Công trình Trạm 110kV và đường dây 110kV Bến Tre - Giao Long

05/06/2019 - 07:41

BDK - Ông Lê Văn Khê - Giám đốc Sở Công Thương vừa chủ trì tổ chức họp báo công trình Trạm 110kV Giao Long và đường dây 110kV Bến Tre - Giao Long (Châu Thành). Đại diện lãnh đạo các cơ quan tỉnh, huyện Châu Thành, TP. Bến Tre, phóng viên báo, đài trong và ngoài tỉnh đến dự và có ý kiến xung quanh 2 công trình trên.

Họp báo công trình Trạm 110kV Giao Long và đường dây 110kV Bến Tre - Giao Long. Ảnh: Cẩm Trúc

Họp báo công trình Trạm 110kV Giao Long và đường dây 110kV Bến Tre - Giao Long. Ảnh: Cẩm Trúc

Quy hoạch cụ thể

Tại cuộc họp báo, nhiều ý kiến nêu xoay quanh các nội dung: Đường điện 110kV Giao Long không có quy hoạch, không lấy ý kiến người dân và đền bù chưa thỏa đáng, đề nghị cung cấp các văn bản. Công trình chỉ thực hiện mục đích thương mại của ngành điện là bán điện cho doanh nghiệp chứ không phải cấp điện phục vụ an sinh xã hội. Phương án kéo điện có thông báo cho người dân được biết, có đưa ra thêm phương án tuyến khác, tại sao lại lựa chọn phương án tuyến cắt ngang thị trấn Châu Thành. Dựa vào đâu để áp dụng cưỡng chế thu hồi đất? Căn cứ vào đâu để áp giá đền bù giải phóng mặt bằng...

Theo Sở Công Thương, căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2011 - 2015 và thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 9 của Luật Điện lực, Bến Tre đã ban hành xây dựng Quy hoạch phát triển điện lực Bến Tre giai đoạn 2011 - 2015 có xét đến năm 2020 và được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 4259 ngày 23-8-2011 và sau này là Quyết định số 82 ngày 12-1-2017 của Bộ Công Thương về phê duyệt quy hoạch phát triển Điện lực Bến Tre giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035.

Theo đó, công trình đường dây 110kV Bến Tre - Giao Long và Trạm 110kV Giao Long là lưới điện quốc gia, được thể hiện trong quy hoạch nêu trên, nhằm cung cấp điện cho nhân dân các xã cánh Đông huyện Châu Thành, Khu công nghiệp Giao Long và các xã lân cận huyện Bình Đại. Công trình này là một mắt xích quan trọng trong các công trình lưới điện cao thế khép kín từ TP. Bến Tre đến Giao Long, từ Giao Long đến Phú Thuận, từ Phú Thuận về thị trấn Bình Đại, từ Bình Đại sang huyện Ba Tri, từ Ba Tri đến Thạnh Phú và từ Thạnh Phú về TP. Bến Tre, tạo thành một mạch vòng khép kín nhằm đảm bảo cung cấp điện liên tục, phòng xảy ra trường hợp một trong các huyện mất điện thì có thể lấy tải từ đường dây 110kV khác.

Ngày 9-12-2014, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết số 14 về việc thông qua danh mục các công trình, dự án cần thu hồi đất để phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2015, trong đó có công trình 110kV Bến Tre - Giao Long.

Đủ điều kiện thi công

Việc lựa chọn hướng tuyến công trình dựa vào các tiêu chí như sau: Thỏa mãn điều kiện kinh tế - kỹ thuật như tuyến đường dây không vượt sông, rạch nhiều, không đi qua vùng đất địa chất yếu để đảm bảo công trình được vận động ổn định; giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến nhà cửa, vật kiến trúc trong hành lang an toàn của tuyến đường dây, tận dụng tối đa diện tích hành lang đã có sẵn của đường dây 110kV Mỹ Tho 2 - Bến Tre hiện hữu... Do đó,  phương án hướng tuyến lựa chọn gồm 2 đoạn tuyến: Đoạn tuyến đi chung với đường dây 110kV Mỹ Tho 2 - Bến Tre (cải tạo 1 mạch thành 3 mạch), dài 4,9km. Đoạn tuyến xây dựng mới gồm 2 mạch, dài 9,5km, trong đó phần đi qua thị trấn Châu Thành có chiều dài tuyến khoảng 2,468km. Phương án tuyến đường dây đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Văn bản số 2864 ngày 23-6-2014.

Bên cạnh đó, trước khi đi vào triển khai, công trình đã được đánh giá tác động môi trường và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 834 ngày 15-5-2015. Đồng thời, các tiêu chí an toàn được đánh giá cẩn thận. Theo đo đạc và tính toán của đơn vị thiết kế, đối với các hộ dân sống dưới hành lang lưới điện thì cường độ điện trường tại điểm bất kỳ ở ngoài nhà cách mặt đất 1m là <5kV/m và cường độ điện trường đạt <1kV/m tại điểm bất kỳ ở bên trong nhà cách mặt đất 1m là hoàn toàn bình thường và không ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân. Nguồn vốn công trình được căn cứ kế hoạch phân bổ chi phí đầu tư dự án cụ thể theo Quyết định số 21 ngày 30-5-2016 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng công trình (trong đó, vốn vay của cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICa là 96,707 tỷ đồng, vốn đối ứng của Tổng công ty Điện lực Miền Nam là 51,471 tỷ đồng.

C. Thương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN