Cơ bản giải quyết được các khiếu nại có liên quan đến đất tập đoàn sản xuất

14/04/2009 - 09:04
Đồng chí Nguyễn Thanh Hồng, Chủ tịch UBND huyện Ba Tri trao giấy khen cho các cá nhân có nhiều đóng góp trong việc thực hiện QĐ 815 của Chính phủ.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, công cuộc cải tạo các thành phần kinh tế nói chung, cải tạo nông nghiệp nói riêng được tiến hành trên địa bàn tỉnh và huyện Ba Tri.

Đi đôi với việc xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm tăng vụ, tăng năng suất lúa thì việc thiết lập quan hệ sản xuất mới được tiến hành, trong đó vận động đưa nông dân vào làm ăn tập thể bằng hình thức tập đoàn sản xuất (TĐSX) được xem là công tác trọng tâm. Do chưa thấy hết và lường trước tính chất phức tạp, gay gắt của sự tiềm ẩn bất hợp lý trong quá trình cải tạo nông nghiệp do lịch sử để lại, Ba Tri đã tốn rất nhiều thời gian, công sức để giải quyết việc khiếu kiện của nông dân. Từ năm 1991 đến cuối năm 2008, huyện đã nhận 2.685 đơn khiếu nại về đất đai có liên quan đến TĐSX.  

TĐSX ra đời và việc người nông dân đi khiếu kiện:

Ở Ba Tri, TĐSX được tổ chức đầu tiên ở 2 xã điểm Vĩnh Hòa và Mỹ Nhơn, sau đó nhân rộng ra toàn huyện, đến năm 1985 cơ bản hoàn thành công tác cải tạo nông nghiệp. TĐSX ra đời, theo chủ trương chung, huyện đã điều chỉnh tất cả các loại sở hữu đất vào làm ăn tập thể bằng hình thức lao động tính công điểm hoặc tổ chức cấp đất cho dân sản xuất theo định mức khoán bình quân nhân hộ khẩu. Nhưng việc làm ăn tập thể không đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội, năm 1989, Bộ Chính trị ra Nghị quyết (NQ) số 10, Ban Chấp hành TW ra Chỉ thị 57 và Hội đồng bộ trưởng ra Nghị định 43 về việc tổ chức khoán đất cho nông dân sản xuất. UBND tỉnh có Công văn hướng dẫn số 490 và UBND huyện ban hành Hướng dẫn số 35 nhằm tổ chức thực hiện đạt kết quả cao trong quá trình khoán đất nông nghiệp đến hộ gia đình để ổn định và phát triển sản xuất. Thực hiện chủ trương đó, toàn huyện tiến hành giao đất cho nông dân, người có đất thừa được trả hoa lợi theo Hướng dẫn 35 của UBND huyện. Tuy nhiên, việc giao khoán đất, trả hoa lợi bằng đất, nhiều nơi thực hiện không đúng chủ trương, có hiện tượng tiêu cực, tạo ra sự bất hợp lý.

Nông dân nhận đất, sản xuất ổn định, năng suất lúa tăng lên rõ rệt. Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn, một bộ phận nông dân là tầng lớp trung nông trước đây sau khi nhận khoán đất đã phát sinh đơn khiếu kiện. Ban đầu khiếu nại nhỏ lẻ, đến tập hợp nhiều người, phát sinh trong phạm vi một vài xã, sau đó khiếu nại lên huyện, lên tỉnh  rồi vượt cấp lên TW. Từ năm 1995 về sau, số lượng đơn thư ngày càng phát sinh nhiều và tính chất khá gay gắt phức tạp, bất chấp chính quyền cơ sở. Một số người đã ngang nhiên lấn chiếm đất trái phép... làm cho tình hình khiếu kiện nóng lên, ảnh hưởng đến an ninh trật tự một số khu vực trong huyện. Từ năm 2000 đến 2003, có 91 lần nông dân Ba Tri đi khiếu nại vượt cấp với khoảng 5.000 lượt người; năm 2004, 26 lần 1.070 lượt người; năm 2005 có 21 lần với 1.103 người tham gia...

Nguyên nhân phát sinh khiếu kiện:

Một số trường hợp trung nông có đất đưa vào TĐSX khi nhận khoán lại ít hơn nên bị mất đất. Sau thời điểm nhận đất khoán, nhân khẩu trong gia đình phát sinh nên gặp khó khăn, thiếu đất sản xuất. Việc trả hoa lợi theo hướng dẫn của huyện không thống nhất (theo qui định là thừa 5.000m2 thì được trả bằng đất là 1.000m2) nhưng nơi thực hiện, nơi không, nơi trả đúng, nơi trả ít hơn. Hiện tượng khoán đất cào bằng làm cho người có đất nhận lại đất ở xa, đất xấu, nhiều thửa manh mún, trong khi đó của họ đất cũ là đất tốt, liền thửa nhưng không được trở về chân ruộng cũ. Người không đất thì nhiều trường hợp được nhận đất tốt, thuận lợi trong sản xuất, thậm chí người không sản xuất nông nghiệp cũng được cấp đất. Một bộ phận cán bộ xã, ấp, cán bộ TĐSX lợi dụng việc giao khoán đất phát sinh đặc quyền, đặc lợi, chọn nhận đất tốt, đất thuận tiện sản xuất, nhận đất thừa diện tích... gây bất bình trong dân. Sau khi Luật Đất đai được ban hành, người nhận đất được hưởng các quyền theo luật định; nhờ xây dựng hệ thống thuỷ lợi, đường giao thông, sự tác động của thị trường nên đất đai ngày càng có giá trị, đặc biệt là đất mặt tiền, dẫn đến việc người nhận đất khoán cho thuê, sang nhượng quyền sử dụng làm cho người có đất thừa thấy lợi ích của mình bị xâm phạm. Quản lý nhà nước về đất đai còn lỏng lẻo, đặc biệt là đất công còn có hiện tượng tự chiếm sản xuất, tự tiện cho mượn, cho thuê, sử dụng không đúng mục đích, tuy không phải là phổ biến nhưng cũng gây bức xúc trong dân.

Thực hiện Quyết định 815/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ:

Nhằm giải quyết triệt để những bất hợp lý về đất đai trong quá trình cải tạo nông nghiệp, ngày 4-7-2001, Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ 815 phê duyệt Phương án 614 của UBND tỉnh Bến Tre, tạo điều kiện thuận lợi về hành lang pháp lý cho địa phương trong giải quyết khiếu kiện  đất TĐSX của nông dân. UBND tỉnh Bến Tre đã cụ thể hoá QĐ 815 bằng kế họach 992 ngày 5-9-2001. Xác định quan điểm chỉ đạo là: Tập trung cả hệ thống chính trị (HTCT) vào công tác giải quyết khiếu kiện, tranh chấp đất đai, liên quan đến TĐSX, xem đây là công tác trọng tâm hàng đầu, là cuộc vận động chính trị sâu rộng, tạo sự chuyển biến đồng bộ từ nhận thức đến hành động. Vận động thuyết phục nông dân chấp nhận và thực hiện theo QĐ 815 của Thủ tướng Chính phủ, động viên nhường cơm sẻ áo, tổ chức hòa giải, thương lượng giữa hộ bị mất đất (hộ A) và hộ được nhận đất (hộ B), xem đây là giải pháp cơ bản trong giải quyết khiếu nại; sử dụng có hiệu quả các giải pháp kinh tế theo QĐ 815, đảm bảo giải quyết đúng chủ trương, pháp luật, tăng cường công khai dân chủ, thực hiện từng bước và đi đến giải quyết dứt điểm những bất hợp lý về đất đai liên quan đến TĐSX.

QĐ 815/QĐ-TTg đáp ứng được yêu cầu giải quyết những bất hợp lý có liên quan đến đất TĐSX đang đặt ra, tạo cơ sở pháp lý cho địa phương thực hiện, tạo ra nguồn lực hỗ trợ thiết thực trong quá trình giải quyết, đáp ứng nguyện vọng của nông dân, giải tỏa những vướng mắc trong nội bộ, từ đó củng cố khối đoàn kết thống nhất, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Bài, ảnh: Công Tạo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN