
Chủ trì hội nghị “Phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan đến công tác cải cách hành chính; công bố Chỉ số PAR-INDEX, Chỉ số SIPAS của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố năm 2022”. Ảnh: Phương Thảo
Một số chỉ số bị giảm điểm, tụt hạng
Qua công bố của các cơ quan Trung ương, năm 2022, các chỉ số liên quan đến CCHC của tỉnh lần lượt được xếp hạng như sau: Chỉ số PAPI: xếp hạng thứ 50/63 tỉnh, thành, tăng 6 bậc so với năm 2021. Chỉ số PCI: xếp hạng thứ 13/63, tăng 5 bậc so với năm 2021. Chỉ số SIPAS: xếp hạng thứ 41/63, giảm 15 bậc so với năm 2021. Chỉ số PAR-INDEX: xếp hạng thứ 56/63, giảm 19 bậc so với năm 2021.
Ngày 18-5-2023, tỉnh đã tổ chức hội nghị “Phân tích, đánh giá các chỉ số liên quan đến công tác CCHC; công bố Chỉ số PAR-INDEX, Chỉ số SIPAS của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố năm 2022” nhằm tìm ra nguyên nhân tụt giảm thứ hạng của các chỉ số, cũng như nhìn nhận một cách thấu đáo các hạn chế, yếu kém của tỉnh mà Trung ương đã đánh giá, đề xuất giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Theo phân tích, đánh giá của các cơ quan chuyên môn về các chỉ số, cho thấy rằng: vẫn còn không ít tồn tại, hạn chế trong hệ thống bộ máy hành chính và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC) là nguyên nhân dẫn đến các chỉ số bị giảm điểm, tụt hạng. Cụ thể như sau:
Chỉ số PCI, có 6 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2021, các chỉ số thành phần tụt hạng là: (1) Tính minh bạch; (2) Tính năng động; (3) Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; (4) Đào tạo lao động. Trong đó, một số chỉ số có điểm số giảm nhiều, thậm chí có chỉ số tụt hạng rất sâu như: tính minh bạch (xếp hạng 59), chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (xếp hạng 51). Đặc biệt, năm 2022 đánh giá thêm chỉ số thành phần mới là chỉ số xanh cấp tỉnh (xếp hạng 62).
Chỉ số PAPI có tăng so với năm 2021, cụ thể là tăng 6 bậc về xếp hạng. Trong đó, có 4/8 chỉ số thành phần tăng điểm (công khai, minh bạch; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính (TTHC) công; cung ứng dịch vụ công); 1 chỉ số thành phần không cải thiện (quản trị điện tử); 3/8 chỉ số thành phần giảm điểm (tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; quản trị môi trường).
Chỉ số SIPAS năm 2022, tập trung vào lắng nghe nhận định, đánh giá, mức độ hài lòng, mức độ mong đợi của người dân đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách công quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân và đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính công nói chung dựa trên tri thức, trải nghiệm của người dân. Tuy không thể so sánh về các chỉ số thành phần với năm trước (do thay đổi cách đánh giá) nhưng chỉ số chung bị giảm khá sâu về điểm số và thứ hạng (chỉ số giảm 8,89%, thứ hạng giảm 15 bậc).
Chỉ số PAR INDEX có 4/8 lĩnh vực tăng điểm, 4 lĩnh vực giảm điểm so với năm 2021. Lĩnh vực tăng nhiều nhất là chỉ đạo, điều hành; lĩnh vực giảm nhiều nhất là xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Năm 2022, có 3 lĩnh vực đạt trên 90% (công tác chỉ đạo, điều hành; cải cách thể chế; cải cách TTHC); 3 lĩnh vực dưới 80% (cải cách tài chính công; tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số).
Kết quả trên, nguyên nhân một phần là do năm 2022 khá khó khăn do cả hệ thống phải cùng nhau phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, nhưng nguyên nhân chính của những hạn chế này phải kể đến là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong công tác CCHC chưa cao, đặc biệt là các cơ quan phụ trách tham mưu từng lĩnh vực CCHC.
Nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới
Nhằm cải thiện và nâng cao các chỉ số, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân phải nỗ lực, phấn đấu rất nhiều, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đề ra đầu năm. Muốn thực hiện được, tỉnh phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tạo sự hài lòng, niềm tin của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính; cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định và tăng thu ngân sách.
Dưới đây là một số giải pháp các ngành, các cấp trong tỉnh cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới như sau:
Thứ nhất, căn cứ các báo cáo phân tích, đánh giá các chỉ số có liên quan đến công tác CCHC, tiến hành kiểm điểm việc làm được, chưa làm được, trách nhiệm của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và khẩn trương đề ra và thực hiện quyết liệt các biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém được chỉ ra. Nghiêm túc chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính trong tổ chức thực hiện công tác CCHC.
Thứ hai, các sở, ban, ngành tỉnh và UBND cấp huyện tiếp tục xác định nhiệm vụ CCHC, cải thiện và nâng cao các chỉ số là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, cấp bách trong năm 2023 và những năm tiếp theo; đẩy mạnh CCHC một cách quyết liệt, đồng bộ, theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”, có hiệu quả cao. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Kiên quyết xử lý, kỷ luật nghiêm cán bộ, công chức không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực.
Thứ ba, tập trung thực hiện các nhiệm vụ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, đặc biệt các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, đảm bảo hoàn thành 100% các nhiệm vụ được giao đúng thời hạn. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo CCHC. Chủ động triển khai kế hoạch kiểm tra CCHC, đảm bảo đạt chất lượng, hiệu quả. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền CCHC. Nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng các sáng kiến, giải pháp liên quan đến lĩnh vực CCHC. UBND tỉnh cần có những cơ chế tạo động lực, khích lệ các tập thể, cá nhân có nhiều sáng kiến thiết thực hơn nữa, nhằm đẩy mạnh CCHC, nâng cao chất lượng phục vụ, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ tư, sử dụng hiệu quả kết quả Chỉ số PCI, PAPI và SIPAS năm 2022 trong chỉ đạo, điều hành CCHC tại các sở, ngành, địa phương và có biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cho người dân, tổ chức. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng cách làm mới, mô hình hay tạo động lực thúc đẩy CCHC và nhân rộng những mô hình.
Thứ năm, căn cứ Đề án số 01-ĐA/TU ngày 29-12-2020 của Tỉnh ủy về CCHC giai đoạn 2020 - 2025 và tầm nhìn đến 2030, Kế hoạch số 6600/KH-UBND ngày 12-10-2021 của UBND tỉnh về CCHC giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh; Bản cam kết được ký ngày 16-6-2022 giữa thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, chủ tịch UBND các huyện, thành phố với chủ tịch UBND tỉnh để triển khai các nhiệm vụ CCHC.
Thứ sáu, đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quy định tại Nghị định số 107/2021/NQ-CP ngày 6-12-2021 của Chính phủ; thực hiện việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trong tiếp nhận, giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn theo đúng quy định.
Thứ bảy, chủ động, nhanh chóng giải quyết kịp thời kiến nghị của doanh nghiệp, nhà đầu tư đang triển khai hoạt động trên địa bàn; nâng cao trách nhiệm phối hợp của các sở, ngành, địa phương trong giải quyết TTHC, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh của các doanh nghiệp trong quá trình triển khai dự án. Quan tâm sâu sát hơn nữa đến việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị của người dân. Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, tổ chức đóng góp ý kiến.
Thứ tám, tổ chức triển khai các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức và hành động của đội ngũ CB, CC, VC theo hướng lấy người dân làm trung tâm; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc xây dựng văn hóa công vụ, lấy người dân làm trung tâm trong toàn ngành, lĩnh vực, địa phương. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng đội ngũ CB, CC chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn cao. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ CB, CC thực hiện nhiệm vụ giải quyết công việc cho người dân, xử lý nghiêm CC có hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ nhằm đảm bảo chất lượng phục vụ người dân.
Thứ chín, tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm nhiệm vụ về xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin có hiệu quả trong tổ chức, hoạt động của hệ thống chính trị và phục vụ nhân dân tốt hơn.
Với những giải pháp nêu trên, cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp phát huy tinh thần “Đồng khởi mới”, đó là: đồng lòng, đồng bộ, đồng loạt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính chiến lược vừa cụ thể góp phần cải thiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, để công tác CCHC của tỉnh có sự chuyển biến tích cực trong năm 2023 và những năm tiếp theo.
Tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trường lớp, trang thiết bị dạy học; nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn về chuyên môn, đảm bảo cho việc dạy và học ở các cấp, bậc học tốt hơn.
Tiếp tục nâng cao chất lượng các cơ sở y tế tuyến huyện, tuyến xã; đầu tư nâng cấp một số trang thiết bị hiện đại cho các bệnh viện, để phục vụ công tác khám chữa bệnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thông tin khám, chữa bệnh, nhằm giảm thiểu các thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về y đức, kỹ năng giao tiếp và các quy tắc ứng xử trong đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế; có giải pháp nâng cao tỷ lệ người dân có bảo hiểm y tế.
Nâng cao chất lượng dịch vụ như: cung cấp điện, nước, dịch vụ thu gom rác thải ở địa phương. Đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc...
|
Đăng Phong