo (hộ này đang tiếp tục được hỗ trợ để thoát nghèo).

Không chỉ lo cho chị em về kinh tế, chị nói: “Đời sống sức khoẻ và tinh thần cũng quan trọng lắm. Tôi muốn tất cả chị em được sống vui, sống khỏe”. Hằng ngày, chị tranh thủ xem đài và khi có dịp ra ngoài huyện, chị lại tìm mua báo Phụ Nữ, báo Sức Khỏe về đọc và thu thập những kiến thức về phổ biến lại trong các buổi sinh hoạt của tổ. Đó là những bài thuốc nam hay, đó là cách nuôi con khoẻ mạnh, chống suy dinh dưỡng, hay đó là những bài viết về cách ứng xử, bài học về tình người... Sự gần gũi, chân tình của chị đã giúp các chị dần dần mạnh dạn hơn trong phát biểu và tham gia các hoạt động hội đề ra. Cũng vì thế, các phong trào của tổ chị nói riêng và của ấp nói chung hầu như lúc nào cũng sôi nổi. Và căn nhà của chị là điểm để các chị trong tổ và trong ấp sinh hoạt thường xuyên. Tháng 12- 2008 vừa qua, câu lạc bộ văn nghệ phụ nữ của ấp đã làm lễ ra mắt tại nhà chị và dĩ nhiên, chị cũng là thành viên câu lạc bộ này. Sau khi ra đời, câu lạc bộ đã có nhiều cuộc giao lưu giữa các ấp tạo nên một không khí vui tươi cho một vùng quê còn nhiều vất vả này.

Dù đời riêng còn mang nặng nỗi buồn khi người bạn đời của chị đã không còn nữa, nhưng với những gì chị đã và đang làm vì mọi người như thế đã để lại trong lòng của chị em phụ nữ nơi chị sinh sống một hình ảnh đẹp của người phụ nữ hôm nay.

A.Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN