Cơ hội khởi nghiệp khi lao động ở nước ngoài

30/09/2019 - 06:48

BDK - So với chỉ tiêu đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2019, đến thời điểm này, mặc dù mới 9 tháng nhưng huyện Ba Tri đạt 366/260 trường hợp, đạt 141% kế hoạch năm. Trong đó, Nhật Bản 334 người, Hàn Quốc 16 người, Đài Loan 15 người.

Ôn tập tiếng Nhật cho người lao động. Ảnh: Phúc Hậu

Ôn tập tiếng Nhật cho người lao động. Ảnh: Phúc Hậu

Con đường khởi nghiệp thoát nghèo

Hỗ trợ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được xác định là con đường khởi nghiệp (KN) thoát nghèo và làm giàu hiệu quả. Đây cũng là một trong những chủ trương lớn của tỉnh được các địa phương thực hiện có hiệu quả, từ đó tạo sự lan tỏa và hưởng ứng mạnh mẽ của người dân.

Qua khảo sát kết quả thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TU của Tỉnh ủy ngày 6-12-2018 về việc đẩy mạnh công tác đưa NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng, Nghị quyết số 24 của HĐND tỉnh ngày 5-12-2017 về việc bổ sung các đối tượng chính sách được vay vốn từ nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để tham gia đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh), Ba Tri là một trong những địa phương có kết quả thực hiện dẫn đầu toàn tỉnh. Lũy kế đến thời điểm hiện tại, huyện có 1.576 người đang tham gia làm việc tại nước ngoài, góp phần mang nguồn ngoại tệ về cho huyện bình quân mỗi năm 378,2 tỷ đồng, giải quyết việc làm, giúp cho hộ nghèo, khó khăn vượt lên thoát nghèo.

Nổi bật nhất là xã An Thủy có 38 người (so với chỉ tiêu là 15 người), đạt 253%; kế đến là xã Mỹ Hòa có 25 người (so với chỉ tiêu là 10 người) đạt 250%; xã Bảo Thuận có 30 người (so với chỉ tiêu là 13 người), đạt 231%... Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, UBND xã thường xuyên tham mưu đảng ủy; cán bộ phụ trách ấp giám sát, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình để nắm rõ. Đối với các em đang học lớp 12, có dự định đi làm việc sau khi tốt nghiệp, sẽ bám sát đối tượng để vận động, hỗ trợ. “Do đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên xã quan tâm giới thiệu việc làm cho thanh niên độ tuổi lao động. Xã luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm và việc làm thường xuyên nên phối hợp chặt chẽ với các ngành huyện để tư vấn kết hợp với dạy nghề, học nghề hàng năm tại xã, thông qua các hội đoàn thể, các ấp để mời các em lên tuyên truyền trực tiếp. Có phân công theo dõi, phụ trách những hộ nghèo cận nghèo có con em trong độ tuổi để tuyên truyền. Ngoài ra, các diện khác nhưng có con em trong độ tuổi lao động, thông qua các trưởng ấp, xã tuyên truyền, vận động các em đi làm việc tại nước ngoài”, bà Trà Thị Ngọc Giàu - Phó chủ tịch UBND xã An Thủy cho biết.

Kinh nghiệm và giải pháp

Kinh nghiệm thực hiện tại các xã là ở ấp nào có con em đi rồi thì người dân thấy được hiệu quả thực tế, cán bộ xã đến tư vấn sẽ dễ dàng hơn, ngược lại nơi nào chưa có lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì người dân còn ngán ngại. Vấn đề đặt ra hiện nay là trên địa bàn đã xảy ra một số trường hợp NLĐ không qua kênh giới thiệu của chính quyền địa phương mà tự liên hệ với các công ty giới thiệu việc làm ngoài tỉnh thiếu uy tín nên hậu quả khi sang làm việc ở nước ngoài có việc làm chưa đảm bảo, thu nhập không ổn định, dẫn đến bỏ việc giữa chừng.

Ông Trần Văn Hoàng - Phó chủ tịch UBND huyện Ba Tri cho biết, huyện rất quan tâm đến công tác hỗ trợ đưa NLĐ làm việc ở nước ngoài, chỉ đạo sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, từ cấp huyện đến cấp xã, phân công cán bộ theo dõi địa bàn ấp nắm sâu sát các trường hợp có con em đang độ tuổi lao động để theo dõi, vận động và hỗ trợ. Thời gian qua, huyện đã phát hiện và xử lý kịp thời một số công ty thiếu uy tín, không rõ nguồn gốc tuyên truyền giới thiệu NLĐ làm việc ở nước ngoài.

Cùng với Ba Tri, huyện Giồng Trôm cũng là địa phương có tỷ lệ đưa NLĐ làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng rất hiệu quả. Tại các chuyến giám sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh về tình hình thực hiện công tác này, ông Huỳnh Văn Cuộn - Phó trưởng ban cho biết: Trong công tác tuyên truyền, các xã cần xác định đây là khâu quan trọng, kinh nghiệm nên chọn người để tuyên truyền, tư vấn là người đã từng làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động. “Cần nhân rộng mô hình để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Các địa phương nên ban hành kế hoạch riêng về công tác kiểm tra, giám sát chương trình này, đồng thời chỉ đạo xã tập trung; giám sát người sử dụng vốn có đúng chưa. Đồng thời, các địa phương cần mạnh dạn cho ý kiến, đề xuất nếu có khó khăn về vốn vay, việc phối hợp trong công tác tuyên truyền, tiếp cận nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội…” - ông Huỳnh Văn Cuộn nhấn mạnh.

Anh Nguyễn Nhựt Trường - Trưởng ban Thanh niên nông thôn, Công nhân và Đô thị Tỉnh Đoàn cũng chia sẻ về giải pháp: “Các địa phương cần phát huy các cách làm hay; tiếp tục quan tâm công tác nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác tuyên truyền; năng lực cho hộ yếu thế, hộ nghèo tham gia đề án sinh kế”.

Theo báo cáo của huyện Ba Tri, tất cả lao động đã xuất cảnh đều có tình hình lao động tốt, đời sống và thu nhập của NLĐ ổn định. Mức thu nhập bình quân của NLĐ làm việc tại Nhật Bản và Hàn Quốc khoảng 25 - 30 triệu đồng/người/tháng; lao động làm việc tại Đài Loan có mức thu nhập bình quân khoảng 20 triệu đồng/người/tháng.

Bài, ảnh: Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN