|
Bà Đông giới thiệu nấm linh chi. |
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với xã An Ngãi Trung (Ba Tri) tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng nấm, mở ra nhiều cơ hội giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế. Bà Nguyễn Thị Đông - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp An Định 1 - xã An Ngãi Trung tâm đắc mô hình này sau thời gian sản xuất nấm linh chi và nấm bào ngư.
Sau 3 tháng tập huấn, bà Đông áp dụng sản xuất tại gia đình. Mỗi ngày, bà Đông làm ra 70 bịch phôi, bán giá 6.000 đồng/bịch, thu về trên 400.000 đồng; trừ tất cả các chi phí, còn lãi trên 250 ngàn đồng. Nấm phơi khô cũng bán với giá 500.000 đồng/ký. Từ đó, bà Đông phấn khởi và tiếp tục mở rộng diện tích trồng nấm.
Bà Đông sử dụng nguyên liệu sản xuất nấm từ: rơm, mụn dừa, mạt cưa và bã mía. Quá trình sản xuất nấm được chia ra thành ba giai đoạn, mà bà Đông gọi là ba cấp của qui trình nhân giống. Toàn bộ kỹ thuật đều được làm bằng thủ công. Đầu tiên là giai đoạn giống trên thạch, tức là nấu hỗn hợp gồm bột rau câu, giá, khoai tây, đường và một lượng nhỏ men giống (có thể linh chi hay bào ngư tùy theo đợt sản xuất) gọi là nước chiết. Nước chiết nấu để nguội, sau đó cho vào ống nghiệm làm bằng thủy tinh bảo quản trong tủ có đèn diệt khuẩn (loại đèn chuyên dụng, dài 60cm) nhằm tăng chất lượng nước chiết. Giai đoạn hai là nấu lúa, hay còn gọi giống tranh hạt. Lúa đem nấu khoảng 3 giờ ở nhiệt độ 1210C, để nguội cho vào chai thủy tinh (loại chai giống như chai nước biển trong ngành y tế). Sau đó, cấy nước chiết vào, đậy kín. Một tuần sau chuyển qua giai đoạn ba, phôi chạy tơ trong túi nylon đến khi tơ chạy đều trong túi, mở nấp đậy hay có thể dùng dao rạch 3 - 4 đường trên túi phôi để cho nấm nảy nở, phát triển. Thời gian thu hoạch nấm cách ngày cấy là 20 ngày, nắm được thu hoạch trong 3 đợt (một đợt hái liên tục khoảng hai tháng), mỗi đợt cách nhau 2 tháng. Qui trình chăm sóc cây nấm tương đối kỹ lưỡng vì nấm không chịu gió, phải có màng lưới che tránh các loài sâu hại đục thân nấm. Trong mùa khô, phải phun nước 3 - 4 lần, nấm không được dư nhiều nước hay thiếu nước. Đặc biệt, nhiệt độ không quá nóng hay quá lạnh. Nấm thích hợp với nền đất thịt, độ ẩm vừa phải.
“Đến nay, Tổ có 32 thành viên, trong đó có 5 hộ sản xuất và 3 hộ đã sử dụng lò nấu. Khó khăn lớn nhất trong sản xuất là bã mía chỉ mua ở trung tâm mới có. Đây là nguyên liệu quan trọng, nếu hụt hàng thì quá trình sản xuất sẽ bị đứt đoạn. Mô hình trồng nấm có giá trị kinh tế, giúp chị em trong xã tăng thu nhập”.
(Bà Nguyễn Thị Đông - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp An Định 1 - xã An Ngãi Trung). |
Hiện nay, mô hình trồng nấm của bà Đông được nhiều người biết, đến tận nhà để mua phôi và nấm thành phẩm. Cũng từ đó, nhiều chị em phụ nữ trong Hội liên kết sản xuất nhằm tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Là Tổ trưởng Tổ trồng nấm, bà Đông luôn quan tâm đến việc cải thiện đời sống chị em, sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật cho chị em có nhu cầu.