Công tác phối hợp thực hiện Đề án số 06/ĐA-CP

01/05/2023 - 05:18

BDK - Thời gian qua, các nhiệm vụ theo Đề án số 06/ĐA-CP của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số (CĐS) quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” đã được triển khai cơ bản đảm bảo tiến độ, thể hiện rõ tinh thần, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, nhất là vai trò tham mưu của lực lượng công an các cấp từ tỉnh đến cơ sở, góp phần cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn một số khó khăn, hạn chế cần khắc phục.

Đoàn thanh niên Công an tỉnh triển khai hoạt động đăng ký định danh và xác thực điện tử mức độ 2 cho người dân tại cơ sở.

Đoàn thanh niên Công an tỉnh triển khai hoạt động đăng ký định danh và xác thực điện tử mức độ 2 cho người dân tại cơ sở.

Kết quả đạt được

Mục tiêu chung của Đề án số 06/ĐA-CP là ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC), hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử trong công cuộc CĐS quốc gia một cách linh hoạt, sáng tạo phù hợp chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện ích như sau: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến. Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Phục vụ công dân số. Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư. Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Dựa trên báo cáo kết quả của Tổ công tác thực hiện Đề án số 06/ĐA-CP của tỉnh cho thấy, đến tháng 4-2023, Công an tỉnh đã tổ chức cấp CCCD có gắn chip cho 1.306.180 trường hợp, thu nhận hồ sơ cấp định danh và xác thực điện tử 234.025 trường hợp. Hiện toàn tỉnh còn 64.948 công dân đủ điều kiện nhưng chưa được cấp CCCD có gắn chip điện tử, trong đó, công dân thường trú 64.417 người, tạm trú 531 người.

Công an tỉnh thường xuyên quan tâm công tác làm sạch dữ liệu và chỉ đạo quyết liệt, kịp thời thu thập, cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” góp phần nâng cao hiệu quả ứng dụng, khai thác thông tin trong CSDLQGVDC phục vụ công tác giải quyết TTHC, đáp ứng giao dịch dân sự và nhu cầu khác của người dân.

Hiện tổng số TTHC của tỉnh 1.752 thủ tục, đã cung cấp DVC trực tuyến 1.410 thủ tục, tỷ lệ 80,5% so với tổng số TTHC của tỉnh. Trong đó, đã tích hợp, công khai trên Cổng DVC quốc gia 961/1.410 dịch vụ, đạt 68,2%. Hiện tại, Công an tỉnh đã cung cấp 11/11 DVC thiết yếu, các sở, ngành đã triển khai 12/14 DVC thiết yếu theo Đề án số 06/ĐA-CP.

Tỉnh đã hoàn thành kết nối Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với CSDLQGVDC theo chỉ đạo của Bộ Công an. Hiện tại, có 17 sở, ngành, 9 huyện, thành phố và 157 xã, phường, thị trấn đã kết nối, khai thác được thông tin trong CSDLQGVDC để phục vụ quá trình giải quyết TTHC tại bộ phận một cửa. Các sở, ngành, địa phương đã triển khai, rà soát, số hóa, làm sạch dữ liệu theo chỉ đạo, hướng dẫn của ngành dọc. Riêng Công an tỉnh đang phối hợp với Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh để làm sạch dữ liệu tiêm chủng, dữ liệu an sinh xã hội, người cao tuổi, cựu chiến binh.

Hạn chế cần khắc phục

Theo báo cáo đánh giá của Công an tỉnh, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án số 06/ĐA-CP đến nay, có phát sinh những hạn chế. Trong đó, hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã kết nối với CSDLQGVDC nhưng chỉ phục vụ xác thực thông tin công dân tại bộ phận một cửa, công dân vẫn phải khai báo lại thông tin khi nộp hồ sơ các thông tin đã có trong CSDLQGVDC. Tỷ lệ phát sinh hồ sơ trên Cổng DVC thấp, nhất là ở cấp huyện, cấp xã, có nguy cơ không đạt được chỉ tiêu đề ra. Hiệu quả công tác tuyên truyền chưa cao, chưa thật sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của người dân trong thực hiện DVC trực tuyến. Phần lớn người dân không tự thực hiện được việc nộp hồ sơ trực tuyến mà do cán bộ làm thay.

Ngoài ra, vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ thực hiện Đề án số 06/ĐA-CP của một số người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương chưa đúng mức, thiếu sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, còn tư tưởng xem việc thực hiện Đề án số 06/ĐA-CP là nhiệm vụ riêng của lực lượng công an. Công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chưa thường xuyên, thực chất. Trình độ, năng lực công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ số của công chức bộ phận một cửa còn hạn chế nên chất lượng, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Giao diện Cổng DVC còn phức tạp, đôi lúc bị lỗi, gây khó khăn cho người dùng thao tác trên hệ thống. Việc thanh toán trực tuyến hiện tại gây khó khăn cho người dân và cơ quan thụ lý hồ sơ. Mặt khác, một số người dân chưa có tài khoản ngân hàng, chưa có chữ ký số nên cán bộ tiếp nhận còn lúng túng trong quá trình tiếp nhận, hướng dẫn xử lý hồ sơ. Khi gửi hồ sơ đính kèm, người dân đa số sử dụng điện thoại di động để chụp ảnh hoặc máy scan công cộng nên chất lượng ảnh không đảm bảo đáp ứng yêu cầu.

Hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ số hóa đối với các cơ quan chuyên môn thực hiện giải quyết hồ sơ TTHC chưa đảm bảo yêu cầu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC, thông tin tài liệu giai đoạn trước không đầy đủ, sai lệch, các loại biểu mẫu có kích thước giấy không phải A4 (bản vẽ, thiết kế…) đòi hỏi phải có máy scan chuyên dụng.

Để tiếp tục thực hiện tốt Đề án số 06/ĐA-CP, các địa phương, đơn vị cần tập trung nâng cao nhận thức cho người dân, lan tỏa trong người dân về việc thực hiện đồng bộ Đề án số 06/ĐA-CP gắn với 3 trụ cột chính của CĐS. Cần có sự phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể, nhất là đoàn thanh niên để triển khai công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Tam đề nghị, Công an tỉnh tiếp tục thực hiện tốt vai trò là cơ quan thường trực Tổ công tác trong theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc tiến độ thực hiện Đề án số 06/ĐA-CP. Chỉ đạo công an các cấp tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp làm sạch dữ liệu dân cư, đảm bảo dữ liệu dân cư luôn “đúng, đủ, sạch, sống”. Phối hợp rà soát, đối chiếu, cập nhật, đồng bộ giữa dữ liệu dân cư với các dữ liệu về bảo hiểm xã hội, hộ tịch, y tế, an sinh xã hội… theo đúng quy trình, quy định. Mục tiêu đến trước ngày 31-7-2023, tỉnh phải hoàn thành chỉ tiêu thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện, gắn với cấp tài khoản định danh và xác thực điện tử để thực hiện các tiện ích của Đề án số 06/ĐA-CP.

Thông tin từ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh, từ ngày 27-4 đến 25-5-2023, Công an tỉnh sẽ đẩy nhanh việc cấp CCCD có gắn chip điện tử cho công dân đủ điều kiện theo quy định, nhằm đạt được chỉ tiêu 100% công dân đủ điều kiện theo quy định trên địa bàn tỉnh được cấp CCCD có gắn chip điện tử. Thời gian cấp CCCD mở rộng từ 6 - 22 giờ mỗi ngày trong tuần, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật và các ngày lễ. Công an tỉnh sẽ phân công các tổ cấp CCCD lưu động đến các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh theo lịch thông báo trước đến người dân để lập thủ tục cấp CCCD.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN