Có một hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh bị “bỏ quên” hơn 17 năm

04/11/2013 - 07:35
Ông Trần Văn Hoàng (bên trái) và đồng chí Nguyễn Văn Hòa - Bí thư Chi bộ ấp Quí An Hòa xem lại hồ sơ xác nhận thương binh đã gửi lên UBND xã hơn 17 năm.

Đó là trường hợp của ông Trần Thanh Hoàng, 72 tuổi, ở ấp Quý An Hòa (xã Hòa Lợi - Thạnh Phú), tham gia cách mạng từ năm 1963.

“Ông Hoàng tham gia nhiều trận đánh, bị ba vết thương, bị bắt tù đày từ đất liền ra đảo. Vậy mà đến hôm nay, hơn 17 năm, ông Hoàng vẫn chưa được công nhận là thương binh và được hưởng chính sách thương binh” - ông Nguyễn Văn Hòa - Bí thư Chi bộ ấp Quí An Hòa nói.

“Theo con đường của anh tôi”

Tâm sự với chúng tôi, có lúc ông Hoàng nghẹn ngào, có lúc hăng hái khi nói về các trận đánh mà ông từng tham gia. Ông Hoàng nhớ lại, từ ngày 18-2-1963 đến 1964 ông làm giao liên ở xã Hòa Lợi, thấy anh ruột đi bộ đội nên ông đi theo. Năm 1964 đến 1967, ông công tác ở Tiểu đoàn D518. Sau tổng tiến công Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn D518 về chiến đấu tại chiến trường Long An. Về đây, ông tham gia đánh gần 20 trận. Ngày 2-3-1968, ông bị thương (2 vết trên đầu, 1 vết ở đầu gối chân phải) trong trận đánh ở ấp 9, xã Hiệp Phước (Cần Giuộc - Long An). Đồng đội đưa ông vào Quân y huyện Cần Giuộc điều trị được hai tháng. Sau khi vết thương lành hẳn ông trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Đến ngày 18-2-1969, trong một trận đánh cũng tại xã Hiệp Phước, ông bị thương, bị địch bắt đưa về Nhà thương Long Bình điều trị hai tháng rưỡi. Sau đó, chúng đẩy ông vào Trại giam Biên Hòa (Đồng Nai) 10 ngày, sau đó lại đẩy ông vào nhà tù ở đảo Phú Quốc qua các trại 10 và 11. Đến ngày 16-3-1973, ông mới được trao trả tại Thạch Hãn (Quảng Trị). “Sau 5 năm, 8 tháng, 13 ngày trong tù, tôi được anh em đưa về an dưỡng tại Đoàn 596 (Hà Nội). Sau một năm an dưỡng, năm 1974 tôi trở về Tiểu đoàn 296 Đồng Khởi đánh 3 trận nữa. Trong đó, có trận đánh tiêu diệt tiểu đoàn 401 - đây là tiểu đoàn của đám chiêu hồi có thiếu tá Sáng - tên ác ôn khét tiếng” - ông Hoàng kể lại.

Hồ sơ bị “bỏ quên” trong tủ

Đến ngày 9-5-1996, ông Trần Thanh Hoàng làm tờ khai trường hợp bị thương, bị địch bắt, gửi lên UBND - Ban Thương binh và Xã hội xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện để được khám chứng nhận xếp hạng thương binh. Trước khi gửi đơn lên UBND xã, ông Hoàng tìm được 2 người từng ở tù chung để làm nhân chứng (ông Hoàng tìm được ông Phạm Minh Chiến - đảng viên ở ấp An Hóa Đông và ông Trần Văn Đường - Bí thư Chi bộ ấp An Ninh (xã Bình Khánh Tây - Mỏ Cày).

Ngày 10-5-1996, Đảng ủy UBND xã Hòa Lợi tổ chức họp xét trường hợp bị thương của ông Trần Thanh Hoàng. Ông Nguyễn Hoài Hận - lúc đó là Chủ tịch UBND xã, ông Lâm Toàn Thắng - Bí thư Đảng ủy xã, ông Nguyễn Hữu Có - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cùng ký tên, đóng dấu xác nhận: Căn cứ tiêu chuẩn thương binh, người hưởng chính sách, chúng tôi nhất trí đề nghị xác nhận thương binh cho ông Trần Thanh Hoàng là đủ điều kiện, đề nghị cấp trên xác nhận, cấp giấy chứng nhận bị thương và giải quyết quyền lợi cho ông Trần Thanh Hoàng.

Ông Hoàng mừng vui khôn tả, luôn trông đợi ngành Thương binh - Xã hội cấp trên gọi lên để giám định thương tật và xếp hạng thương binh. “Tôi chờ mãi không thấy, nên vào xã hỏi thì xã nói đã chuyển hồ sơ lên huyện. Đến Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện thì cán bộ ở đây nói không thấy hồ sơ của tôi. Sau đó, tôi nhiều lần đến xã, huyện để hỏi thăm kết quả. Hỏi hoài không thấy gì cả, mệt mỏi quá nên tôi im lặng” - ông Hoàng buồn bã bày tỏ.

Mãi đến ngày 20-8-2013, ông Lê Ngọc Hưởng - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hòa Lợi trong lúc tìm kiếm tài liệu cho công việc đang làm thì phát hiện hồ sơ đề nghị xác nhận thương binh cho ông Trần Thanh Hoàng. Hồ sơ này bị “bỏ quên” trong tủ của Văn phòng Đảng ủy xã từ ngày 10-5-1996. “Hơn 17 năm rồi, tại sao hồ sơ của ông Hoàng vẫn còn nằm ở đây? Phải tìm cho ra ai tắc trách trong công việc, thiệt thòi cho ông Hoàng hơn 17 năm” - ông Hưởng bức xúc.

Nói về hồ sơ xác nhận thương binh của ông Trần Thanh Hoàng, ông Lê Văn Mứt - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thạnh Phú cho biết: Điều 28 Nghị định 31/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng có nêu rõ nội dung về trách nhiệm lập hồ sơ, cấp giấy chứng nhận bị thương, giấy chứng nhận thương binh, giấy chứng nhận người hưởng chính sách thương binh. “Hồ sơ bị “bỏ quên” như vậy là quá thiệt thòi cho ông Hoàng. Căn cứ theo Nghị định số 31 mà Chính phủ vừa ban hành, chúng tôi sẽ tiến hành xem xét, hướng dẫn ông Hoàng làm thủ tục giám định thương tật để ông Hoàng được hưởng và truy lãnh chế độ thương binh trong thời gian gần nhất.

Bài, ảnh: HOÀNG VŨ

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN