
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị do Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ chủ trì. Tại điểm cầu tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười, đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, địa phương tham dự.
Tại hội nghị, Ban Chỉ đạo công bố Chỉ số SIPAS năm 2020, Quảng Ninh dẫn đầu bảng xếp hạng với kết quả Chỉ số SIPAS đạt 95,76%, xếp thứ 2 là Hải Phòng với 93,57%, Bắc Giang xếp thứ 3 với 92,54%, thứ 4 là tỉnh Hưng Yên với 91,66% và thứ 5 là Vĩnh Phúc với 90,53%. Bến Tre xếp hạng thứ 20 với 88,35%, tăng 1 bậc so với năm 2019.
Chỉ số PAR Index 2020 của các bộ, ngành, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đứng đầu (95,88%) và đứng cuối bảng xếp hạng chỉ số này là Bộ Giáo dục và Đào tạo (83,24%). Kết quả Chỉ số PAR Index năm 2020 của các tỉnh thì Quảng Ninh đứng đầu cả nước (91,04%), đứng cuối cùng là tỉnh Quảng Ngãi (73,25%). Bến Tre xếp hạng thứ 44 với 83,28%, tăng 19 bậc so với năm 2019.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Bé Mười cho rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, sự chung tay của từng cán bộ, công chức, viên chức, cùng với sự đồng thuận từ phía người dân và doanh nghiệp, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh trong năm 2020 có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành, của địa phương được nâng lên. Chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo, điều hành của các đơn vị, địa phương được hoàn thiện, nâng chất; bộ máy hành chính hoạt động ổn định.
Đặc biệt, bằng nỗ lực của địa phương, cùng với sự hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp của Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài tỉnh, Bến Tre đã cung cấp 100% TTHC phù hợp lên thành dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tạo dấu mốc quan trọng, lan tỏa tinh thần chuyển đổi số. Tổng số TTHC của tỉnh là 1.758 thủ tục, tỉnh đang cung cấp 1.381 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, đạt 79%; số dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 tích hợp Cổng quốc gia là 553 dịch vụ, đạt 40%; triển khai, thực hiện việc cung cấp dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính bảo đảm đạt trên 50% số lượng đơn vị cấp xã trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến cuối năm 2021 đạt 100%.
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ ghi nhận và biểu dương các bộ, ngành Trung ương và địa phương trong thời gian qua đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn, có nhiều mô hình hay, cách làm đổi mới, sáng tạo, hiệu quả.
Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị, các bộ, ngành Trung ương và địa phương tiếp tục rà soát, ban hành các chương trình, kế hoạch và các giải pháp cụ thể để tổ chức triển khai có hiệu quả công tác CCHC trên địa bàn mình. Tập trung nguồn lực thực hiện một số giải pháp cấp bách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất. Thường xuyên rà soát, tăng cường đổi mới, sáng tạo và mạnh dạn triển khai thí điểm, nhân rộng các mô hình cải cách mới có tính đột phá để kịp thời tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách.
“Các tỉnh sớm tổ chức hội nghị rà soát, phân tích và đánh giá rút kinh nghiệm quá trình triển khai và kết quả đạt được, chấn chỉnh kịp thời những tồn tại, yếu kém đã chỉ ra. Chủ động đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ CCHC. Tăng cường rà soát, cắt giảm TTHC không cần thiết kết hợp rà soát tổ chức lại bộ máy các cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp”, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình lưu ý.
Tin, ảnh: Hoàng Lam