Công bố Quyết định phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 

19/07/2024 - 11:47

BDK.VN - Ngày 19-7-2024, tại hội trường lớn UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức hội nghị công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chủ trì hội nghị.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, Cục trưởng Cục Thuỷ sản Trần Đình Luân, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh chủ trì hội nghị.

Đại diện các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Quốc phòng, Giao thông vận tải, Công an, Ngoại giao, Văn phòng chính phủ; đại diện Liên danh Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam - Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công trình thuỷ; đại diện các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT; đại diện lãnh đạo UBND, Sở NN&PTNT 28 tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương; các tổ chức quốc tế; phi chính phủ tham dự.

Tại hội nghị, Cục trưởng Cục Thuỷ sản (thuộc Bộ NN&PTNT) Trần Đình Luân đã công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; dự thảo Kế hoạch triển khai Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đại diện lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện về đầu tư và nhiệm vụ, dự án ưu tiên của Trung ương và địa phương trong quy hoạch.

Theo đó, quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030: Đầu tư 5 Trung tâm nghề cá lớn đồng bộ trong hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, kết cấu hạ tầng và dịch vụ hậu cần thủy sản tại các vùng biển. Dự án cảng cá ưu tiên thực hiện quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, gồm: 16 cảng cá loại I, 7 cảng cá loại II. Dự án khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ưu tiên thực hiện quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, gồm: 12 công trình cấp vùng; 7 công trình cấp tỉnh, thành phố.

Trong giai đoạn 2021 - 2030, ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và dịch vụ hậu cần thiết yếu: Các cảng cá loại I, ưu tiên các cảng cá trong các trung tâm nghề cá lớn. Các khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng. Các cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá tại các đảo. Các cảng cá loại II kết hợp khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá hoặc đang đầu tư xây dựng dở dang. Đồng thời, có vai trò cảng chính phục vụ chống khai thác IUU của địa phương. Các dự án cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thu hút được vốn đầu tư ngoài ngân sách.

Đến năm 2030, toàn quốc có 173 cảng cá, gồm: 39 cảng cá loại I, 80 cảng cá loại II, 54 cảng cá loại III, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2,983 triệu tấn/năm và 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (gồm 30 khu cấp vùng, 130 khu cấp tỉnh), đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 90.600 tàu cá. Trong đất liền, có 141 cảng cá, trong đó có 33 cảng cá loại I, 55 cảng cá loại II, 53 cảng cá loại III, đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 2,75 triệu tấn/năm và 125 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm: 20 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng và 105 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp tỉnh, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 73.940 tàu cá. Tại các đảo, có 32 cảng cá; trong đó, có 6 cảng cá loại I, 25 cảng cá loại II, 1 cảng cá loại III, đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 233 ngàn tấn/năm và 35 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, gồm: 10 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp vùng và 25 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cấp tỉnh, đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 16.660 tàu cá.

Quy hoạch đến năm 2050, toàn quốc có 180 cảng cá, gồm: 39 cảng cá loại I, 87 cảng cá loại II, 54 cảng cá loại III, đáp ứng bốc dỡ tổng lượng thủy sản qua cảng khoảng 3,005 triệu tấn/năm và 160 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá (gồm: 30 khu cấp vùng, 130 khu cấp tỉnh), đáp ứng nhu cầu neo đậu cho khoảng 90.600 tàu cá.

Tổng nhu cầu sử dụng đất và mặt nước theo quy hoạch hệ thông cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2030 khoảng 6.124ha, gồm: Tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.050ha và tổng nhu cầu sử dụng mặt nước khoảng 5.074ha.

Định hướng đến năm 2050. hoàn thiện hệ thống cảng cá đồng bộ từ cơ sở hạ tầng đến dịch vụ hậu cần theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên cơ sở nâng cấp, mở rộng các cảng cá hiện có, tập trung vào các hạng mục dịch vụ hậu cần nghề cá, tự động hóa, đảm bảo các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm. Khu neo đậu tránh trú bão cấp vùng đáp ứng được cho tàu cá neo đậu trong trường hợp siêu bão. Hoàn thiện hệ thống thông tin đạt trình độ hiện đại ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực để phục vụ công tác quản lý cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Kết nối thông tin giữa cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá với tàu cá. Gắn kết cảng cá với khu neo đậu tránh trú bão trong việc quản lý, khai thác để hình thành nên những trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại, đồng bộ. Hoàn thiện hệ thống các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão tại các đảo, đặc biệt tại hai huyện đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

Khả năng xác định nhu cầu vốn giai đoạn 2026 - 2030 để thực hiện các dự án, nhiệm vụ đầu tư cần được rà soát kỹ, sát với nhu cầu thực tế hiện nay (về nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 Bộ NN& PTNT và các địa phương đã bố trí cho 71 dự án, với số vốn khoảng 6.530 tỷ đồng cho lĩnh vực thủy sản chưa kể khoảng 5 ngàn tỷ vốn vay từ WB để thực hiện dự án phát triển thủy sản bền vững).

Tại hội nghị, đại biểu ý kiến, thảo luận liên quan đến hoàn thiện cơ chế chính sách, huy động vốn đầu tư; đa dạng hoá nguồn vốn đầu tư cảng cá, đảm bảo sản xuất, phòng chống thiên tai cho người dân.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh, là một trong 13 tỉnh, thành của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre với đường bờ biển dài 65km cùng 3 cảng biển và đội tàu khai thác trên 3 ngàn chiếc, với sản lượng khai thác hàng năm khoảng 200 ngàn tấn; 50 ngàn héc-ta đất tiềm năng nuôi thủy sản, với sản lượng hàng năm đạt hơn 250 ngàn tấn, nên thuận lợi cho việc quy hoạch và phát triển hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá. Thời gian qua, để phát huy thế mạnh về kinh tế biển của địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương tăng cường đầu tư hạ tầng, mở rộng cảng cá, khu neo đậu tàu cá và nâng cao năng lực quản lý của các cảng cá, góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nâng cao giá trị gia tăng ngành khai thác thủy sản của địa phương.

“Với tiềm năng phát triển của các tỉnh, thành ven biển, Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là cơ sở quan trọng để hiện thực hóa các quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu phát triển ngành thủy sản, khơi thông nguồn lực của các địa phương; tạo điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến tìm hiểu, nghiên cứu và quyết định đầu tư, phát triển tại các tỉnh, thành ven biển. Quy hoạch góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá, tăng cường hội nhập quốc tế, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đặc biệt, các thị trường nhập khẩu hải sản đã và sẽ tiếp tục thắt chặt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản, đòi hỏi quốc gia xuất khẩu phải bảo đảm độ tin cậy trong toàn bộ chuỗi khai thác, nhập khẩu, chế biến, xuất khẩu thủy sản, nên việc triển khai thực hiện Quy hoạch trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, kịp thời, phù hợp với xu hướng và nhu cầu của các địa phương”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Cảnh cho biết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu kết luận hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã khẳng định tầm quan trọng quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá, nhằm hoàn thiện và hiện đại hoá cơ sở hạ tầng ngành thuỷ sản, đáp ứng nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, đảm bảo an toàn cho tàu cá và ngư dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nghề cá, tăng cường hội nhập quốc tế; thích ứng biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển và góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh...

Tin, ảnh: Trần Quốc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN