Còn nhiều doanh nghiệp chưa đăng ký nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp

04/10/2012 - 14:01
Việc đăng ký nhãn hiệu chỉ được một số doanh nghiệp quan tâm.

Để nâng cao tính cạnh tranh và giá trị sản phẩm, nhà sản xuất - kinh doanh cần tạo lập uy tín về chất lượng sản phẩm trên thương trường. Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ được xem là điều kiện đủ để doanh nghiệp bảo vệ tài sản trí tuệ của mình, tránh bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Theo Phòng Quản lý công nghệ - Sở hữu trí tuệ - An toàn bức xạ và Hạt nhân (Sở Khoa học và Công nghệ), thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ đạt nhiều hiệu quả tích cực trên các mặt hoạt động: thi hành pháp luật, đào tạo, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chính sách và pháp luật về sở hữu trí tuệ, hướng dẫn xác lập, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương…

Năm qua, Sở đã phối hợp với UBND huyện Ba Tri, UBND xã Phú Lễ tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ, sở hữu công nghiệp. Đồng thời, xác lập quyền, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho 140 hộ sản xuất kinh doanh trên địa bàn xã Phú Lễ và hội viên Hội Sản xuất rượu Phú Lễ. Từ đó, giúp các hộ có sự đồng thuận trong việc tổ chức đăng ký nhãn hiệu tập thể. Hội Thủy sản Bến Tre cũng đã được UBND tỉnh cho phép sử dụng tên địa danh “An Thủy” và “Bình Thắng” đăng ký nhãn hiệu tập thể cho làng nghề cá khô. Các dự án như Dự án Quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Cái Mơn” cho sản phẩm giống cây trồng của Hợp tác xã Cái Mơn (xã Vĩnh Thành - Chợ Lách) đã góp phần giúp cho hợp tác xã quản lý và phát triển tốt hơn nhãn hiệu tập thể “Cái Mơn”. Dự án tuyên truyền phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bến Tre góp phần tăng cường phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Chương trình hỗ trợ xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của tỉnh giai đoạn 2012-2015 và đến 2020 sẽ góp phần đưa hoạt động hỗ trợ, khai thác, phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ của tỉnh ngày càng thiết thực hơn.

Tính từ tháng 7-2011 đến 7-2012, Sở Khoa học và Công nghệ đã hướng dẫn, giải đáp những vấn đề liên quan cho trên 100 lượt cơ sở trên địa bàn. Các tổ chức, cá nhân trong tỉnh bước đầu nhận thức đúng về quyền sở hữu công nghiệp. Từ đó, doanh nghiệp biết tự bảo vệ, quảng bá sản phẩm, hạn chế những vi phạm về quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân khác trong nước và quốc tế. Một số doanh nghiệp trong tỉnh, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ dừa đã khai thác tối đa sức mạnh của nhãn hiệu nhằm phát triển thị trường và đạt doanh thu khá cao thông qua việc hình thành nhiều nhãn hiệu trong cùng một cơ sở sản xuất.

Tuy nhiên, trên thực tế, phần đông các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ vẫn chưa quan tâm việc đăng ký sở hữu trí tuệ. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng chỉ đăng ký nhãn hiệu sản phẩm và chưa có trường hợp nào đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Bến Tre hiện chỉ có một Phòng Quản lý công nghệ - Sở hữu trí tuệ - An toàn bức xạ và Hạt nhân thuộc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh có chức năng tư vấn đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. Muốn nhờ đơn vị tư vấn, phải ra ngoài tỉnh và thông qua sự giới thiệu của Sở hoặc người dân tự tra cứu trên mạng internet. Hoạt động của Phòng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các cá nhân, đơn vị trong việc tư vấn, với kinh phí khoảng 1,5 triệu đồng. Thời gian giải quyết cũng nhanh hơn so với việc các cá nhân, đơn vị đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ, bởi cục có số lượng hồ sơ nhiều, nên thời gian giải quyết chậm. Trên thực tế, có nhiều đơn vị đăng ký nhãn hiệu sản phẩm phải mất 2 -  3 năm mà vẫn chưa có nhãn hiệu hoàn chỉnh.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích