Công bố xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương 2024

31/12/2024 - 08:23

Theo kết quả phân tích, đánh giá Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương 2024, Hà Nội tiếp tục là địa phương có điểm số cao nhất, xếp hạng 1 và Cao Bằng vẫn là địa phương có điểm số thấp nhất, xếp hạng 63.

Ngày 30-12, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2025 của ngành KH-CN, Bộ KH-CN đã công bố bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (Provincial Innovation Index - PII) năm 2024.

Theo đó, trong 10 địa phương dẫn đầu PII 2024, có 9 địa phương thuộc nhóm 10 địa phương dẫn đầu PII 2023, 1 địa phương (Bắc Ninh) rời nhóm xuống vị trí 11.

Trong nhóm 20 địa phương có thứ hạng từ 11 đến 30 trong PII 2023, có 1 địa phương lên nhóm 10 địa phương dẫn đầu (Bắc Giang), 3 địa phương xuống nhóm từ 31 đến 50 (Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long), 16 địa phương còn lại có thay đổi thứ hạng nhưng vẫn trong nhóm 30 địa phương dẫn đầu PII 2024.

Cong bo PII 2.jpg

Quang cảnh Lễ công bố PII 2024

Trong 10 địa phương dẫn đầu PII 2024, có 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 5 địa phương có công nghiệp, dịch vụ phát triển.

Cụ thể, 3 địa phương không thay đổi vị trí dẫn đầu là Hà Nội xếp hạng 1, TPHCM xếp hạng 2 và Hải Phòng xếp hạng 3.

Các địa phương tiếp theo gồm: Bà Rịa - Vũng Tàu xếp hạng 4 (PII 2023 xếp hạng 7), Đà Nẵng xếp hạng 5 (PII 2023 xếp hạng 4), Quảng Ninh xếp hạng 6 (PII 2023 xếp hạng 9), Cần Thơ xếp hạng 7 (PII 2023 xếp hạng 5), Bình Dương xếp hạng 8 (không thay đổi so với PII 2023), Thái Nguyên xếp hạng 9 (PII 2023 xếp hạng 10) và Bắc Giang xếp hạng 10 (PII 2023 xếp hạng 11).

Trong các địa phương, Cao Bằng vẫn là địa phương có điểm số thấp nhất, xếp hạng 63.

Cong bo PII 3.jpg

Thứ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Minh phát biểu tại lễ công bố.

Phát biểu tại lễ công bố, Thứ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Minh nhấn mạnh, kết quả đánh giá cho thấy sự phù hợp, tương đồng giữa kết quả PII 2024 với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi, ngành công nghiệp - xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng phát triển và có hoạt động KH-CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) mạnh mẽ.

Ngược lại, các địa phương thuộc nhóm cuối có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển, còn hạn chế trong ứng dụng KH-CN và ĐMST vào phát triển kinh tế - xã hội (tập trung ở các vùng Tây Nguyên, trung du và miền núi phía Bắc).

Việc so sánh trực tiếp về thứ hạng giữa các địa phương chỉ mang tính tương đối, bởi mỗi địa phương có các điều kiện, đặc điểm và định hướng phát triển khác nhau.

PII cung cấp căn cứ khoa học và các minh chứng về điểm mạnh, yếu và các yếu tố tiềm năng, điều kiện cần thiết, qua đó giúp lãnh đạo của địa phương xác định, lựa chọn chủ trương, định hướng, giải pháp phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW (ngày 22-12-2024) của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH-CN, ĐMST và chuyển đổi số quốc gia để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới.

Đây là năm thứ 2 bộ chỉ số PII được xây dựng trên toàn quốc, chấm điểm 63 tỉnh, thành.

Bộ chỉ số này là công cụ duy nhất đánh giá tổng thể, đầy đủ về hiện trạng mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH-CN và ĐMST của địa phương, được Chính phủ giao Bộ KH-CN là cơ quan chủ trì xây dựng hàng năm, bắt đầu thực hiện từ 2023.

Theo Trần Bình (Báo SGGP)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN